Việc mua bán các công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm đang diễn ra hết sức dễ dàng trên mạng xã hội. Chỉ vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tra cứu thông tin và tham gia mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.

 

 

Theo đánh giá của Công an tỉnh, hầu hết các vụ việc vi phạm về mua bán, tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ đều do các đối tượng, nhóm đối tượng manh động, có thái độ bất hợp tác với lực lượng chức năng gây ra.

 

Hàng năm, Công an tỉnh đều có văn bản chỉ đạo công an các địa phương tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Trong đó, tập trung quản lý các cơ sở lò rèn thông qua quản lý cư trú, địa bàn để tổ chức kiểm tra, rà soát, phục vụ công tác nghiệp vụ. 3 năm qua, Công an tỉnh đã tổ chức răn đe 39 đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, đồng thời yêu cầu 254 chủ cơ sở phế liệu, 175 cơ sở lò rèn ký cam kết không thu mua, chế tạo vũ khí thô sơ…, nhằm góp phần hạn chế tội phạm gây án.

 

Trung tá Chu Đức Kiên cho hay: “Về lâu dài chúng tôi đã phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động internet để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trang web có nội dung mua bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí. Bởi xét cho cùng, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ dù với bất cứ mục đích gì đều là phạm pháp. Để tránh tình huống đáng tiếc xảy ra, mọi người phải tuân thủ nguyên tắc: “Không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ”.

 

Theo Báo Đồng Nai

.