Sự cố sụt trượt nghiêm trọng, truy tố nhiều bị cáo
Ngày 16/6/2025, TAND Cấp cao tại TP HCM (nay là Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài hàng rào Khu công nghiệp (KCN) Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông cũ). Vụ án gây chú ý lớn bởi hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng, nhiều cán bộ và nhà thầu bị truy tố, xét xử.
    |
 |
Quá trình thi công, tại dự án KCN Nhân Cơ đã xảy ra 5 lần sụt trượt, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 55,6 tỉ đồng. |
Dự án KCN Nhân Cơ được UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) phê duyệt từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng, Ban Quản lý dự án tỉnh làm chủ đầu tư. Riêng gói thầu khảo sát, thiết kế, thi công hạng mục san nền và bảo vệ mái dốc (gói 02XL) trị giá hơn 408 tỉ đồng. Trong quá trình thi công, từ năm 2018, nhiều vụ sụt trượt, sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại các lô đất thuộc dự án khiến công trình không thể nghiệm thu, gây thiệt hại hơn 55,6 tỉ đồng.
VKSND tỉnh Đắk Nông (cũ) đã truy tố 6 bị can liên quan đến vụ án. Trong đó, Phạm Văn Cửu - nguyên Tổng giám đốc và Nguyễn Thanh Hà - nguyên Trưởng phòng thiết kế Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đường Việt bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 298 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Bốn bị cáo khác là cán bộ Ban quản lý dự án và Sở Xây dựng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS 1999.
Bản án sơ thẩm ngày 15/11/2024 của TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt Phạm Văn Cửu 8 năm tù, Nguyễn Thanh Hà 7 năm tù, các bị cáo còn lại từ 1 năm 3 tháng đến 4 năm tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo, trong đó Cửu và Hà kêu oan, khẳng định nguyên nhân sự cố là do điều kiện địa chất và nước ngầm, không thuộc lỗi chủ quan.
Trả hồ sơ điều tra bổ sung, tránh bỏ lọt tội phạm
Xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và tranh luận tại phiên phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy, bản án sơ thẩm xác định nguyên nhân sự cố hoàn toàn do lỗi của đơn vị tư vấn thiết kế và thi công, trong khi chứng cứ chưa chứng minh rõ trách nhiệm của từng bên.
    |
 |
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Huỳnh Thủy. |
Theo hồ sơ, thiết kế bản vẽ thi công hạng mục san nền, mái dốc chưa được thẩm định, phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã tổ chức thi công trước hơn 9 tháng, vi phạm nghiêm trọng quy định. Hồ sơ thiết kế cũng chưa đề xuất giải pháp xử lý nước ngầm hợp lý, vật liệu đất đắp chất lượng kém, không đạt độ chặt theo tiêu chuẩn K90, gây sụt trượt.
Cụ thể, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng TCVN 9362:2012 không được người quyết định đầu tư duyệt để áp dụng cho dự án KCN Nhân Cơ. Mặt khác, TCVN 4054: 2005 không áp dụng cho mái dốc của dự án KCN Nhân Cơ; mục này không đề cập đến nước ngầm, mà chỉ nói về thủy văn khi khảo sát đường ô tô. Việc cấp sơ thẩm áp dụng các tiêu chuẩn này để truy cứu trách nhiệm đơn vị thiết kế là không đúng.
Bên cạnh đó, các nhà thầu thi công là Công ty Thái Sơn, Công ty Cường Thịnh Thi và Công ty Dương Đạt Gia Lai thi công độ chặt tỉ lệ chỉ đạt 76,6% thay vì độ chặt K90 như thiết kế. Ngoài ra, những vi phạm này còn liên quan đến chủ đầu tư, đơn vị giám sát và cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu.
Tòa nhận định việc cấp sơ thẩm quy kết toàn bộ lỗi cho đơn vị thiết kế là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đường Việt là thiếu khách quan. Hồ sơ giám định cho thấy nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, chưa được phân tích đầy đủ. Ngoài ra, hồ sơ thiếu tài liệu quan trọng, chưa làm rõ thời điểm và trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức.
Do đó, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 59/2024/HS-ST của TAND tỉnh Đắk Nông, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Lâm Đồng (mới) điều tra lại để làm rõ bản chất vụ án, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội.
Báo Bảo vệ pháp luật góp phần lật lại vụ án
Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ án. Trong bài “Vì sao nhà thầu thi công Dự án KCN Nhân Cơ không bị truy tố dù có sai phạm?”, nêu rõ, liên danh nhà thầu gồm Công ty Thái Sơn, Cường Thịnh Thi, Dương Đạt Gia Lai đã để xảy ra hàng loạt vụ sụt trượt từ năm 2018–2020, gây thiệt hại lớn.
    |
 |
Báo Bảo vệ pháp luật đã có nhiều bài phản ánh về vụ án. |
Theo kết luận của cơ quan chức năng, liên danh nhà thầu này không tuân thủ kiểm soát chất lượng, không bổ sung chỉ tiêu cơ lý đất đắp, trình bày sai số liệu kỹ thuật, không phát hiện sự bất đồng nhất của vật liệu… dẫn đến nhiều hạng mục không đạt chuẩn K90. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm nghiêm trọng, các nhà thầu chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dù vậy, UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) đã cấm hai nhà thầu Thái Sơn và Dương Đạt Gia Lai tham gia đấu thầu dự án sử dụng vốn ngân sách trong 3 năm, do vi phạm Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, bài “Chuyên gia nhận định nguyên nhân kỹ thuật khiến Dự án KCN Nhân Cơ liên tục sụt lún” của Báo Bảo vệ pháp luật cũng dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng lỗi kỹ thuật như đất đắp không đạt độ chặt, không kiểm soát chất lượng và không xử lý lớp đất yếu đã dẫn đến sự mất ổn định của công trình.
PGS-TS Phạm Hữu Sy - chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nhận định, sự cố xuất phát từ nhiều nguyên nhân kỹ thuật. Ông phân tích, mái taluy nền đắp tính toán theo phương pháp cân bằng giới hạn, khi các trị số lực dính và góc ma sát giảm sẽ mất ổn định.
    |
 |
Dự án KCN Nhân Cơ do UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) phê duyệt vào năm 2015, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. |
Cụ thể, bốn nguyên nhân kỹ thuật chính gây mất ổn định gồm: đất đắp không đạt độ chặt; thành phần đất đắp không được kiểm soát; đất đắp lẫn hữu cơ; không xử lý triệt để lớp đất yếu. Kết quả giám định hiện trường tại dự án cho thấy tồn tại đồng thời cả bốn vấn đề này, khiến sự cố sụt trượt là tất yếu.
Nhận định của HĐXX tại phiên xét xử phúc thẩm đã làm rõ thêm những vấn đề mà Báo Bảo vệ pháp luật từng phản ánh.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về tiến trình giải quyết vụ án.