Chiều ngày 3/7 trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, một lãnh đạo UBND huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) cho biết, huyện đã nắm được thông tin vụ việc một hộ dân xây dựng các công trình trái phép tại Cù lao trên sông Sêrêpốk. Hiện, huyện đang tiến hành lập đoàn kiểm tra rà soát lại toàn bộ sự việc, xác định các hành vi. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm theo quy định.

leftcenterrightdel
Chủ nhân công trình nói cũng lỡ làm một căn nhà, thì cũng cố làm cho nó đẹp... 

Để rộng đường dư luận, PV đã liên lạc trao đổi với ông Lê Tiến Dũng (trú tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) – chủ công trình “hoàng tráng” trái phép tại vị trí Cù lao trên sông Sêrêpốk (thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Ea Tling).

Ông Dũng cho hay, vào khoảng tháng 6-7/2020 ông có mua thửa đất trên của bà Phạm Thị Sim (trú tại thị trấn Ea Tling) bằng giấy viết tay, với giá hơn 2 tỉ đồng, có làm thủ tục để thuê đất.

Khi PV hỏi có xây dựng, cơi nới gì thêm sau khi cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản ngày 15/3/2021, ông Dũng khẳng định, không xây dựng cơi nới công trình. Theo ông Dũng, đợt trước cuối năm ngoái (tức năm 2020 – PV), có xảy ra lũ lụt khiến cái chòi bị ngập trôi hết đi, gà và cây mới trồng cũng bị trôi.

Sau khi Nhà nước hỗ trợ được hơn 200 triệu đồng, ông Dũng lên vị trí cao xây lại trên nền móng cũ một cái phòng ngủ khoảng 20m2, một cái bếp và khoảng 50m2 có mái che (cũng lỡ làm một căn nhà, thì cũng cố làm cho nó đẹp – ông Dũng nói) nhằm mục đích lui tớii và chỗ ngủ, nghỉ ở đó để bảo vệ trông coi đất rẫy.

leftcenterrightdel
Nhiều tượng đá có giá trị và các loại cây cảnh cũng được chủ nhân trồng trên khu đất này... 

Lúc này, PV tiếp tục chất vấn, tại sao không làm đầy đủ các thủ tục trước rồi mới xây dựng, thì ông Dũng lý giải: “Có hỏi mấy anh em thì được biết phải qua nhiều sở, ban, ngành và phải thành lập dự án nhưng chưa có nhu cầu làm lớn như vậy nên chưa làm thủ tục”.

Được biết, trước đây ông Dũng nguyên cán bộ công tác tại Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Cư Jút, sau đó về công tác tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút và đã nghỉ việc vào năm 2019.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, vào năm 2019, UBND huyện Cư Jút đã có quyết định cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn và bà Phạm Thị Sim (trú tại thị trấn Ea Tling) thuê khu đất tại lô đất tại tổ dân phố 7, thị trấn Ea Tling (Cù lao sông Sêrêpốk) với diện tích hơn 32.241 m2 để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức thuê đất: Trả tiền thuê đất hàng năm.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2020, ông Tuấn và bà Sim đã có đơn xin chấm dứt hợp đồng thuê đất do gia đình không có nhu cầu thuê mảnh đất trên nữa.

Đến tháng 10/2020, UBND huyện Cư Jút đã ra quyết định thu hồi toàn bộ thửa nói đất trên và giao về cho Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cư Jút quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thu hồi đất theo quy định.

leftcenterrightdel
Các tuyến đường bê tông trên khu đất đã được chủ nhân làm rất bài bản.  

Mới đây, sau khi phát hiện ra việc xây dựng công trình trái phép, cơ quan chức năng mới biết, ông Lê Tiến Dũng đang sử dụng lô đất trên. Qua làm việc, ông Dũng cho biết mua lại của bà Sim khoảng 3 tỉ đồng, có giấy viết tay, nhưng lại không cung cấp giấy tờ.

Để làm rõ vấn đề trên, ngày 1/7/2021 UBND thị trấn Ea Tling đã mời bà Sim lên làm việc. Bà Sim trình bày, sau khi trả đất, vì trên đất có các tài sản bao gồm cây ăn trái, bơ tiêu, một chuồng nuôi heo, nhà ở (chuồng heo và nhà ở do chủ đất cũ xây dựng) nên gia đình bà đã cho ông Lê Tiến Dũng thuê lại. Hợp đồng cho thuê tài sản được lập bằng giấy viết tay....

Theo ghi nhận của PV, công trình nói trên nằm trên khu vực bờ sông Sêrêpốk, cách Quốc lộ 14 hơn 2km. Trên thửa đất này, ông Dũng không chỉ xây dựng nhà kiên cố, mà hệ thống đường xá xung quanh cũng được đầu tư rất bài bản, các loại cây cảnh cũng được trồng trên khu đất này...

Bao quanh khu đất này giống như một “hòn đảo” riêng nằm giữa hai nhánh chính và nhánh phụ của sông Sêrêpốk./.

Nguyễn Chính