Sau hai ngày xét xử, chiều ngày 9-6, TAND thành phố xử sơ thẩm tuyên phạt Trần Quang Hai (SN 1981, ngụ quận Cẩm Lệ) 16 năm tù, Hồ Văn Thương (SN 1977, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) 10 tháng 9 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

 

Lợi dụng chính sách hỗ trợ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân theo chương trình “3 có”, một số “cò” chung cư đã thực hiện hành vi lừa đảo người dân nghèo có nhu cầu thuê, mua chung cư dành cho người có thu nhập thấp; trong đó có Hai và Thương.

 

Phản cung, chối tội

 

Theo cáo trạng, khoảng từ tháng 4-2014 đến tháng 4-2015, Hai “nổ” mình có người thân làm ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Công ty Quản lý nhà chung cư thành phố Đà Nẵng nên có khả năng làm thủ tục thuê, mua nhà chung cư nhằm mục đích lừa đảo. Khi người bị hại nộp đủ số tiền thỏa thuận, Hai tìm những khu chung cư còn phòng trống, sau đó làm giả Biên bản cam kết giao nhận nhà có chữ ký và con dấu giả của Công ty Quản lý nhà chung cư thành phố Đà Nẵng và giao cho họ. 21 người đã sử dụng biên bản này để dọn vào sinh sống tại các khu chung cư. Qua đó, Hai đã chiếm đoạt của 52 người tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Đa số các bị hại đều là những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về nhà ở.

 

Tháng 3-2014, thông qua người quen, Hai biết Thương là người chuyên lo giấy tờ mua, bán và thuê căn hộ chung cư nên đến gặp để đặt vấn đề mua căn hộ chung cư. Qua trao đổi, Thương đồng ý bán cho Hai 2 căn hộ chung cư tại Khu chung cư A2 Nam cầu Cẩm Lệ. Mặc dù 2 căn hộ này thuộc diện Nhà nước quản lý nhưng Thương vẫn lập giấy nhận đặt cọc bán cho Hai để Hai bán cho người khác. Qua đó, Thương chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng.

 

Tại phiên xử sơ thẩm, Hai khai sau khi nhận hồ sơ và tiền của các bị hại, Hai đã giao toàn bộ cho Thương, riêng Hai chỉ nhận khoảng 200 triệu đồng tiền môi giới. “Bị cáo không lừa ai cả, bị cáo tin tưởng vào hồ sơ nên mới đưa tiền cho Thương. Bị cáo không biết gì cả, Thương là người biết chỗ nào còn phòng, còn bao nhiêu phòng. Khi nhận tiền, bị cáo không hề có mục đích lừa đảo, chỉ muốn người dân có chỗ ở đàng hoàng…”, Hai nói.

 

Tòa hỏi: “Bị cáo không biết Thương ở đâu, làm gì, tại sao dám đưa cho Thương số tiền lớn như vậy, hơn 1,7 tỷ đồng, mà không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh. Trong các lời khai trước đây, bị cáo cho rằng hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để tiêu xài mới thực hiện hành vi lừa đảo, tại sao bây giờ bị cáo phản cung?”. Hai im lặng.

 

Trong khi đó, bị cáo Thương cho rằng Hai vu khống mình, chỉ thừa nhận làm thủ tục bán cho Hai 2 căn hộ. “Bị cáo chỉ gặp Hai 2 lần, do Hai cần mua 2 bộ hồ sơ giải tỏa. Hai là người ở khu vực đó nên biết phòng nào còn trống và đề nghị bị cáo ghi số phòng vào. Tuy nhiên, sau khi Hai trả tiền cọc, đến hẹn để làm thủ tục hoàn tất giấy tờ ra công chứng thì không thấy Hai đến làm việc và cũng không đòi lại tiền cọc. Bị cáo không hề biết Hai có ý định lừa đảo, cũng không biết Hai đã bán 2 căn hộ này cho người khác…”, Thương khai.

 

Quản lý lỏng lẻo

 

Liên quan đến vụ án, theo Viện KSND thành phố, các nhà trưởng, quản lý viên Công ty Quản lý nhà chung cư thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là công ty) sau khi phát hiện người dân vào ở trái phép tại các khu chung cư đã báo cáo lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, công ty quản lý chưa chặt chẽ, chưa tiến hành việc kiểm tra, đôn đốc các quản lý viên được giao quản lý các khu chung cư, giao phó cho nhà trưởng, tạo điều kiện để Hai lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa nhiều hộ dân đang gặp khó khăn về nhà ở vào ở tại các khu chung cư. Lãnh đạo công ty đã không kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để tiến hành điều tra xử lý vụ việc, làm ảnh hưởng đến việc quản lý tài sản của Nhà nước. Đối với vấn đề này, Viện KSND thành phố đã kiến nghị, yêu cầu cơ quan chủ quản tiến hành chấn chỉnh vi phạm, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xử lý đối với từng cá nhân liên quan.

 

Tại phiên tòa, đại diện công ty cho biết, các khu chung cư mà bị cáo Hai đưa người vào ở mới bốc thăm đưa vào sử dụng từ tháng 1-2015. Vì vậy, lực lượng bảo vệ mới vào làm 3 tháng nên chưa có kinh nghiệm, biên bản cam kết giao nhận nhà được làm giả một cách tinh vi nên bảo vệ không phát hiện được. Đồng thời, quãng thời gian người dân dọn vào ở là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nên quản lý viên, nhà trưởng cũng chểnh mảng, không quản lý kịp thời, không đối chiếu thường xuyên. Do đó, đến tháng 3-2015, công ty mới phát hiện sự việc.

 

Ngoài ra, vị đại diện công ty cũng thông tin, công ty đã xử lý khiển trách, lưu thời gian lên lương và lên chức trong 6 tháng hoặc buộc thôi việc đối với các cá nhân liên quan đến vụ việc, tùy theo mức độ sai phạm của từng người. Các quản lý viên có mặt tại phiên xử cũng thừa nhận thiếu sót khi quản lý lỏng lẻo.

 

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của Hai thay đổi liên tục, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của chính mình cũng như lời khai của các bị hại. Bên cạnh đó, các bị hại không biết bị cáo Thương là ai, cũng chưa từng gặp bị cáo Thương. Việc giao nhận tiền cho Thương như Hai khai không có giấy tờ chứng minh, không có người làm chứng. Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành thu giữ điện thoại của hai bị cáo, tiến hành điều tra nhưng không phát hiện liên lạc giữa đôi bên. Từ đó, có cơ sở để khẳng định bị cáo Hai và bị cáo Thương đã thực hiện hành vi gian dối nhằm lừa đảo như cáo trạng đã truy tố. Do đó, TAND thành phố tuyên mức án như trên đối với hai bị cáo.

 

Theo Báo Đà Nẵng

.