Cụ thể, bài viết trên phản ánh việc Bệnh viện Nông nghiệp không chịu bồi thường cho hộ gia đình ông Đặng Xuân Toàn và vợ là bà Phạm Thị Huyên trú tại số nhà 19B, Tập thể thức ăn chăn nuôi Trung ương, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội và “đá” trách nhiệm sang cho công ty bảo hiểm.

Cụ thể, người đại diện Bệnh viện Nông nghiệp, ông Phạm Văn Thắng, Trưởng phòng Hành chính – Quản trị trong buổi làm việc với phóng viên cho rằng, công trình đã được bệnh viện mua bảo hiểm, vì vậy nếu các công trình liền kề bị sụt lún, hư hỏng thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà của ông Đặng Xuân Toàn bị lún, nứt nặng và hiện cả gia đình ông phải đi thuê chỗ khác để ở tạm (ảnh: H.Nguyên).

Tuy nhiên, theo Công văn số 900/BHHK-TSKTHK ngày 10/5/2019 của Tổng công ty bảo hiểm Hàng không gửi Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, do ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban tài sản kỹ thuật Hàng hải, thừa ủy quyền của Tổng giám đốc Tổng công ty bảo hiểm Hàng không ký, có đoạn: “Căn cứ Mục 2 - Phần 2 – Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro tài sản ban hành theo Quyết định số 17/QĐ/2008-VNI/BHTS của Công ty bảo hiểm Hàng không (VNI) quy định thì VNI sẽ không bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp: Thiệt hại đối với tài sản hay đất đai hay nhà cửa do chấn động hay do bộ phận chống đỡ bị dịch chuyển hay suy yếu hoặc thương vong hay thiệt hại đối với người hay tài sản do bất kỳ tổn thất nào nêu trên gây ra (trừ khi được thỏa thuận khác bằng điều khoản sửa đổi, bổ sung). Như vậy, tổn thất trên không thuộc phạm vi của Công ty bảo hiểm Hàng không”.

Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật có quan điểm như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. 

“Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn nghị định 139/2017 NĐ-CP quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như sau:

“1. Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản…”

Bên cạnh đó tại Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Căn cứ vào hai quy định nêu trên, nếu công trình xây dựng trong quá trình thi công, xây dựng công trình gây ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà thì phải ngừng việc thi công và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố do công trình của mình gây ra.

Về mức độ bồi thường thiệt hại: Mức độ bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra, cụ thể gồm: mức thiệt hại thực tế đối với công trình lân cận bị hư hỏng và các chi phí khác có liên quan. Hai bên có thể tự xác định mức thiệt hại của công trình liền kề. Nếu không tự xác định được mức độ thiệt hại thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường".

Vũ Minh Khôi