Lòng tham đánh mất danh dự
Cập nhật lúc 14:45, Thứ năm, 03/04/2014 (GMT+7)
Là một chấp hành viên có nhiều năm công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự TP.Biên Hòa, nhưng Trà Văn Trung (42 tuổi) đã sa ngã vì bị đồng tiền làm mờ mắt. (lòng tham, tham ô)
Là một chấp hành viên có nhiều năm công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự TP.Biên Hòa, nhưng Trà Văn Trung (42 tuổi) đã sa ngã vì bị đồng tiền làm mờ mắt.
Mong muốn vụ việc được giải quyết nhanh, bà L. đã đưa cho Trung gần 1 ngàn USD. Sau khi nhận tiền, Trung tiêu xài mà không đề cập đến vấn đề giúp bà L. Sau đó, biết việc thi hành án bị tạm hoãn, bà L. đã làm đơn tố cáo Trung. Quá trình làm việc, Trung thừa nhận và trả lại cho bà L. 13,5 triệu đồng, cố ý giữ lại gần 6,5 triệu đồng với lý do thực hiện việc kê biên.
Tháng 5-2012, bà H.T.V.T. (nhân viên kế toán của Công ty C.T., đóng tại TP.Biên Hòa) mua lại của Công ty C.T. một xe ô tô giá 450 triệu đồng, nhưng mới trả trước hơn 200 triệu đồng (số còn lại sẽ trả góp), nên chưa làm thủ tục sang tên. Trong thời gian này, giữa Công ty C.T. và Công ty vận tải H.A. (ở tỉnh Bình Dương) xảy ra tranh chấp dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự TP.Biên Hòa đã tiến hành kê biên tài sản Công ty C.T. để thi hành án.
Trực tiếp thụ lý vụ việc, Trung biết việc mua xe giữa bà T. với Công ty C.T. chưa xong, nên đã nói chiếc xe sẽ bị kê biên. Bà T. hứa sẽ bồi dưỡng 10 triệu đồng nếu Trung giúp đỡ. Ngày 15-8-2012, Trung gọi điện cho bà T. đến nhận quyết định giải tỏa kê biên chiếc xe và đòi số tiền trước đây bà đã hứa. Khoảng 12 giờ 15 ngày 31-8, tại một quán ăn ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa), khi Trung nhận tiền từ bà T. thì bị công an bắt quả tang.
Chưa hết, vào tháng 11-2011, ông L.T.H. (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã làm đơn tố cáo Trung vòi vĩnh 10 triệu đồng để giải quyết vụ việc của ông và ông H. đã đưa trước cho Trung 3 triệu đồng. Quá trình điều tra, do không có chứng cứ cụ thể, nên Trung không bị xử lý về vụ này.
Tiền làm mờ mắt
Đứng trước tòa, bị cáo Trung đã cúi đầu thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Bản thân bị cáo đã đồng ý với các lời “nhờ vả” của đương sự và tùy theo mỗi trường hợp mà ra giá chung chi. Ngụy biện cho hành vi phạm pháp của mình, Trung khai: “Chỉ tại người ta muốn mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, nên bị cáo mới đặt vấn đề tiền bạc. Hơn nữa, số tiền kê biên từ trên rót xuống không đủ để chi phí…”.
Vị chủ tọa chất vấn: “Luật đã quy định như thế nào chắc bị cáo là người hiểu rõ nhất, nhanh không có nghĩa lấy tiền của đương sự mà trang trải chi phí. Khi người ta không đồng ý đưa tiền, bị cáo lại liên tục gọi điện hối thúc rồi đưa ra lý do này nọ để buộc họ phải đưa tiền. Như vậy là bị cáo muốn chiếm đoạt cho bằng được, đúng không?”. Nghe đến đây, bị cáo Trung cúi đầu lặng thinh.
Một thành viên trong Hội đồng xét xử lên tiếng chất vấn bị cáo Trung: “Tại sao bị cáo lợi dụng nhiệm vụ được phân công của mình để làm chuyện phạm pháp, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thực thi pháp luật Nhà nước?”. “Tại nghiệp vụ của bị cáo yếu, nóng vội trong công việc” - bị cáo Trung đáp.
“Gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành, bản thân từng được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác, vậy mà nghiệp vụ yếu? Hay là đồng tiền đã làm bị cáo mờ mắt?” - Hội đồng xét xử tiếp tục truy vấn bị cáo Trung.
Bị cáo lý giải, giá như mình đừng để bị đồng tiền điều khiển thì giờ đâu mất tất cả những thứ quý giá: công việc, lòng tin của mọi người. Bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến bạn bè đồng nghiệp vì sự sa ngã của mình mà ảnh hướng đến danh dự của ngành.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo Trung đã xâm hại hoạt động công vụ, đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân nên phải có mức án nghiêm khắc. Do đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Trà Văn Trung 3 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo Báo Đồng Nai
.