Có bất thường trong tiếp nhận, điều trị bệnh nhân?

Theo mô tả của BVĐK Bình Định, BN Lê Quang Vinh được tiếp nhận vào Khoa Khám bệnh Bệnh viện vào lúc 1h27’ ngày 26/3, được bác sĩ (BS) trực chẩn đoán: “Theo dõi nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, viêm dạ dày”.

Đến 2h15’, BN được chuyển vào Khoa Nội Tim mạch (NTM). Tại đây, sức khỏe BN ghi nhận: Tỉnh táo, không sốt, huyết áp 100/60mmHg, nhịp thở 20 lần/phút, da niêm mạc hồng, đau tức thượng vị lan lên sau xương ức, không khó thở khi nằm…

Kết quả siêu âm tim: Không dày giãn các buồng tim; vôi hóa rải rác ĐMC lên, ĐMC lên không giãn, Hở van hai lá 2-2.5/4. không tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi…

Từ ghi nhận trên, khoa NTM tiến hành hội chẩn cấp III và thống nhất xác định: BN bị nhồi máu cơ tim (NMCT) bán cấp thành dưới biến chứng nhịp thoát bộ nối chậm, cường giáp dưới lâm sàng. Chỉ định chụp can thiệp động mạch vành. Bệnh tiên lượng nặng, có nguy cơ tử vong…

Mặc dù tiên lượng nguy cơ tử vong sau khi nhập viện, tuy nhiên phải đến 15h50’ cùng ngày, tức gần 14 tiếng đồng hồ sau khi nhập viện, Bệnh viện mới tiến hành thủ thuật can thiệp mạch cho BN Vinh. Việc để BN nằm chờ thời gian dài trong đau đớn và trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đã khiến cho người nhà BN bức xúc, cho rằng, việc chậm trễ cấp cứu là một trong nguyên nhân khiến BN... chết oan.

Sau khi kết quả chụp mạch thể hiện BN bị hẹp 80% LADI-II, hẹp 95% RCAI, huyết khối bán tắc RCAII, hẹp 60-70% RCAIII,.. ekip BS giải thích đến người nhà BN và khuyến cáo cần đặt 2 stent vào động mạnh vành (ĐMV) phải, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cứu chữa BN.

leftcenterrightdel

Ông Hồ Việt Mỹ - Giám đốc và ông Lê Thành Ấn – Trưởng khoa NTM BVĐK Bình Định tại buổi làm việc với PV. 

Trước khi gia đình BN chạy vạy, nộp đủ số tiền tạm ứng 46,5 triệu đồng (3 lần) và ký vào giấy cam kết chấp nhận thủ thuật, ông Lê Thanh Phong (con trai BN) cho biết, BS trực tiếp thủ thuật khuyến cáo tỷ lệ biến chứng không thành công khi đặt stent rất thấp, chỉ từ 0,1 – 0,2%, nên gia đình rất yên tâm.

Sau khi kết thúc thủ thuật vào 17h cùng ngày, được đánh giá là thuận lợi và thành công, 3 giờ sau BN xuất hiện triệu chứng khó thở, người mệt, HA 90/60mmHg… Siêu âm phát hiện, BN bị tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, được hội chẩn, chỉ định chọc dẫn lưu dịch màng ngoài tim, rút ra 350ml máu đông.

Bệnh diễn biến phức tạp, đến 1h45’ ngày 27/3, BN khó thở dữ dội liên tục khi nằm, khò khè, tim nhịp không đều, phổi ran ẩm, rít, ngáy 2 bên. Hội chẩn liên khoa xác định: Phù phổi cấp, thủng vách liên thất, hở van 2 lá nặng; nhồi máu cơ tim bán cấp thành dưới; biến chứng tràn máu màng ngoài tim…

Đến 3h sáng ngày 28/3, BN đã tử vong. HĐCM Bệnh viện kết luận: BN tử vong là do biến chứng hoại tử thành tim sau nhồi máu cơ tim bán cấp diện rộng.

Giải thích việc chậm trễ can thiệp thủ thuật để cứu chữa cho BN, bác sĩ Lê Thành Ấn- Trưởng Khoa NTM, cho rằng, có hai lý do, BN nhập viện đã quá “thời gian vàng” và trục trặc BHYT. Cụ thể, trước khi tới BVĐK Bình Định 3 ngày, BN đã nhập viện và điều trị tại Trung tâm y tế An Nhơn và tự ý bỏ về nhà, khi BN mệt được gia đình đưa thẳng tới BVĐK tỉnh.

