Cấp đất công sai nguyên tắc
 
Ngày 15/12, chúng tôi nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hoa cùng 4 người khác bao gồm: Võ Thị Thu Hà, Lê Thị Minh, Nguyễn Thị Thanh Thảo và Võ Thị Lỹ cùng ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Theo những hộ dân này trình bày trong đơn khiếu nại, ông Trinh đã nhiều lần chậm trễ, tắc trách, thậm chí làm sai các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực địa chính, đất đai. Điều này khiến người dân phải chịu khổ sở trong nhiều năm liền. Có hộ dân còn xảy ra tranh chấp đất đai, gây ảnh hưởng đến đời sống.

 

Người dân vô cùng bức xúc bởi cách làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Trinh
Người dân vô cùng bức xúc bởi cách làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ Trinh
Năm 1999, bà Nguyễn Thị Hoa đã mua thêm phần đất nối đuôi phía sau nhà có diện tích 117 m2 của ông Nguyễn Minh Hoàng (ngụ Q.4, TP.HCM). Nhưng đến nay, việc xác nhận các thông tin để tiến hành cấp sổ đỏ cho bà Hoa vẫn đang… bỏ ngỏ. Theo lời bà Hoa, trong suốt 17 năm đó, cán bộ địa chính xã Lương Hòa, cụ thể là ông Huỳnh Văn Trinh (làm từ năm 2000) vẫn không hề có bất kỳ hướng dẫn nào để bà thực hiện, hoàn tất hồ sơ thủ tục xin cấp sổ đỏ.
 
Trong khi đó, cũng cùng thời gian này, ông Trinh đã xác nhận hồ sơ cấp sổ đỏ cho nhiều người. Trong đó có việc xác nhận hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Nhưng đáng nói là phần đất mà bà Tuyết được cấp sổ lại nằm trong phần đất công, do ông Nguyễn Văn Be hiến để xây chợ từ năm 1980. Việc này khiến bà Hoa cùng nhiều hộ dân khác hết sức bức xúc. Bà Hoa nói: “Tôi không thể chấp nhận được cách làm việc theo kiểu chèn ép dân thế này. Tại sao 17 năm không xác nhận hồ sơ làm sổ đỏ cho tôi mà lại đi cấp đất công cho bà Tuyết? Vậy có gì khuất tất?”.
 
Về điều này, trả lời phóng viên sáng ngày 20/12, ông Huỳnh Minh Trung, Cán bộ tư pháp xã Lương Hòa cũng xác định phần đất cấp sổ đỏ cho bà Tuyết có dính vào phần đất công của xã. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ mới phát hiện năm 2013 và đã báo cáo về huyện xin ý kiến chỉ đạo. Ông cũng cho biết thêm, không chỉ có trường hợp của bà Tuyết mà còn khá nhiều trường hợp khác cũng có sổ dính vào đất công. Như vậy, nghĩa là 3 năm qua, UBND huyện Bến Lức vẫn chưa có cách giải quyết đối với những trường hợp này khiến đất công đang ngày càng bị thu hẹp bởi sự “lấn chiếm” của người dân. Điều này có phải xuất phát từ quản lý yếu kém, trì trệ và không sâu sát của chính quyền địa phương? Hay đơn giản chỉ là sự “nhắm mắt làm ngơ” của cán bộ địa chính?
 
Riêng về trường hợp không xác nhận hồ sơ cấp sổ đỏ và không hướng dẫn cho bà Hoa, ông Trung giải thích: “Chúng tôi đã nhiều lần hướng dẫn cho bà Hoa về thủ tục cũng như trình tự và các giấy tờ cần thiết để tiến hành xác nhận hồ sơ, nhưng do bà Hoa không chịu làm nên chúng tôi cũng đành chịu”. Thế nhưng khi phóng viên hỏi phía địa phương có hướng dẫn bằng văn bản nào cụ thể hay có giấy tờ gì liên quan đến việc hướng dẫn cho người dân hay không, thì vị cán bộ này lại khẳng định không có, nên không cung cấp. Lấy gì để chứng minh việc địa chính xã đã có hướng dẫn cho người dân, hướng dẫn khi nào, ở đâu?
 
