“Họa vô đơn chí”

Ngày 22/5, báo điện tử Bảo vệ pháp luật đăng bài “Thi công Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp gây lún, nứt nhà dân: Chủ đầu tư “đá” trách nhiệm bồi thường”, phản ánh việc ngôi nhà 5 tầng của gia đình ông Đặng Xuân Toàn, tại số nhà 19B, Tập thể thức ăn chăn nuôi Trung ương (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), bị lún nứt do Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp thi công xây dựng tòa nhà cao tầng.

Tuy nhiên, Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lại “đá” trách nhiệm, không giải quyết bồi thường thiệt hại hay khắc phục sửa chữa trả lại nguyên trạng ngôi nhà người dân, việc này khiến gia đình ông Toàn nhiều tháng nay sống trong cảnh lo lắng, hoang mang, phải đi thuê nhà khác để ở.

leftcenterrightdel
Ngôi nhà cao tầng của gia đình ông Toàn bị lún nghiêng, nứt từ móng lên nhưng đại diện nhà thầu cho rằng chỉ bị nứt chân chim (Ảnh: H.Nguyên)
Trong bài viết trước, Bảo vệ pháp luật đã thông tin, ông Phạm Văn Thắng, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, “đá” trách nhiệm bồi thường sang công ty bảo hiểm, do công trình đã được mua bảo hiểm. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm Hàng không đã tiến hành giám định, xác định nguyên nhân gây sụt lún nhà ông Toàn và có văn bản trả lời rằng, việc bồi thường không thuộc phạm vi của công ty bảo hiểm này.

Để rộng đường dư luận, trong bài viết này, Bảo vệ pháp luật sẽ thông tin về thái độ, cách hành xử kiểu "chợ búa" của ông Phạm Văn Thắng đối với kiến nghị của người dân, cùng với đó là việc lộng ngôn, khoe khoang quan hệ, thể hiện sự hách dịch, cửa quyền… của một cán bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trưởng phòng hay... “thánh nổ”?

Trở lại buổi làm việc với phóng viên (PV) chiều 13/5, ông Phạm Văn Thắng nói: “Để đền bù được, bây giờ phải xác định, thứ nhất là nguồn gốc đất đai; thứ hai là giấy phép xây dựng, xem ông (ông Toàn – PV) xây dựng có đúng giấy phép không? xem chất lượng công trình ông xây dựng có đúng không? Nếu ông đủ các điều kiện đấy thì bảo hiểm người ta sẽ đền. Còn bọn này nó nói thì việc của nó. Kệ nó! Sau đây tôi sẽ có phản hồi. Tại sao các nhà khác không bị mà chỉ có 1 nhà bị. Nếu nó bị một loạt thì đương nhiên đấy là lỗi của công trình chúng tớ. Chỉ có một công trình bị lún thì rõ ràng chất lượng công trình này có vấn đề. Vậy thì lại phải mời Bộ Xây dựng về giám định công trình của ông xem chất lượng như thế nào”.

Ngừng giây lát, ông Thắng “nổ” tiếp: “Tớ biết kể cả công trình của bên tớ gây lún thì cũng phải xem xét bên kia (phía gia đình ông Toàn – PV) như thế nào. Tớ biết, bên kia không có giấy phép xây dựng nên tớ không phải đền bù gì cả (?). Tớ nói thật, ngày xưa, tớ là công an; Tớ học Đại học Luật Hà Nội; Tớ đã từng làm nhiều quá rồi. Nếu ông (ông Toàn – PV) muốn đền bù thì ông phải đầy đủ thủ tục đã. Tớ biết, anh em về báo cáo, nhà đấy (nhà ông Toàn – PV) không có giấy phép xây dựng, mà còn đòi hỏi thì chuyện đền bù không bao giờ có”.

Rồi ông Thắng tiếp tục ba hoa, kể tên một loạt lãnh đạo huyện Thanh Trì qua nhiều thời kỳ với giọng đầy cao ngạo “trên cơ”. Tiếp đó, ông Thắng mang nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cả anh, em của vị lãnh đạo này ra để khoe quan hệ với PV, rồi cả người ký công trình xây dựng này cho bệnh viện cũng được ông Thắng tiết lộ.

Tiếp đó, ông Thắng “lý sự cùn”: “Đúng thật, kể cả công trình của tớ làm sụt lún thì đến 10 năm nữa cũng không lấy được tiền đền bù, mà tớ sẽ theo đến cùng. Ai đến đây gặp tớ cũng được! Báo nào cũng được! Tớ nói thế này, giấy phép xây dựng không có thì không có chuyện đền bù…”.

Ông Thắng hạ giọng: “Thực ra, mình nói việc này! Chú làm bên báo, chú biết rồi, viết thì cứ viết ăn thua gì… mà nói thật ra, cái việc này nhà nước nó phải chịu, chứ tôi không phải chịu”.

PV tranh luận: Nhà ông Toàn ở xã chứ không phải phường và thời điểm năm 2007, xây dựng nhà ở xã không bắt buộc phải có giấy phép.

