Tuyến kè có chiều dài gần 300m, kết cấu rọ đá và đá hộc xếp khan. Mục đích, hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ các hộ dân và khu dân cư trước mùa mưa bão năm 2018. Công trình được khởi công đầu tháng 9/2018.

Đến cuối tháng 9, công trình đã hoàn thành, hơn 800m3 đá hộc các loại đã được xử lý thành tuyến kè dài gần 300m tại vị trí xung yếu nhất của bờ biển thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải.

Trước đó, ngày 21/8, báo điện tử BVPL đã có bài “Khánh Nhơn, Ninh Thuận: Biển xâm thực, lành chài kêu cứu”, phản ánh tình trạng bờ biển tại thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải, Ninh  Hải bị sạt lở nghiêm trọng. Dữ dội nhất vào Tháng 9, Tháng 10 Âm lịch, sóng biển đánh vào bờ ầm ầm, nước, bọt bắn tung tóe, nhà cửa, đất đai rung lên, bị cuốn dần ra biển. Tính mạng, tài sản khu dân cư bị đe dọa.

Biển đã ăn sâu vào khu dân cư khoảng 30m, thôn Khánh Nhơn 1 có 60 hộ dân bị ảnh hưởng, chưa kể hàng chục cơ sở nuôi tôm giống khác, sóng cũng đã đánh vào chân móng. Hàng năm, xã đều hỗ trợ người dân để gia cố bờ kè chắn sóng. Nhưng ngân sách hạn hẹp, số tiền ít ỏi chỉ có thể dùng mua vỏ bao với số lượng khoảng 1.000 cái. Nhưng, nắng, gió và nước biển mặn khiến vỏ bao nhanh mục, chỉ chịu được một mùa là vỡ toác. Người dân tự đổ đá để ngăn cát lở, tạm thời, bờ kè cầm cự được sóng nhỏ. Vào mùa mưa bão, vùng này được đưa vào diện xung yếu, cần sơ tán dân. Hiên trên 2 km bờ biển đã bị xâm thực, nhiều nhà cửa đã bị sóng đánh sập hoặc trong tình trang bị xói móng, nghiêng ngả.

Nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị làm kè. 

leftcenterrightdel
 Tại bờ biển thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, biển xâm thực diễn ra từ nhiều năm nay, trên chiều dài hơn 2 km.
leftcenterrightdel
  Biển đã ăn sâu vào bờ khoảng 30 m. Nhà cửa của hàng trăm hộ dân địa phương đang bị đe dọa.

Thị sát công trường ngày 1/10, ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận, tuyến kè đã hoàn thành, đạt yêu cầu về tiến độ.

Ông Trần Quốc Nam lưu ý chính quyền địa phương theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời có những giải pháp ứng phó kịp thời trong điều kiện đã bước vào mùa mưa bão, chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn trong tình huống cần thiết.

leftcenterrightdel

Trước tình thế nguy hiểm, để bảo vệ người dân và khu dân cư, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định đầu tư khẩn cấp tuyến kè tạm dài gần 300m, tại vị trí xung yếu nhất, để tạm thời bảo vệ khu dân cư trong mùa mưa bão 2018.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần đầu tư tuyến kè kiên cố, đồng bộ để bảo vệ khu dân cư trước những diễn biến bất thường của khí hậu. Ảnh: ĐH.

leftcenterrightdel
Ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thị sát công trường kè tạm chống sạt lở thôn Khánh Nhơn 1. Ảnh: MT.

Ông Nam cũng đề nghị người dân địa phương chủ động cùng với chính quyền khắc phục khó khăn, không chủ quan, có kế hoạch chằng chống nhà cửa và khẩn trương di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu của chính quyền địa phương để đảm bảo tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão năm 2018.

Tỉnh Ninh Thuận đang đề nghị Chính phủ phân bổ nguồn vốn 220 tỷ đồng để thực hiện dự án kè kiên cố, khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải để ổn định đời sống của nhân dân.

Văn Nguyễn