(BVPL) - Hầu hết hộ dân có mồ mả nằm trong các khu gò đất cát trắng ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành, Quảng Nam) vốn dĩ gắn liền với cuộc đời của họ qua nhiều thế hệ, nay đang “kêu trời” vì chính quyền bỗng nhiên buộc phải thu hồi để cho doanh nghiệp ở đâu nhảy vào đào xúc đất nghĩa địa chở đi một cách ngang nhiên.

 
Ông “kẹ” hoành hành chốn thiên thu
 
Sự việc bất thường này xảy ra từ những ngày giáp Tết cổ truyền Quý Tỵ 2013 vừa rồi. Theo tìm hiểu của PV, thực chất cái gọi là “dự án khai thác đất cát trắng” này chỉ là chuyện mua bán đất giữa cơ quan địa phương với doanh nghiệp tư nhân!. Vì lẽ đâu mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu và họ hàng người thân quá cố của họ đã nằm yên nghĩ ở đó từ bao đời nay bỗng dưng bị đào xới ngổn ngang mà không hề kiêng cử và thương tiếc…
 
Hiện trạng của khu nghĩa trang nham nhở vì tình trạng khai thác cát vô tội vạ tại xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
Hiện trạng của khu nghĩa trang nham nhở vì tình trạng khai thác cát vô tội vạ tại xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
 
Nằm trong dự án khai thác đất cát trắng của KCN Cơ khí đa dụng và Ô tô Chu Lai, hàng trăm ngôi mộ của người dân thuộc xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở và chôn vùi cả trong mùa khô nắng cũng như mùa mưa bão. Đây là một thực tế đáng báo động, bởi chính đơn vị thi công dự án đang thách thức với dân chúng làm quá “ẩu” trong việc đào xúc đất cát rất cận kề và sâu thẳm quanh mồ mả ở đây. Trước và sau ba bữa Tết đưa rước ông bà, trong lúc bà con đến nghĩa địa để sửa sang mới mồ mả và thắp nhang, thì hàng ngày tiếng máy nổ của những cỗ xe ủi, xe đào, xe xúc và xe tải chở cát cứ gầm rú vang rền cả một vùng gò mả nằm trong khu dân cư vốn yên tĩnh hàng bao năm nay. Người sống còn thấp thỏm lo âu, huống chi người đã chết làm sao mà yên nghỉ được!?. 
 
“Ngắn cổ sao kêu thấu trời !”
 
Điều mà người dân nơi đây không khỏi bức xúc kêu cứu là chính quyền và cơ quan chức năng đã không phổ biến tường tận, sâu rộng và thấu đáo mục đích của việc di dời mồ mả và khai thác cát. Chủ trương này từ đâu và đem lại lợi ích cho ai như thế nào cũng không mở rộng cho dân biết, không bàn với dân và không để dân kiểm tra. Người dân chỉ thấy một số kẻ lạ mặt từ đâu đến đào xới nghĩa địa, xúc cát trắng chở đi theo kiểu làm lấy được và đặt chuyện đã rồi lên đầu người dân cùng khổ, bất chấp những lời phản ánh xâm phạm quyền thiêng liêng của con người. Một người dân ở thôn Nam Định giãi bày tâm sự: “Thiên nhiên “ban tặng” cho người dân xứ này những gò đất cát trắng. Bà con xưa nay sinh ra và lớn lên tại đây rồi chết cũng chôn ở đây không hề tốn tiền hay tranh chấp. Bây giờ nếu thực sự Nhà nước muốn trưng dụng những gò đất cát trắng này cho mục đích an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và lợi ích quốc gia, thì người dân ai cũng vui vẻ sẵn lòng, nhưng phải có chính sách rõ ràng và minh bạch. Trước tiên, Nhà nước cần phải bàn thảo với dân cho thấu tình đạt lý, xây dựng nghĩa trang mới thay thế phù hợp, thực hiện chủ trương đền bù, giải tỏa và di dời một cách trang nghiêm, vì “sống là nhà chết là mồ” kia mà!. Thế nhưng nghe đâu việc thu hồi các gò đất nghĩa địa này là vì mục đích kinh tế, trước hết cho doanh nghiệp tư nhân khai thác cát để làm nguyên liệu sản xuất kinh. Kế hoạch này đã không bàn bạc kỹ lưỡng với người dân, không nói gì đến việc đền bù và giải tỏa, tồi tệ nhất là chưa xây nghĩa trang mới để di dời mồ mả mà lại cho đào xới nghĩa địa để khai thác cát”. 
 
Ông Châu Ngọc Thiên Toàn, một người dân đang bức xúc kể lại vụ việc
Ông Châu Ngọc Thiên Toàn, một người dân đang bức xúc kể lại vụ việc
 
Chúng tôi tháp tùng bà con các thôn Diêm Phổ, Nam Cát, Nam Định, Mỹ Sơn… ở xã Tam Anh Nam đi dạo một vòng các khu gò đất cát nghĩa địa nằm trong diện thu hồi thuộc dự án này. Nhìn bao quát quang cảnh các nghĩa trang hiện tại hết sức phản cảm. Một vệt dài các gò đất cát nối đuôi nhau chạy xa tít từ phía Cầu Ông Bộ ra tới Mỹ Sơn gần Cầu Bà Bầu nhấp nhô trắng xóa. Tại gò Động Chai ở Nam Định đi về phía Nam Cát những nơi đào xới xúc cát đã hiện lên chỗ cạn, chỗ sâu, có chỗ tới mạch nước, lồi lõm địa hình và hoang tàn một chốn thiêng liêng… “Tôi nay cũng sắp gần đất xa trời, sống gần cả trăm năm chưa từng thấy chuyện đau lòng như thế này. Tôi chỉ muốn mồ mả cha ông từ thời cố cựu được yên ổn, khi tôi chết có đất để mà nằm yên nghỉ. Làm việc gì cũng phải giữ đúng cái đạo làm con cháu nghĩ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ… chứ làm ri là ẩu quá” - Bà Huỳnh Thị Ngọc ở thôn Nam Định, nghẹn ngào tâm sự.
 
Anh Huỳnh Tấn Sum ở thôn Diêm Phổ, nói: “Nghĩa trang mới chưa có, tiền bồi thường giải tỏa cũng chưa nói rõ, mồ mả chưa được di dời, nên nhiều người dân ở đây không chỉ bức xúc với việc đào xới quá vội vàng này, mà còn có nhiều ý kiến chưa đồng tình với phương án áp giá đền bù hay hỗ trợ”. 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc thông tin liên quan đến vụ việc này.
 
Văn Ký - Quốc Sơn