Bị tòa tuyên sáu tháng tù treo vì tội Tham ô tài sản, bà Huỳnh Ngọc Bích (50 tuổi, Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cảm thấy như sụp đổ. Nhưng với niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải, bà kiên nhẫn vào Nam ra Bắc, gửi không biết bao nhiêu đơn, gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan. Đến ngày bà được tuyên vô tội là gần sáu năm ròng rã.
 


Thực chất, những thỏa thuận này chỉ thực hiện một phần và nhằm khai man chứng từ thanh toán, chiếm đoạt hơn 402 triệu đồng.

Về phần bà Bích, cáo trạng cho rằng bà Bích nhận lời mở sáu lớp dạy nghề, nhưng chỉ mở một lớp, hai lớp chỉ khai giảng mà không giảng dạy, 3 lớp không thực hiện mà vẫn nhận số tiền 17,6 triệu đồng. CQĐT kết luận bà Bích đóng dấu treo trên phiếu thu rồi chuyển cho cán bộ trung tâm khuyến nông để thanh toán khống. Với những kết luận trên, người phụ nữ này bị truy tố về tội Tham ô tài sản.

Hoàn tất các hồ sơ, tháng 10/2010, CQĐT tìm đến HXT Ngọc Bích để bắt giữ. Đúng thời điểm này, bà Bích lại đang đi giao hàng ở tận Bình Dương nên việc bắt giữ không thành. Nhân cơ hội này, bà bay ra Hà Nội kêu oan.

Ngày 26/11/2010, bà Bích trở lại Sóc Trăng tham dự phiên tòa xét xử đầu tiên. Tại phiên tòa này, ngoài bảy bị cáo liên quan, gần 60 cán bộ xã, huyện, các xã viên của HTX cũng được triệu tập. Những phiên xử liên tục bị tạm hoãn vì lý do những người triệu tập không có mặt.

Vụ việc kéo dài đến tháng 3/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên phạt sáu bị cáo từ 2 đến 4 năm tù cho tội danh Tham ô tài sản. Riêng bà Bích bị phạt 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Không đồng tình với mức án trên, các bị cáo kháng án.

Đến tháng 4/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy án, trả hồ sơ lại để điều tra. Lý do, tòa phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả giám định 712 chứng từ thanh toán không hợp lệ để buộc tội bà Bích và các bị cáo khác tham ô hơn 400 triệu đồng là không chính xác.

Ngày 20/10/2014, sau hơn hai tiếng làm thủ tục để tiến hành xét xử, phiên tòa xử vụ tham ô lại tiếp tục hoãn vì chỉ có 16/57 người liên quan được triệu tập đến dự.

Vụ án tưởng chừng đơn giản lại kéo dài từ năm này qua năm khác khiến việc đi lại của nhiều người gặp khó khăn.

Trong phiên tòa kết thúc vào ngày 3/2 vừa qua, bà Bích được tuyên vô tội. Sáu bị cáo còn lại cũng nhận được những bản án mới. Theo đó, bốn bị cáo bị xử từ 5 – 8 năm tù giam về tội Tham ô tài sản; một bị cáo bị xử hai năm tù treo về cùng tội danh; một bị cáo bị xử 7 tháng 18 ngày tù giam vì Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sáu năm hàm oan lao đao

Trở lại cuộc đời đầy truân chuyên của bà Bích, sau khi được tuyên vô tội, người phụ nữ này tâm sự như trút được gánh nặng “ngàn cân” đeo bám suốt bao năm qua.

Hơn 20 năm trước, bà Bích xin nghỉ làm ở ngân hàng địa phương vì công việc không phù hợp, kiếm sống bằng một cửa hàng tạp hóa ở chợ Mỹ Xuyên. Trải qua nhiều công việc mua bán, năm 1995, bà Bích khởi nghiệp từ một tổ hợp đan giỏ bằng cói với số tiền 600 ngàn mượn từ cha ruột. Chưa đầy một năm sau, nhờ tìm được thị trường tiêu thụ, bà Bích thành công bước đầu khi tạo được công ăn việc làm cho gần 300 lao động địa phương.

