(BVPL) - Trong suốt 1 thời gian dài, UBND tỉnh Sơn La đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị cơ quan các cấp xem xét để 1 công ty TNHH của tỉnh được xuất khẩu quặng thô. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi là tại sao tỉnh Sơn La lại “nhiệt tình” như vậy?

 
Tỉnh xin TW “gỡ khó” cho doanh nghiệp
 
Khu vực lòng hồ thủy điện tích nước thuộc địa phận huyện Mường La, Sơn La có trữ lượng quặng sắt tương đối lớn. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh Sơn La khai thác thu hồi khoáng sản tại khu vực này cho đến khi lòng hồ tích nước. 
 
Xưởng tuyển quặng của Tuấn Đạt
Xưởng tuyển quặng của Tuấn Đạt
 
Mãi đến năm 2009, UBND tỉnh Sơn La mới ra QĐ số 2849 cho phép công ty TNHH Tuấn Đạt khai thác trên phạm vi diện tích là 2 ha, ở cao độ từ 180m-215m vùng ngập lòng hồ thủy điện. Sản lượng khai thác ban đầu chỉ 15 ngàn tấn/ năm, sau đó năm 2010 được điều chỉnh lên trên 200 ngàn tấn/ năm và gia hạn giấy phép đến tháng 9/2012.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin từ Sở Công thương Sơn La xác định: Từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2011 công ty Tuấn Đạt khai thác được 430 ngàn tấn. Đã xuất bán trong nước 60 ngàn tấn, xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 83 ngàn tấn và tồn kho 30 ngàn tấn tại Lào Cai, hơn 256 ngàn tấn tại huyện Mường La.
 
Quặng tồn của Tuấn Đạt tại Mường la
Quặng tồn của Tuấn Đạt tại Mường la
 
Ngày 9/1/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 02/2012/CT-Ttg, trong đó chỉ thị dừng xuất khẩu khoáng sản thô. Sau đó, công ty Tuấn Đạt có báo cáo Sở Công thương Sơn La xin xuất khẩu quặng sắt đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc. 
 
Tại văn bản này, công ty Tuấn Đạt trình bày có 23 ngàn tấn quặng đã xuất hóa đơn để làm thủ tục Hải quan tại CK quốc tế Lào Cai nhưng chưa xuất khẩu được do thực hiện chỉ thị 02. Công ty này xin được xuất khẩu trả nợ theo hợp đồng với khối lượng 220 ngàn tấn quặng sắt (bao gồm 23 ngàn 200 tấn quặng đã xuất hóa đơn và 197 ngàn tấn theo hợp đồng đã ký). 
 
Ngày 29/8/2012 ông Bùi Đức Hải (Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La) ký công văn số 1876/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương “xin” cho công ty Tuấn Đạt được xuất khẩu quặng tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Liệu có chuyện hợp thức hóa quặng khai thác trái phép?
 
Tại sao là 1 trong tổng số 1.300 DN đang hoạt động tại tỉnh Sơn La nhưng Cty Tuấn Đạt với 17 ngành nghề kinh doanh lại được tỉnh ưu ái như vậy? Thực chất công ty này có đầy đủ tiềm năng như lãnh đạo tỉnh đánh giá hay không?
 
Tại điểm khai thác của công ty Tuấn Đạt ( bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La), trưởng bản Lò Văn Loại khẳng định: Quặng của công ty Tuấn Đạt không chỉ được tận thu ở lòng hồ được cấp phép mà còn tận thu ở dọc hai bên đường. Năm ngoái, có đoàn kiểm tra đến, công ty Tuấn Đạt mới chuyển máy móc xuống chỗ được cấp phép để…dàn cảnh quay phim chụp ảnh, thậm chí cho nổ mìn giả để đoàn kiểm tra trên tỉnh thấy, hôm sau lại rút quân cùng máy móc ra ngoài”.
 
Ông Lèo Văn Lay (Chủ tịch UBND xã Mường Trai) cũng cho biết, công ty Tuấn Đạt có tận thu khoáng sản tại lòng hồ với số lượng ít, sau đó công ty Tuấn Đạt làm đường nông thôn gặp quặng ở đâu thì tận thu tới đó. Thêm vào đó, công ty Tuấn Đạt trình lên cơ quan chức năng đang có hơn 23 ngàn tấn tồn trong kho của công ty Hoàng Lan (đơn vị Tuấn Đạt ủy thác xuất khẩu). 
 
Công văn của UBND tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng tồn kho.
Công văn của UBND tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu quặng tồn kho.
 
