Từ mâu thuẫn trong sinh hoạt
Bà Đào Thị Thìn (thôn 1, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị được can thiệp và cho rằng Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân giải quyết vụ việc của bà không khách quan. Bà Thìn phản ánh: khoảng 19h30’ ngày 24/4/2016, bỗng dưng nhà bà bị ném đá, bức xúc nên bà đứng trong nhà chửi một câu. Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Thạch là Công an viên xã Xuân Bái lao xe máy từ ngoài vào sân nhà bà, dùng dùi cui đánh bà Thìn. Bà Thìn cầm ống đồng là dụng cụ nấu rượu hình tròn bằng nửa cổ tay để chống đỡ… Hai người giằng co nhau, ông Thạch đã dùng vật cứng đập nát bàn tay phải, đánh mạnh vào đầu làm bà Thìn bất tỉnh, sau đó, bà Thìn được hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi huyện Ngọc Lặc, bà Thìn được chẩn đoán “đa chấn thương, lún sọ não, dập nát ngón 4 bàn tay phải do bị đánh”. Sau 17 ngày điều trị, bà Thìn xin xuất viện. Nhưng về nhà vẫn bị nôn mửa, chóng mặt nên bà được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, rồi phải chuyển đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa điều trị.
Sau khi bà Thìn có đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân trưng cầu giám định, kết quả bà Thìn bị mất 3% sức khỏe. Không tin tưởng kết quả giám định, bà Thìn khiếu nại, đề nghị được giám định lại sức khỏe, kết quả giám định lại, tỉ lệ tổn hại sức khỏe của bà Thìn là 5%. “Đầu năm 2019, tôi lại nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân thông báo tôi bị mất thêm 6% sức khỏe, tổng cộng tỉ lệ thương tật của tôi là 11%, nhưng không thấy cơ quan này khởi tố vụ án để điều tra, xử lý?”, bà Thìn phản ánh.
|
|
Bà Thìn bị cắt bỏ 1,5 đốt ngón tay (ảnh trái). Thông báo kết luận giám định với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể 11% (ảnh phải). |
Mâu thuẫn từ hồ sơ vụ án
Tại Thông báo số 24 ngày 10/9/2016 của Công an huyện Thọ Xuân về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, đối với bà Thìn có nội dung: “Không đủ căn cứ chứng minh thương tích của bà do ông Thạch dùng đá và gậy cao su đập gây nên, theo như tố cáo của bà”.
Sau khi bà Thìn khiếu nại, đề nghị được giám định lại thương tích và được giám định thêm về tâm thần, ngày 28/9/2016, tại Công văn số 88 trả lời công dân, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân trả lời: việc bà Thìn đề nghị giám định lại thương tích là không có căn cứ; bà không thuộc trường hợp phải giám định tâm thần; không đủ căn cứ chứng minh thương tích của bà do ông Thạch dùng đá và gậy cao đập gây nên, theo như tố cáo của bà.
“Căn cứ khoản 2 Điều 107; Điều 108 BLTTHS; ngày 10/9/2016, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, xảy ra ngày 24/4/2016 tại thôn 1 xã Xuân Bái. Chuyển xử lý hành chính đối tượng theo quy định của pháp luật”.
Bà Thìn không đồng ý và tiếp tục có đơn đề nghị được giám định lại. Tại Thông báo số 97 ngày 31/7/2017 gửi bà Đào Thị Thìn của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân, thông báo kết quả giám định theo Kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 21/7/2017 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, về tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể: Xác định tổng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của bà Thìn tại thời điểm giám định là 5%.
Tuy nhiên, ngày 15/1/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân lại có Thông báo số 38, “thông báo cho bà Đào Thị Thìn là bị hại về kết luận giám định trên như sau: Trước, trong khi xảy ra vụ việc, bà Thìn không có bệnh tâm thần.
Tại thời điểm giám định, bà Thìn có biểu hiện các rối loạn tâm căn khác (tâm căn suy nhược).…Căn cứ áp dụng điểm 2 mục IX, bảng 2, chương I của Bảng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT thì tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh lý rối loạn tâm thần và hành vi của bà Thìn tại thời điểm giám định là 6%. Áp dụng theo Công văn số 7152 ngày 28/9/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổng hợp tỉ lệ tổn thương cơ thể thì tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của bà Thìn là 10,7% (làm tròn là 11%).
Bệnh này là do yếu tố sang chấn tâm lý liên quan đến việc bà Thìn bị đánh ngày 24/4/2016 gây ra”. Thông báo này căn cứ vào Bản kết luận giám định ngày 3/1/2019 của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
Tuy nhiên, từ khi nhận được thông báo về kết quả giám định đến nay, bà Thìn không được biết cơ quan chức năng xử lý thế nào đối với vụ việc của bà, có tiếp tục điều tra vụ án hay không; thương tật của bà xử lý thế nào? Bà Thìn cũng thắc mắc, vụ việc ông Thạch đánh bà có nhiều người chứng kiến và làm chứng, như ông Đỗ Viết Cao, bà Trần Thị Xuyên,… tuy nhiên, Cơ quan CSĐT lại chỉ công nhận ông Đỗ Viết Cao là nhân chứng duy nhất, khai báo với nội dung không đúng bản tường trình của ông Cao sau này, là không đúng sự thật.
Thông báo của Công an huyện không đề cập đến việc ông Thạch đã sử dụng dùi cui để làm gì, trong khi nhiều người khẳng định khi đến nhà bà Thìn, ông Thạch mang theo dùi cui, khi chạy ra khỏi cổng nhà bà thì ông này vẫn cầm theo dùi cui? Vật nào tác động để bà Thìn phải cắt đi 1,5 đốt ngón tay và bị lún sọ não trước khi vào viện?...