|
Nhiều hộ dân làng Hòa Mục bức xúc vì dự án cạnh đó "đắp chiếu" hàng chục năm trời làm ảnh hướng đến cuộc sống của họ. |
Gần 13 năm nay, nhiều hộ dân làng Hòa Mục, đường Lê Văn Lương, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã phải sống trong cảnh nhà cửa siêu vẹo, dột nát do không được nâng cấp cải tạo. Hơn thế nữa họ muốn đi cũng chẳng được muốn cho con cái cũng chẳng xong.
Dân khổ trăm bề
Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy được triển khai từ năm 2003. Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác kinh doanh Hà Nội (Công ty Hancom) trụ sở tại cụm 4A, phường Xuân La (quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy chưa giải phóng mặt bằng xong nên hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai.
Theo tìm hiểu của phóng viên trên 80 hộ dân tại các lô đất 5.1NO, 5.5NO thuộc các tổ dân phố 31, 32A, 36 nằm trên đất thổ cư từ nhiều đời nay bỗng trở nên đỉnh điểm sau khi nhà của những người dân sống tại đây bị liệt vào đất Dự án, những tưởng là sẽ được đền bù thỏa đáng hay tái định cư để có cuộc sống khang trang hơn nhưng cho đến nay đã hàng chục năm trời mà Dự án vẫn nằm “đắp chiếu“ một chỗ. Cuộc sống của người dân cũng thay đổi từ đó, từ những việc như xây dựng, gia cố nhà cửa hay chuyển nhượng cho con cháu cũng không thể vì nằm trong đất dự án.
Nếu như xây dựng nhà cửa xong mà dự án lại được triển khai thì nhà cửa của những người dân sống quanh đây sẽ được đập đi giải phóng mặt bằng và sẽ không có ai đền bù cho họ cả. Vậy nên cuộc sống với những căn nhà lụp xụp, ẩm mốc là điều thường thấy của những hộ dân sống quanh đây.
Muốn đi không được muốn ở cũng chẳng xong
Theo bà Lai Thị Văn trú tại số nhà 19, tổ 3, đường Lê Văn Lương cho biết “ 2 lô đất dự án 5.1 và 5.5 cho đến nay đã được 13 năm rồi. Cuộc sống của chúng tôi cũng thay đổi từ đấy, nhà tôi vốn là nhà cấp 4 do cha ông để lại, nhà đã xuống cấp rất nhiều theo thời gian. Vậy mà đến bây giờ vẫn chưa thấy quyết định nào của thành phố như xóa bỏ dự án hay đền bù thỏa đáng cho người dân chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi khổ quá. Tôi tuổi già sức yếu mà muốn cho con cho cháu mà không được”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn trú tại tổ 4( tổ 31 cũ ) chia sẻ “ nhà tôi đã có tuổi thọ hơn chục năm rồi, nhưng khổ nỗi là nằm trong đất dự án nên muốn bán cũng không được, xây dựng nhà cửa cũng không được, muốn sang tên cho con cái cũng không được, mà mức đền bù thì không thỏa đáng. Chỉ mong sao dự án này phía thành phố sẽ hủy bỏ để chúng tôi có thể được phép xây dựng cho cuộc sống thoải mái hơn, có thể sang tên cho con cái cuộc sống chúng tôi sẽ bớt khổ hơn!”
Trước đó theo công văn số 419/HĐND-VP; 09/HĐND-VP đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8 HĐND Thành phố năm 2014 cho biết: Công tác GPMB để thực hiện dự án xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1NO và 5.5NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy đang được triển khai. Dự án kéo dài là do có khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ gia đình có đất nằm trong chỉ giới GPMB không hợp tác có ý kiến kiến nghị về giá bồi thường, giao đất tái định cư.