Ông Nguyễn Duy Nhượng (Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La) cho hay: Các cơ quan chức năng tỉnh đã sang kho của công ty Hoàng Lan và thấy quặng của công ty Tuấn Đạt để chung với quặng của công ty Hoàng Lan, thậm chí đã lấy mẫu mang về xét nghiệm thì thấy đúng là quặng của Sơn La. Tuy nhiên khi nhóm phóng viên hỏi ông về mẫu cũng như các hóa đơn cước vận tải mà Tuấn Đạt cung cấp  để chứng minh Tuấn Đạt đã chở 23 ngàn tấn quặng sang Lào Cai thì ông Nhượng lại …không có. 
 
Nhóm phóng viên đã lặn lội sang tỉnh Lào Cai, “mục sở thị” kho bãi của Hoàng Lan thì được bà Hoàng Nga, giám đốc công ty Hoàng Lan xác nhận số quặng của công ty Tuấn Đạt đang “mọc cỏ” nằm trong kho của công ty là 30 ngàn tấn, số liệu vênh gần 8.000 tấn quặng so với thông tin mà ông giám đốc Sở Công thương Lào Cai cung cấp. Toàn bộ số hàng tồn kho này nằm ở đây từ năm 2011, công ty Tuấn Đạt lo khâu vận chuyển, công ty Hoàng Lan chỉ nhận ủy thác cho Tuấn Đạt đứng ra ký hợp đồng với bên Trung Quốc hộ Tuấn Đạt. Bà Nga khẳng định: tất cả số quặng này đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
 
Trao đổi với nhóm phóng viên xung quanh 23 ngàn tấn quặng của Tuấn Đạt có nằm ở Lào Cai chờ xuất khẩu hay không, ông Hoàng Kim Thắng- Đội trưởng Đội nghiệp vụ chi cục HQ cửa khẩu Lào Cai cho hay kể từ khi có chỉ thị 02 thì không doanh nghiệp nào được phép xuất khẩu quặng qua cửa khẩu. Và từ năm 2011 tới nay không thấy có doanh nghiệp nào là Tuấn Đạt xuất khẩu quặng qua cửa khẩu Lào Cai.
 
Đánh giá về chất lượng quặng của công ty Tuấn Đạt, bà Nga thở dài nói: Hàm lượng thấp, hàng xấu, lưu huỳnh, phốt pho cao, kẹp si lic nhiều. Trung Quốc họ cũng chê. Ngay cả khi chưa cấm xuất khẩu phía Trung Quốc họ cũng không mặn mà, giờ khó bán lắm. 
 
Trả lời câu hỏi “nếu phát hiện công ty Tuấn Đạt khai thác quặng trái phép rồi xuất hóa đơn để hợp thức hóa số lượng quặng này thì bà có mua không?”. Bà Nga trả lời: “Nếu bên Tuấn Đạt mà làm sai thì chúng tôi sẽ không hợp tác, không làm nữa, cháy thành thì vạ lây, tội gì”.
 
Khi phóng viên đề nghị bà Nga cung cấp văn bản, giấy tờ để chứng minh số quặng tồn trong kho của công ty Hoàng Lan đúng là của công ty Tuấn Đạt thì bà Nga không cung cấp.
 
Chủ trương cho doanh nghiệp xuất khẩu quặng tồn kho của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là 1 giải pháp xử lý tình thế để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn. Thế nhưng chủ trương đúng đắn này vừa mới ban hành đã có dấu hiệu bị lợi dụng. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan làm rõ những bất thường trong việc các tỉnh, trong đó có Sơn là xin xuất khẩu quặng tồn kho mà trường hợp công ty Tuấn Đạt là 1 ví dụ điển hình. 
 
Ông  Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: 
 
Sẽ xử lý nếu Cty Tuấn Đạt làm sai
 
Ông Hải cho biết, một DN được phép tận thu quặng chỉ cần biết một chút kinh nghiệm về khai thác, có thiết bị và có vốn là có khả năng làm được. Theo quy định, Sở Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm về quy trình cấp phép và việc kiểm tra lượng quặng tồn là Sở Công thương. Cũng như nhiều địa phương, khi thấy DN  “kêu” khó khăn, còn tồn ít quặng đã khai thác nên tỉnh xin Chính phủ cho phép DN đó được xuất khẩu nốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thủ tướng cũng chưa đồng ý cho phép nên không có đơn vị nào được tự mình xuất khẩu, trong đó có Cty Tuấn Đạt. Nếu phát hiện Cty làm sai so với những gì kiến nghị thì sẽ xử lý nghiêm.

 

Ngọc Đức