Để có vốn xây dựng trung tâm hành chính xã A Tiêng, huyện Tây Giang đã cho phép Công ty TNHH MTV Xây dựng và thương mại Tây Hồ Minh (gọi tắt là Công ty Tây Hồ Minh) khai thác tận thu vàng tại dự án chỉnh trị dòng sông A Vương. Việc khai thác vàng sa khoáng này đã gây ra nhiều hệ lụy.
 
 
Theo ông Lê Trung Thủy - Chủ tịch UBND xã A Tiêng, ngoài việc cắt cử lực lượng kiểm tra về an ninh - trật tự trên địa bàn, địa phương không có đủ thẩm quyền cho phép hoạt động tận thu khoáng sản, cũng như tạm dừng và quản lý, xử lý các hoạt động liên quan đến thi công dự án. “Trước đây, dự án chỉnh dòng A Vương cho san ủi mặt bằng làm khu trung tâm hành chính của xã, được UBND huyện giao cho Phòng Tài nguyên - môi trường huyện làm chủ đầu tư. Ngày 22.2.2016, HĐND huyện có văn bản thống nhất chủ trương điều chỉnh danh mục công trình xây dựng trụ sở xã sang đầu tư công trình san ủi mặt bằng. Trước tết, lãnh đạo UBND huyện có xuống làm việc với xã thông tin chủ trương cho tận thu khai thác vàng sa khoáng để đối ứng nguồn vốn xây dựng công trình, nhưng không có văn bản, mà chỉ thông tin bằng miệng” - ông Thủy nói.
 
Vội vàng thi công
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, chủ trương cho phép doanh nghiệp tận thu khai thác vàng sa khoáng trên phần đất thuộc dự án đã được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất nhằm đối ứng nguồn vốn để thực hiện dự án theo kế hoạch phát triển chung của địa phương. Theo đó, dự án chỉnh dòng A Vương đoạn qua trung tâm hình chính xã A Tiêng có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng, nhưng do điều kiện kinh tế địa phương khó khăn, thiếu nguồn vốn nên đã thống nhất chủ trương cho phép nhà thầu khai thác tận thu vàng. Ông Mia cho biết: “Dự toán 6 tỷ đồng là để chỉnh dòng A Vương. Ngoài ra, huyện cũng triển khai san lấp mặt bằng trên diện tích 18ha trong lúc chưa có vốn. Dự án san lấp theo nhiều giai đoạn, nhưng khái toán tiền san ủi đã hơn 10 tỷ đồng. Tỉnh chưa có quyết định cho phép khai thác tận thu vàng sa khoáng ở khu vực này, nhưng Ban Thường vụ ngồi bàn cho phép tận thu vàng để thi công san lấp mặt bằng trung tâm hành chính xã A Tiêng”. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, mục đích cho phép nhà thầu tận thu vàng trong phạm vi dự án nhằm lấy số tiền đó bù lại cho công trình chỉnh dòng, hỗ trợ chi phí xăng dầu cho nhà thầu và đơn vị thi công. “Giai đoạn này đang gấp rút nên động viên nhà thầu (cho chủ trương tận thu vàng - PV) để họ bù chi phí vì chưa có vốn. Tính ra nộp quỹ 500 triệu đồng trong gói 6 tỷ đồng, tức là trọn gói (khoán tận thu vàng trong tổng diện tích 18ha) là 500 triệu đồng” - ông Mia khẳng định.
 
Theo ông Hồ Minh Vĩ - Giám đốc Công ty Tây Hồ Minh (đơn vị nhận thi công công trình), dự án công trình chỉnh dòng A Vương được triển khai thi công từ giữa năm 2015 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4.2016. Đơn vị được chỉ định gói thầu chỉnh dòng và san lấp mặt bằng trên tổng diện tích 18ha để xây dựng khu trung tâm hành chính xã A Tiêng theo dự án chương trình nông thôn mới. “Đến nay, việc san lấp mặt bằng đang tiếp tục được triển khai, dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 này. Riêng chủ trương cho phép tận thu vàng sa khoáng, Công ty Tây Hồ Minh đã nhận được sự đồng ý của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhưng không có văn bản nào cụ thể” - ông Vĩ cho biết thêm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù dự án đã được triển khai thực hiện từ hơn nửa năm nay nhưng hầu hết gói thầu hiện vẫn chưa có quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế. Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Phó ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Tây Giang (chủ đầu tư dự án chỉnh dòng A Vương) cho hay, đến thời điểm này ngoài hồ sơ phê duyệt xây dựng hội trường trụ sở xã A Tiêng, các hồ sơ nằm trong danh mục còn lại của dự án chỉ mới đang trong thời gian… xây dựng. Trong khi đó, đơn vị không hề hay biết chủ trương cho phép tận thu vàng trong diện tích dự án.
 
Vì sao việc cho tận thu khai thác vàng sa khoáng ở A Tiêng chỉ bằng lệnh miệng? Trong khi chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng thì dòng sông A Vương đã và đang trở nên đục ngầu. Nhiều người dân lo ngại, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của chính đồng bào miền núi tại các địa phương có con sông A Vương chảy qua.
 
Theo Báo Quảng Nam
.