Tại văn bản số 2632/UBND-GT ngày
14/4/2011, số 7168/UBND-TNMT ngày
25/8/2011 và số 3247/UBND-TNMT ngày
08/5/2013, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo bố trí tái định cư bằng đất tại lô đất 7.3 và 8.1 xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm cho các hộ dân phải di chuyển chỗ ở để thực hiện dự án trên lô đất 5.1NO và 5.5NO đường Lê Văn Lương, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Ngày 09 tháng 10 năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6107/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1NO và 5.5NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy. Trong đó: Giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ được xác định theo quy định tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội nhân với hệ số điều chỉnh K=1,8; các thửa đất ở thuộc vị trí 4 được áp dụng theo giá của vị trí 3;
Giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất ở khi giao đất tái định cư: Các thửa đất ở tại khu tái định cư 7.3 và 8.1 xã Mỹ Đình tiếp giáp với đường quy hoạch có mặt cắt 17,5m được xác định theo giá đất ở vị trí 2 đường Hồ Tùng Mậu quy định tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND thành phố Hà Nội nhân với hệ số điều chỉnh K=1,8; Các thửa đất tiếp giáp với đường quy hoạch nội bộ có mặt cắt nhỏ hơn 17,5 m được tính bằng 90% mức giá trên. Nhưng tính đến nay đã được gần 2 năm mà dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Dấu hiệu công ty Phú Hưng huy động vốn trái phép?
Liên quan đến dự án này, như Báo PLVN đã đưa tin, bà Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh (Công ty Linh Anh) tố cáo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Phú Hưng (Công ty Phú Hưng) địa chỉ số 10B/162 Khương Trung (Thanh Xuân - Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo số tiền 10 tỷ đồng.
|
Thông báo chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án |
Trước đó, để có giấy tờ, hồ sơ pháp lý mời Công ty Linh Anh tham gia góp vốn đầu tư thì ông Nguyễn Văn Thái đã liên hệ với Công ty Hancom để xin liên doanh đồng Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương.
Công ty Hancom đã chấp thuận việc Công ty Phú Hưng xin đồng Chủ đầu tư dự án. Cụ thể, ngày
25/1/2015, Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng ký Hợp đồng Hợp tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở trên lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO đường Lê Văn Lương, quận Cầu Giấy số 25.1.15/HĐ-HTĐT.
Ngày
09/2/2015, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 982/UBND chấp thuận về nguyên tắc cho 2 Công ty.
Sau khi có trong tay văn bản số 982/UBND của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Phú Hưng đã vẽ ra những tòa nhà đẹp lung linh tại dự án để huy động vốn của các nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Hoàng Thanh Bình cho rằng: "Sau khi tiếp xúc và mời chào, vì tin tưởng Công văn 982 của Thành phố nên ngày
16/5/2015 chúng tôi đã ký Hợp đồng nguyên tắc về việc góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO số 27/2015/HĐ – NT với Công ty Phú Hưng".
"Để thực hiện việc góp vốn đầu tư theo đúng Hợp đồng nguyên tắc hai bên đã ký kết, Công ty Linh Anh đã chuyển tiền số tiền 10 tỷ đồngđồng vào tài khoản mang tên Công ty Phú Hưng", bà Bình cho biết thêm.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc chuyển vốn góp đầu tư dự án theo đúng Hợp đồng nguyên tắc số 27/2015/HĐ – NT giữa Công ty Linh Anh và Công ty Phú Hưng mà Công ty Linh Anh không nhận được Giấy chứng nhận đứng tên đồng chủ đầu tư dự án giữa Công ty Hancom và Công ty Phú Hưng theo đúng như cam kết từ phía Công ty Phú Hưng.
Chính vì lý do chậm chễ này, nhiều lần Công ty Linh Anh đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Phú Hưng trả lời về việc này nhưng đều không nhận được phúc đáp. Đến ngày
28/9/2015, Công ty Phú Hưng có văn bản thông báo cho Công ty Linh Anh về tiến độ thực hiện dự án góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại khu nhà A/21 tầng trên lô đất ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.
Thông báo này ghi rõ hạn cuối cùng đến ngày 28/10/2015 sẽ được cấp Giấy chấp thuận đồng chủ đầu tư của thành phố Hà Nội.
Nhưng, đến lúc này thì Công ty Phú Hưng không còn là đồng Chủ đầu tư dự án. Bởi vì, trước đó, ngày 29/6, Công ty Hancom đã ký biên bản chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án nhà ở hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất có ký hiệu 5.1 NO và 5.5 NO.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Hoàng Thanh Bình đặt câu hỏi cho rằng: "Vì sao Công ty Phú Hưng không có năng lực tài chính mà công ty Hancom vẫn chấp nhận ký kết liên doanh đồng chủ đồng tư dự án trên? Và liệu rằng Công ty Hancom có biết việc làm của Công ty Phú Hưng để dùng giấy tờ mà 2 bên ký kết để đi huy động vốn của cổ đông? Công ty Hancom có vô can trong sự việc này?".
Theo baophapluat.vn