Không những “lý sự cùn” mà còn còn thách thức, Thắng nói: “Luật quy định rồi, khi muốn bắt đền được thì ông (ông Toàn – PV) phải có thủ tục, phải có giấy phép, còn nếu ông không có giấy phép thì công trình này bị lún, chứ bị sập thì cũng không bắt đền được(?). Ông không có giấy phép xây dựng thì không có cơ sở nào để bắt đền tôi được(?). Còn ông nào thích thì tôi đi đến cùng luôn! Đi đến đâu, tôi cũng đi đến cùng việc này!”.

“Tớ biết công trình này là không phép. Tớ đã điện cho Chủ tịch xã kiểm tra xem công trình này có giấy phép không? Chủ tịch xã bảo không phép. Tớ bảo không phép thì ô-kê. Nó (ông Toàn - PV) muốn làm gì thì nó làm; nó thích làm gì thì nó làm. Nếu có phép đàng hoàng, xây dựng đúng phép thì nếu bị sụt lún, nứt do công trình này (công trình Bệnh viện Nông nghiệp – PV) làm sụt lún thì công trình này phải đền”, ông Thắng nói.

Trong lúc đang cao giọng với PV thì một nam thanh niên bước vào phòng. Ông Thắng liền giới thiệu: “Chú này là chủ công trình, nếu có gì chú này phải đền chứ tôi không phải đền”.

Theo lời người thanh niên này, nguyên nhân công trình nhà ông Toàn bị lún, nứt là do đã cũ, lâu ngày chứ không phải là do công trình bệnh viện gây ra.

PV hỏi: Trước khi thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra hiện trạng, có lập biên bản ghi nhận hiện trạng công trình nhà ông Toàn không bị sụt lún, nứt tường. Vậy tại sao vừa rồi lại bị?

Trước câu hỏi này, người thanh niên cho rằng, do nhà ông Toàn xây dựng đã lâu năm và kém chất lượng, “trong nhà chỉ có những vết nứt chân chim chứ không phải là nứt móng nhà”, người này nói.

Ông Thắng cắt ngang lời người thanh niên với những ngôn từ “bá đạo”: “Tôi quá nhiều việc nên tôi không thể giải quyết, chỉ có Ban quản lý xây dựng thôi. Còn nếu không, công việc này tớ chửi cả Chủ tịch xã luôn. Nó có giấy phép xây dựng đâu mà ông gọi tôi. Kể cả nó sập, nó đổ cũng không vấn đề gì cả, đấy là việc của nó”.

leftcenterrightdel

 Ngôi nhà cao tầng của gia đình ông Toàn (đánh dấu) bị lún nghiêng về phía Bệnh viện Nông nghiệp (phía Bắc) 7cm và nghiêng về phía Đông 8cm. Hiện, gia đình ông Toàn không dám ở trong căn nhà bị lún nghiêng mà phải đi thuê nhà để ở (Ảnh: H.Nguyên)

Trách nhiệm dân sự: Gây hư hỏng là phải bồi thường

Cũng trong chiều 13/5, trao đổi với Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Việt Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi cho biết, UBND xã đã giải thích với chủ đầu tư là phía Bệnh viện Nông nghiệp rồi, thời điểm gia đình ông Toàn xây nhà năm 2007, không phải xin phép xây dựng.

PV kể lại nội dung cuộc làm việc với ông Pham Văn Thắng và những phát ngôn của ông này. Nghe xong, ông Hưng cho biết, nếu ông Thắng nói như vậy là không đúng, không hiểu gì cả… “Về trách nhiệm dân sự, anh thi công xây dựng công trình làm sụt lún, hư hỏng các công trình liền kề là anh phải bồi thường. Kể cả là làm hỏng chuồng lợn, chuồng gà của gia đình người ta, anh cũng phải bồi thường. Khi hỏng chuồng lợn, chuồng gà, anh cũng đòi hỏi người ta phải có giấy phép xây dựng anh mới bồi thường à?”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho biết, bên công ty bảo hiểm đã có văn bản nói rằng, việc tổn thất, lún, nứt nhà ông Toàn không thuộc trách nhiệm bồi thường của họ. Nếu việc này không thuộc bên bảo hiểm phải bồi thường thì chủ đầu tư phải bồi thường.

“Tới đây, xã sẽ tổ chức buổi thỏa thuận lần 1. Sau khi thỏa thuận, nếu 2 bên không tìm được tiếng nói chung thì sau 5 ngày xã sẽ tiếp tục tổ chức thỏa thuận lần 2. Nếu thỏa thuận lần 2 cũng không xong thì xã sẽ mời một đơn vị độc lập về đánh giá thiệt hại theo quy định tại Thông tư 03/2018 ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng để có căn cứ, cơ sở giải quyết vụ việc.

Ông Nguyễn Việt Hưng còn thông tin, ông Phạm Văn Thắng nguyên là Tổ trưởng tổ bảo vệ của bệnh viện. Sau đó, ông này được chuyển lên làm việc ở phòng, ban của bệnh viện và sau này mới được cất nhắc giữ chức vụ hiện tại, chứ không phải ông Thắng xuất thân từ ngành Công an như đã “nổ” với phóng viên.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hồng Nguyên