(BVPL) - Ngay sau khi băng nhóm tội phạm do Phạm Khắc Tú cầm đầu bị bắt, câu hỏi mà người dân đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước: Thế lực nào bảo kê cho băng xã hội đen này?

 
 
Người dân thôn Phú Mỹ (Đông Ninh) tố cáo chính quyền xã vi phạm quản lý đất đai, thanh tra tỉnh  có kết luận số 108 ngày 29.6.2010, khẳng định, 3 nội dung tố cáo của dân là đúng. Khoản tiền thu từ đất thừa, huyện kết luận là đã hạch toán vào ngân sách, nhưng tỉnh lại khẳng định là không hoạch toán kế toán, đưa vào quỹ chuyên dùng của UBND xã. Với chủ trương chuyển đất màu sang mô hình trang trại, hơn 260.000m2 đã được xã cho chuyển đổi. Nhiều chủ trúng thầu dùng đất trang trại để làm gạch, vi phạm độ sâu. 
 
Thanh tra khẳng định: Chủ trương chuyển đổi đất của lãnh đạo xã vi phạm Luật Đất đai, Luật Ngân sách. Người dân tố cáo là đúng sự thật... Trong tổng số 15 người trúng thầu trang trại, có 13 trường hợp đều có thời hạn từ 10 năm trở lên, không đúng quy định tại thông tư số 60 ngày 23.6.2003 của Bộ Tài chính, quy định về quản lý ngân sách xã (thời gian thực hiện hợp đồng không được quá một khóa HĐND)... Chiều 22.4, người dân thôn Phú Mỹ thông báo với phóng viên: Hôm nay, chính quyền xã đang thu hồi lại số đất nằm trong diện chuyển đổi, vì đã hết thời hạn. Tiền vẫn nằm ngoài ngân sách, còn hậu họa  (sau 10 năm giao đất) giờ  đã thành những cái ao to, mất hết đất màu mỡ để canh tác.
 
Kiểm tra sổ sách, Thanh tra tỉnh phát hiện những số tiền “khủng” bị thất thoát (51.840.000 đồng tiền nhận thầu của ông Nguyễn Văn Chế - Chủ tịch UBMTTQ xã); hợp đồng của ông Thẩm - Chủ nhiệm HTX dịch vụ - mới chỉ nộp được 49.000.000 đồng, còn 22.760.000 đồng vẫn chưa nộp vào ngân sách xã... Đặc biệt, số tiền thu được từ đấu thầu đất do dân hiến để làm đường (mỗi khẩu hiến 54m2 đất). Thôn ra nghị quyết, trong thời gian chưa làm đường, số tiền hơn 415 triệu đồng gửi vào ngân hàng, ông Phạm Ngọc Thơi - Chủ tịch xã - tuyên bố đã gửi ngân hàng, nhưng thực tế thì ông Thơi đã chiếm dụng...
 
Tiếng kêu của dân... không vô vọng
 
Người dân xã Đại Tập bất bình trước việc DN Hoàng Khuyên xây dựng nhà máy gạch không đúng quy chuẩn mà tỉnh cho phép: Lò gạch tuynel để đảm bảo môi trường, nhưng chủ DN Hoàng Khuyên lại xây dựng lò gạch nắp vung, giảm kinh phí xây dựng... hậu quả  người dân không chịu nổi khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người. Người dân kêu mãi không thấu đến “tai” quan chức địa phương, quyết đấu tranh với chủ lò gạch bằng cách chặn ôtô. 
 
Chủ DN này đã thuê băng xã hội đen đi xe ôtô đến truy sát dân. Người dân Chi Lăng phản kháng truy đuổi. Vụ việc được các đảng viên nêu trong cuộc họp chi bộ. Đảng viên nào nói sự thật đều bị... lộ ra ngoài, bị khủng bố “bom bẩn”, đe dọa... Dân làm đơn gửi cấp trên về hành vi truy sát của băng xã hội đen, cung cấp cả biển số xe... CA huyện lại kết luận rằng, xe ôtô có mặt trong buổi truy sát dân chỉ là sự tình cờ.
 
Có chuyện “động trời” khiến người dân Đông Ninh, Đại Tập hoang mang vì sự lộng hành của băng nhóm do anh em họ Phạm Khắc cầm đầu. Ngoài việc truy sát người tố cáo tiêu cực, băng nhóm này còn can thiệp vào cả việc bầu cử HĐND xã Đông Ninh khóa 2011 - 2016, chúng ép dân phải bầu những cán bộ sai phạm. Lý do khiến chúng “coi trời bằng vung” là do kết luận của Thanh tra tỉnh chỉ có hiệu lực... trên giấy.
 
Người dân Đông Ninh, Đại Tập vẫn không mất hết niềm tin - dù “bức tường thành” bảo kê cho băng nhóm Phạm Khắc Tú quá mạnh, họ đã gửi đơn đến Cục Cảnh sát hình sự (Bộ CA). Những người dân, đảng viên dũng cảm đã giúp ban chuyên án rất nhiều, chỉ đến khi Phạm Khắc Tú và đồng bọn bị bắt - người dân đã nói rằng: Niềm tin của dân Đông Ninh, Đại Tập chưa phải đã cạn kiệt. Thế lực đứng đằng sau băng nhóm này đã hé lộ. Những sai phạm của chính quyền xã đã không được huyện giải quyết dứt điểm, có dấu hiệu bao che.
 
Theo Linh Trần
Báo Lao Động
 
Bài cuối: Bài học từ Khoái Châu.
.