Khi tới Bệnh viện tỉnh đã quá “thời gian vàng” nên việc điều trị cho phép trì hoãn. Trong khi đó, trong sáng 26/3, có một ca cấp cứu khác cần can thiệp tim mạch gấp. Theo thứ tự ưu tiên thì BN Vinh được chẩn đoán NMCT bán cấp thành dưới ngày thứ 3, không phải cấp cứu gấp nên làm sau.

Mặt khác, BN nhập viện khi chưa làm thủ tục xuất viện tại TTYT An Nhơn, do đó, Bệnh viện phải liên hệ cho BN được xuất viện, để bảo đảm quyền lợi BHYT của người bệnh (!).

Cũng theo BS Ấn, đến 11h ngày 26/3, đã hoàn tất thủ tục cho BN Vinh xuất viện khỏi TTYT An Nhơn. Tuy vậy, BN vẫn phải chờ khoảng 4 tiếng sau đó mới được can thiệp thủ thuật, trong khi BS Ấn thừa nhận, mặc dù đã quá “thời gian vàng” nhưng đây vẫn là BN nhồi máu cơ tim cấp, có nghĩa, BN cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Giải thích trên của BS Ấn mâu thuẫn với diễn biến sức khỏe của BN ngay từ lúc mới nhập viện (26/3). Sau khi có kết quả cận lâm sàng, Khoa NTM tiến hành hội chẩn cấp III, đã tiên lượng bệnh nặng, nguy cơ dẫn tới tử vong... Có nghĩa là ngay từ đầu, sức khỏe BN đã nằm trong tình trạng rất nguy kịch cần được ưu tiên cứu chữa. Trong khi cho rằng, tình trạng bệnh nhân đã qua “thời gian vàng”, việc cứu chữa có thể trì hoãn, thì đến 15h50’ cùng ngày, BN lại được khoa NTM tiến hành thủ thuật can thiệp mạch vành và hối thúc gia đình tạm ứng đủ tiền để đặt 2 stent cứu BN.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn có thuyết phục?

Như tài liệu của BVĐK Bình Định thể hiện, BN chỉ được can thiệp thủ thuật 14 tiếng đồng hồ sau khi tiếp nhận, trong khi chẩn đoán ban đầu đã xác định bệnh nhân bị NMCT bán cấp rất nặng, bệnh tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong, tuy vậy HĐCM kết luận, việc tiếp nhận, xử trí khi bệnh nhân vào viện… “kịp thời và chính xác” (!?).

Và, trong khi bác sĩ Trưởng khoa không có mặt tại Bệnh viện, việc trao đổi/hội chẩn với bác sĩ trực qua điện thoại ở những thời điểm BN biến chứng nguy hiểm, thì HĐCM  kết luận, quá trình theo dõi và điều trị BN được “thực hiện tốt và đúng quy trình” (!?).

leftcenterrightdel
Bác sĩ Lê Thành Ấn- Trưởng Khoa Nội tim mạch BVĐK Bình Định trao đổi với phóng viên.

Về nguyên nhân BN tử vong, HĐCM xác định không phải do tai biến trong quá trình can thiệp mà do biến chứng hoại tử thành tim sau NMCT ban cấp diện rộng nặng, là biến chứng cơ học của NMCT.

Với kết luận của HĐCM, việc BN tử vong không phải lỗi do BS can thiệp thô bạo, làm thủng tim như người nhà BN phản ánh.

Theo tài liệu chuyên khảo: “Can thiệp ĐMV qua da trong điều trị NMCT cấp” do PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn chủ biên, được NXB Y học - Hà Nội, ấn hành năm 2011, BN nếu được “tái tưới máu sớm trong NMCT cấp bằng can thiệp ĐMV qua da đã được chứng minh làm giảm kích thước ổ nhồi máu, bảo tồn chức năng thất trái, giảm các biến chứng tim mạch sớm và lâu dài”. Cũng theo tài liệu này, việc chậm trễ trong điều trị tái tưới máu bằng can thiệp ĐMV làm tăng tỷ lệ tử vong (22%) cũng như các biến chứng tim mạch (32%)…

Đối chiếu với tài liệu trên, người nhà BN có quyền hy vọng, nếu được can thiệp sớm, kịp thời, BN Vinh có cơ hội được cứu sống.

