(BVPL) - Theo lịch, ngày 22/4 tới đây, tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm theo trình tự  phúc thẩm. Trước đó, "Cựu chủ tịch" Vinalines cùng đồng phạm bị truy tố 2 tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
 
Theo bản án của TAND TP.Hà Nội, trong vụ án này, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Trong đó, Dũng được chia 10 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc án tử hình về tội "Tham ô tài sản", và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Là bị cáo bị tuyên án tử hình, trước phiên phúc thẩm dự kiến được mở vào 22/4/2014, cựu Tổng GĐ Vinalines - Mai Văn Phúc làm đơn chống án, kêu oan, cho rằng mình không liên quan đến những cáo buộc được nêu trong phiên tòa sơ thẩm. Vợ ông này cũng đã làm đơn kêu oan cho chồng, gửi các cơ quan chức năng…
 
Mai Văn Phúc cho rằng “Mọi việc đều có chủ trương thực hiện trước khi tôi về làm giám đốc”?
 
Trong đơn chống án gửi TAND Tối cao, cựu Tổng GĐ Vinaline Mai Văn Phúc kêu oan, và cho rằng, bản thân không liên quan đến những sai phạm ở Vinalines, nhất là hành vi tham ô 10 tỷ từ tiền “bôi trơn” của một Cty nước ngoài. Phúc chỉ có một lần duy nhất gặp ông Goh. Điều này được khẳng định bằng lời khai của Phúc, Chiều, Sơn, Khang.  Ông Phúc khai “Chỉ một lần duy nhất tôi gặp ông này tại phòng họp Tổng công ty cùng các ban tham mưu, chỉ chào hỏi, giới thiệu xã giao. Toàn bộ quá trình đàm phán, thương thảo mua ụ nổi, tôi giao anh Trần Hữu Chiều chỉ đạo thực hiện. 
 
Theo ông Phúc,  “Mọi thỏa thuận ăn chia về khoản tiền 1,666 triệu USD, theo kết quả của cơ quan điều tra, đã được nêu trong trang 16 và 18 của cáo trạng, đã được thực hiện từ trước khi tôi về nhậm chức Tổng GĐ. Tôi hoàn toàn không liên quan, không biết gì về khoản tiền này. Vậy kính mong được quý Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao xem xét, chỉ đạo làm rõ để tìm ra được sự thật, vừa minh oan giúp tôi” - ông Phúc viết trong đơn kháng án.
 
Về hành vi Cố ý làm trái, ông Phúc nại rằng, việc cơ quan công tố quy kết cựu Tổng GĐ Vinalines đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng về phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, khi địa điểm xây dựng nhà máy này chưa được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành là không có cơ sở. Bởi lẽ: “Thời điểm đó được xác định bằng Quyết định 161/HĐQT của Hội đồng quản trị Vinalines vào ngày 24/2/2001, khi tôi còn chưa về Vinalines nhậm chức Tổng GĐ” - ông Phúc giải trình.
 
Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, bản thân cựu Tổng GĐ Vinaline Mai Văn Phúc tiếp tục phủ nhận việc liên quan đến khoản tiền “lại quả” 1,666 triệu USD của một Cty nước ngoài.
 
Ở vụ án này, phán quyết sơ thẩm xác định: Các bị cáo Dũng – Phúc mỗi người chiếm hưởng 10 tỉ đồng; bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng GĐ Vinalines) chiếm hưởng 340 triệu đồng; Trần Hải Sơn chiếm hưởng hơn 7,8 tỉ đồng. Phán quyết của tòa về tội danh "tham ô" chủ yếu dựa trên lời khai của Trần Hải Sơn, còn các bị cáo Dũng và Phúc không thừa nhận được chia hưởng số tiền này. Đây cũng là vấn được dư luận chú ý quan tâm và chờ đợi sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, những nghi vấn trong lời khai của Trần Hải Sơn và một số vấn đề khác, trong đó có lời khai gây chấn động của bị cáo Dương Chí Dũng về việc được "mật báo" để bỏ trốn.
 
Vợ ông Mai Văn Phúc muốn đối chất về thời điểm nhận hối lộ
 
Lo lắng cho bản án tử hình đối với chồng, bà Ngô Thị Vân (SN 1961, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng làm đơn kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng. Nhắc đến nội dung tham ô 10 tỷ đồng mà chồng bà bị cáo buộc, bà Vân cho rằng, còn những dấu hiệu chưa thỏa đáng. “Khoản tiền 10 tỉ là rất lớn, bị cáo Sơn nói đưa cho chồng tôi nhiều lần, là vợ của bị cáo Mai Văn Phúc, tôi phải biết rõ. Ông Sơn nói đưa tiền đến nhà ông Phúc ở làng quốc tế Thăng Long có gặp người phụ nữ, nhưng người phụ nữ đấy là ai, xin cho đối chất”.
 
Ông Sơn còn nói đưa tiền ở Hải Phòng lúc nhà đang có đám giỗ hay sinh nhật. Nhà tôi, tôi biết rõ, không có đám giỗ hay sinh nhật vào ngày cận kề Tết cổ truyền đó cả”, bà Vân khẳng định.
 
Bà Vân cũng đặt nghi vấn đối với lời khai của Sơn và một số người về việc rút tiền ở ngân hàng để đưa cho chồng bà. “Việc rút tiền ở ngân hàng không có chứng từ lưu lại là việc hoàn toàn vô lý. Vì rút vài nghìn đồng đã có chứng cứ, chứ chưa nói đến số tiền cả tỉ đồng như thế này.
 
Việc lời khai của bị cáo Sơn phù hợp với lời khai của bà Hà, bà Huyền - chị em gái của Sơn và Long (chồng của Hà) - đều là người trong cùng một gia đình, tôi nghĩ không đủ yếu tố thuyết phục”, vợ cựu Tổng GĐ Vinalines phân tích.

 

Trần Quang
.