Bản đồ “tưởng tượng”(!?)
 
Bà Võ Thị Lỹ trình bày, bà có thửa đất diện tích 3.236 m2 do một người anh tặng cho. Vào năm 2004, bà Lỹ xin lên thổ cư theo chủ trương nhà nước phần đất có diện tích 300 m2, phần còn lại có diện tích 2.936 m2 là đất lúa (thửa 765, tờ bản đồ số 2). Năm 2007, bà Lỹ bán cho ông Nguyễn Văn Hiệp (đang ở TP.HCM) phần đất có diện tích 2.884 m2 trong số 2.936 m2 đất lúa trước đó, phần còn lại là 52 m2.
Thời điểm này, bà Lỹ đã đến gặp ông Huỳnh Văn Trinh để làm giấy tách sổ cho người mua. Nhưng theo bà Lỹ, ông Trinh đã không xuống địa bàn để xác minh, đo đạc mà ngồi tại UBND xã để vẽ bản đồ tách thửa. Trong khi đó, việc tách thửa bà Lỹ đã phải đóng tiền đo đạc. Từ việc không xuống trực tiếp địa bàn để xác minh, đo đạc đã dẫn đến việc vẽ bản đồ sai lệch.

 

Không cần đo đạc, xác minh, ngồi một chỗ cán bộ địa chính vẫn vẽ được bản đồ
Không cần đo đạc, xác minh, ngồi một chỗ cán bộ địa chính vẫn vẽ được bản đồ
Cụ thể, ông Trinh đã vẽ phần đất 2.884 m2 mà bà Lỹ bán cho ông Hiệp nằm trong phần diện tích 300 m2 thổ cư (bao gồm nhà) đang sử dụng của bà. Vì là dân, không có kiến thức nên bà Lỹ cũng không hiểu vị trí bản đồ ra sao. Cho đến gần đây, ông Hiệp đã phát hiện ra việc này và căn cứ vào bản đồ đòi thêm phần đất cắt nửa căn nhà mà bà Lỹ đang ở, dù trước đây đã thỏa thuận, phân ranh đất rõ ràng và đất ông Hiệp mua hoàn toàn không dính vào 300 m2 thổ cư đất ở của bà Lỹ. Sự việc này đã khiến bà Lỹ vô cùng bức xúc. Bởi, diện tích đất thổ cư của gia đình bà tự nhiên bị thu hẹp, thậm chí nếu thực hiện đúng như bản vẽ “tưởng tượng” của ông Trinh thì căn nhà đang ở cũng bị cắt nửa. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như đời sống, sinh hoạt của gia đình bà khi xảy ra tranh chấp với ông Hiệp.
 
Ngoài ra, người dân còn cho biết sự thiếu sâu sát, kiểu làm việc tắc trách của vị cán bộ địa chính này đã tạo ra rất nhiều sự nhầm lẫn về hồ sơ đất đai, bản vẽ… khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Điển hình như việc bà Lê Thị Minh (SN: 1963) mua đất đã 26 năm vẫn phải “sống lậu” trên chính đất của mình vì không làm được sổ đỏ. Trong khi đó, một trường hợp “dở khóc, dở cười” khác là bà Võ Thị Thu Hà (SN: 1954), dù đất thuộc quyền sở hữu của mình nhưng lại nằm trong sổ đỏ người khác, do địa chính xác nhận hồ sơ cấp nhầm!?
 
Cử cán bộ tư pháp trả lời lĩnh vực địa chính(!?)
 
Dù đã được sự chấp thuận của lãnh đạo UBND xã Lương Hòa và đề nghị gặp trực tiếp những người liên quan để có thông tin trả lời bạn đọc một cách đầy đủ, chính xác. Thế nhưng, ngày 20/12, tại buổi làm việc với phóng viên, UBND xã Lương Hòa cho biết ông Huỳnh Văn Trinh bận công tác, còn Chủ tịch UBND xã Lương Hòa Ngô Tấn Thời thì bận đi họp!? UBND xã cử một cán bộ tư pháp trả lời phóng viên nhưng hầu hết các câu hỏi của phóng viên nêu ra đều không được trả lời thỏa đáng.
 

 

 
Võ Nguyễn