Sau khi học việc tại một HTX mây tre ở TP.HCM, năm 2002, bà Bích về quê mở HTX đan lát với nguyên liệu cây lục bình sẵn có. Phát triển nghề bằng phương pháp đơn giản, công nhân tự dạy nhau học việc, chẳng bao lâu số lượng công nhân của HTX Ngọc Bích đã lên đến hàng ngàn người. Sản phẩm đan lát của bà đạt chất lượng cao nên công việc làm ăn ngày càng phát triển khắp khu vực đồng bằng và mở rộng ra các tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa.

Bà được người dân thương mến mệnh danh “nữ hoàng lục bình” khi làm giàu bằng loại cây tưởng chừng vứt đi và tạo công việc cho 8000 lao động khắp khu vực. Công việc đang trên đà phát triển thì cuối năm 2009, bà bất ngờ bị khởi tố về hành vi Tham ô tài sản.

“Sau khi tôi đệ đơn kháng cáo nhiều lần, Liên minh HTX Việt Nam đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh. Đoàn đã kết luận việc mở các lớp dạy học của tôi hoàn toàn đúng như hợp đồng với trung tâm Khuyến nông tỉnh. Tôi mở lớp ở các điểm Vĩnh Châu, Thuận Hòa, An Hòa, Bình Hòa, Nhơn Hòa, điểm Tham Đôn ở huyện Mỹ Xuyên. Sáu lớp này đều có hàng trăm học viên theo học, để chứng tỏ mình không tham ô, tôi từng đề nghị tòa triệu tập 164 học viên của các lớp học này. Sự thật rõ ràng như thế mà đến nay tôi mới được công nhận vô tội”, bà Bích nghẹn ngào.

Bà cũng cho rằng, những hợp đồng ký kết mở lớp đào tạo giữa HTX Ngọc Bích và Trung tâm Khuyến nông tỉnh là dân sự nhưng bị hình sự hóa. “Nếu tôi không hoàn thành hợp đồng thì chỉ cần hoàn lại tiền, không phải ghép tôi vào tội Tham ô tài sản được”, bà nhấn mạnh.

Gây dựng lại sự nghiệp

Sau khi vướng án oan, sự nghiệp bà Bích lao đao suýt phải phá sản. Nhờ nghị lực phi thường và sự hỗ trợ từ các HTX khác trong địa phương, gần một năm qua, người phụ nữ này lại từng bước gây dựng lại sản nghiệp. Dù vậy, nỗi oan uổng chưa được rửa sạch khiến công việc lại càng khó khăn hơn gấp bội. Nhiều khách hàng quen thuộc không tin tưởng đã quay lưng không tiếp tục làm ăn nữa. Mãi cho đến phiên tòa gần đây nhất, khi bà được tuyên vô tội, công việc mới bắt đầu khởi sắc trở lại.

Mấy ngày này bận rộn với công việc cuối năm, liên tục đi công tác từ tỉnh này sang tỉnh khác, bà Bích chỉ có thể trao đổi qua điện thoại. Bà chia sẻ: “Cảm giác khi nghe tòa công nhận mình vô tội thật đặc biệt. Đến giờ tôi vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng khó tả. Suốt những năm qua, tôi có niềm tin mãnh liệt vào ngày này, nhưng khi nó đến tôi vẫn chưa dám tin là thật”.

“Nữ hoàng lục bình” cũng hào hứng kể: “Chỉ một ngày sau khi tôi được minh oan, các đối tác làm việc lúc trước đã gọi điện đặt hàng lại. Trong 3 ngày, tôi nhận được đơn hàng 6.000 sản phẩm. Đây là niềm vui không chỉ riêng tôi mà cả hàng ngàn công nhân nơi đây. Dù HTX vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Tết này tôi sẽ cố gắng lo cho các công nhân của mình có một cái Tết trọn vẹn nhất. Đó là điều tôi quan tâm nhất lúc này”
 

Theo PLO

.