Liên quan đến bài viết “Mìn nổ “vang trời” để khai thác đá...gây sạt lở, lấp sông Sêrêpốk”. Ngày 13/7, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, Sở TN&MT đã kịp thời kiểm tra và yêu cầu dừng ngay việc khai thác tại vị trí khai thác làm đá rơi xuống sông và ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ nguồn nước.
|
|
Khu vực mỏ đá Phú Xuân nổ mìn gây sạt lở, lấp sông Sêrêpốk. |
Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân (viết tắt là Công ty Phú Xuân) khắc phục các tồn tại, đưa hết khối lượng đá rơi xuống sông lên bờ, nhằm đảm bảo ổn định dòng chảy của sông Sêrêpốk.
Mặt khác, ngày 5/7 Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra thực địa, xác định vị trí các điểm mốc khu vực khai thác trên thực địa làm cơ sở báo cáo tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh khoảng cách ranh giới khu vực khai thác nhằm đảm bảo hành lang, bảo vệ nguồn nước (không nhỏ hơn 5 mét tính từ mép bờ) theo quy định.
Ngoài ra, UBND huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cũng đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác đá của Công ty Phú Xuân, hiện đang xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Theo Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, Công ty Phú Xuân được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu IIC, mỏ D2 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) theo Quyết định số 3224 ngày 21/12/2010. Theo đó, diện tích được phép khai thác 83.000 m2, công suất được phép khai thác 49.350 m3 đá nguyên khai/năm. Thời hạn được phép khai thác 22 năm kể từ ngày 21/12/2010.
|
|
Cơ quan chức năng đi kiểm tra sự việc. |
Cũng theo Sở TN&MT, khu vực được phép khai thác tại khu IIC, mỏ D2, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột được giới hạn bởi 4 điểm khép góc từ M1 đến M4, các điểm góc M1, M2, M3 có khoảng cách so với mép bờ sông Sêrêpốk từ 175m đến 350 m; điểm M4 có khoảng cách so với mép bờ sông Sêrêpốk khoảng 4m.
Do thời điểm cấp phép (năm 2010), Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước chưa có hiệu lực. Vì vậy, chưa có quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước nên việc cấp phép khai thác có điểm M4 cách mép bờ sông là 4m.
Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, trong quá trình khai thác đá xây dựng, mỏ đá Phú Xuân thuộc Công ty Phú Xuân (địa chỉ tại xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã nổ mìn làm sạt lở bờ sông, một lượng lớn đá đổ xuống lấp khu vực sông Sêrêpốk. Bên cạnh đó, việc khoan và nổ mìn đã gây khói bụi, đá văng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của người dân.
|
|
Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra thực địa...báo cáo tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh khoảng cách ranh giới khu vực khai thác nhằm đảm bảo hành lang, bảo vệ nguồn nước (không nhỏ hơn 5 mét tính từ mép bờ) theo quy định. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Quốc Toản, Giám đốc điều hành mỏ đá Phú Xuân cho biết, mỏ đá được cấp phép trên diện tích 8,6ha, nằm ở khu vực xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột) và xã Đray Sáp (huyện Krông Ana). Khu vực đang khai thác có diện tích khoảng hơn 2 ha nằm hoàn toàn ở địa phận ở huyện Krông Ana.
“Quá trình khai thác, chúng tôi không khai thác ra bờ sông, nhưng do quá trình nổ mìn, bờ sông là vách thoáng nên đá văng ra ngoài đổ xuống bờ sông. Đối với việc bụi bặm và đá bay trong quá trình nổ mìn thì bắt buộc nó phải bay, không còn cách nào khác, nhưng đơn vị sẽ hạn chế và đảm bảo an toàn. Tôi thừa nhận đơn vị có sai sót trong việc này, do vách thoáng nằm ngoài bờ sông nên đá có đổ xuống sông....”, ông Toản khẳng định./.