Ngày 3-5, Thượng tá Thái Khắc Thống - Trưởng CAH Đô Lương (Nghệ An) cho biết, Cơ quan CSĐT CAH đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc bà Trần Thị Hà (1970, trú xóm 10, xã Trù Sơn, H. Đô Lương) vỡ nợ với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Sự việc gây chấn động tại xã Trù Sơn, khiến cho hàng chục chủ nợ lo lắng, bất an và đâm đơn tố giác con nợ lên cơ quan CA.
“SẬP BẪY LỪA” VÌ HÁM LÃI SUẤT CAO
Cũng theo ông Hạnh, sau khi nhận đơn tố giác của người dân, UBND xã Trù Sơn đã tiến hành lập đoàn để giải quyết đơn, thư và tổ chức hai buổi hòa giải. Tuy nhiên, phải đến lần triệu tập thứ 2 vào ngày 1-4, Trần Thị Hà mới đến trình diện và thừa nhận hoạt động huy động vốn trái pháp luật của mình. Cũng tại buổi hòa giải này, nhiều hộ dân khác tại các xã lân cận như Đại Sơn, Hiến Sơn cũng có đơn tố giác bà Hà đang vay nợ với số tiền khoảng 4,2 tỷ đồng nhưng đến nay không có khả năng thanh toán, mặc dù đã nhiều lần đòi nợ. Sau buổi hòa giải, UBND xã Trù Sơn giao hẹn cho Trần Thị Hà trong thời gian 10 ngày phải giải quyết xong vụ việc, tránh kéo dài. Tuy nhiên, sau thời gian trên sự việc vẫn không có biến chuyển nên hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên CAH Đô Lương để thụ lý, giải quyết.
Cơ quan CSĐT CAH Đô Lương đã tiến hành triệu tập Trần Thị Hà để giải quyết sự việc theo đơn thư. Tại đây, bà Hà đã thừa nhận vay của nhiều người với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày, sau đó cho người khác vay lại với lãi suất từ 1.700 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày để hưởng lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người mà Hà cho vay đã cao chạy xa bay khiến Hà rơi vào tình cảnh khốn đốn, không có khả năng trả nợ cho người khác. Hà thừa nhận đang nợ trong dân với số tiền khoảng 3 tỷ đồng và đã nhận trước khoảng 100 phường, hụi với hơn 4 tỷ đồng để cho 15 người khác vay, nhưng đến nay chưa đòi lại được.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc vỡ nợ trên địa bàn H. Đô Lương. Trước đó, tháng 7-2015, Cơ quan CSĐT CAH Đô Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Trang (1970, trú xã Giang Sơn Đông) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, số tiền mà Trang chiếm đoạt là 8,3 tỷ đồng. Cũng trên địa bàn H. Đô Lương, Nguyễn Thị Loan (1975, trú xóm 8, xã Tân Sơn), bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 31 hộ dân trên địa bàn tổng cộng 23,9 tỷ đồng.
Thực trạng vỡ nợ liên tục xảy ra, có thể nói ở mức đáng báo động cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của hàng trăm hộ gia đình hiện nay. Trước vấn đề này, Thượng tá Thái Khắc Thống - Trưởng CAH Đô Lương khuyến cáo: Để hạn chế tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân không nên ham lãi suất cao mà thiếu thận trọng trong việc cho vay tiền. Khi cho vay, mọi người không nên thực hiện theo kiểu tín chấp (viết giấy nợ), mà phải có tài sản thế chấp (nhà cửa, đất đai, tài sản). Sau khi cho vay, nên thận trọng và thường xuyên xem xét lại đối tượng cho vay, xem họ có sử dụng tiền đúng mục đích như thỏa thuận hay không. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như hiện nay.
Theo CAĐN