Sau khi can thiệp thủ thuật, sức khỏe BN Vinh trải qua ít nhất 4 lần biến chứng xấu, rất cần sự tập trung chuyên môn, trí tuệ của người thầy thuốc bằng hình thức hội chẩn phù hợp để cứu chữa người bệnh kịp thời. Thế nhưng theo giải trình của BS trực tiếp can thiệp và BS tua trực, quy trình hội chẩn đối với trường hợp BN Vinh chủ yếu được thực hiện qua điện thoại với Trưởng khoa; thành phần tham gia cũng chỉ dừng lại là các BS trong khoa NTM.

Tại buổi làm việc, BS Ấn xác nhận, khi tiếp nhận, điều trị BN Vinh, ông có việc ở quê nên chỉ đạo từ xa…

Trong khi đó, theo quy định tại Quy chế hội chẩn ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế: “Hội chẩn phải được chuẩn bị chu đáo và đảm bảo theo thủ tục quy định” (điểm 2, mục I); từ hội chẩn khoa đến hội chẩn liên khoa bắt buộc phải có bác sĩ trưởng khoa chủ trì (điểm a, b, khoản 2 mục II); và khi người bệnh có chỉ định phẫu thuật, “hội chẩn phải có đầy đủ các phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ điều trị khoa ngoại và y tá (điều dưỡng), trưởng khoa ngoại và y tá (điều dưỡng), trưởng khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức” (điểm h, khoản 3, mục II)… 

leftcenterrightdel

Kết luận của Hội đồng chuyên môn mở rộng và Quyết định giải quyết đơn thư của Giám đốc BVĐK Bình Định.

Từ đó cho thấy, nguyên nhân BN Vinh tử vong, không loại trừ có nguyên nhân từ quy trình hội chẩn của khoa NTM được thực hiện quá cẩu thả, sơ sài, không đảm bảo yêu cầu sát đúng, chuẩn mực về chuyên môn, y đức; cũng như quy định của Bộ Y tế.

Với kết luận của HĐCM, ekip y bác sĩ Khoa NTM trực tiếp điều trị và chăm sóc BN Vinh đã… vô can trước cái chết của BN. Chúng tôi cũng băn khoăn, hoài nghi và đặt câu hỏi cho lãnh đạo BVĐK Bình Định về tính khách quan và độ tin cậy của bản kết luận của HĐCM, khi mà thành phần tham gia của HĐ này đều là các cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện, nơi để xảy ra BN tử vong.

Trao đổi với phóng viên, BS Lê Thái Bình – Giám đốc TTYT An Nhơn, xác nhận: “BN Lê Quang Vinh không phải tự động bỏ viện mà là sau 3 ngày nằm điều trị, sức khỏe đã ổn định nên BN xin phép về nhà sớm, còn thủ tục xuất viện sẽ được giải quyết vào hôm sau”. Như vậy việc xác định “thời gian vàng” được ấn định bắt đầu từ khi bệnh nhân nhập viện tại TTYT An Nhơn như Khoa Nội tim mạch BVĐK Bình Định giải thích liệu có hợp lý?

BN tử vong là do biến chứng cơ học của NMCT bán cấp, được hiểu là thành tim bị vỡ tự nhiên do hoại tử. Thế nhưng trên thực tế việc biến chứng này xảy ra sau khi BN đã được can thiệp đặt 2 stent và máy tạo nhịp tim tạm thời, tức là đã có sự tác động vào thành tim của BN bởi 2 loại vật tư y tế.

Trong khi đó, các BS khoa NTM tham gia điều trị cho BN đã thừa nhận “Máy tạo nhịp tạm thời không dẫn do điện cực không áp được vào vùng cơ tim bị nhồi máu của thất phải”. Nói cách khác, máy tạo nhịp tạm thời được đặt vào người BN do ekip bác sĩ Trưởng can thiệp có sự cố về kỹ thuật không phát huy tác dụng… . Sự cố này liệu có “góp phần” gây ra nguyên nhân làm BN tử vong?

Báo BVPL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin liên quan vụ việc đến bạn đọc.

Nhóm PV