Báo chí nghề nguy hiểm

Một buổi sáng cách đây hơn 10 năm, ngay trước cổng cơ quan, nhà báo Xuân Đương, phóng viên (PV) Báo Khánh Hòa bị hai đối tượng đi xe máy áp sát. Đối tượng ngồi sau cầm dao đâm một nhát vào sườn bên trái nhà báo Xuân Đương rồi tăng ga chạy mất. Nhà báo Xuân Đương được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Rất may, vết đâm đã không nguy hiểm đến tính mạng. Là một cây bút chống tiêu cực có nghề, nhà báo Xuân Đương cho biết, bản thân đã từng 5 lần bị các đối tượng ẩn danh đe dọa.

Thời gian gần đây, tình trạng nhà báo, PV bị đe dọa, hành hung có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Trưa ngày 11/3/2018, hai PV của Báo Khánh Hòa sau khi vào vùng rừng thượng nguồn xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh để xác minh thông tin bảo kê, khai thác khoáng sản trái phép, trên đường trở ra họ đã bị một nhóm người chặn đường. Ngoài bị lột đồ, tịch thu giấy tờ, tiền bạc, phương tiện tác nghiệp, hai PV này còn bị nhóm người đó hành hung và giam lỏng tại khu lán trại trong rừng từ 17h đến 22h mới cho về.

leftcenterrightdel
Phóng viên Nguyễn Thị Liên từng bị đe dọa giết cả nhà vì những thông tin về vụ “bảo kê” ở chợ Long Biên. 

Đầu tháng 12/2018, khi những điều tra, phản ánh về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên, Hà Nội, đang “nóng” trên truyền hình và báo chí, PV Nguyễn Thị Liên (VTV) nhận được tin nhắn đe dọa từ số máy lạ: “Mày dừng lại đi, đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày”. Tiếp sau đó là tin nhắn: “Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”.

Ngày 2/4/2019, hai PV tại Lâm Đồng đóng vai ông chủ doanh nghiệp tới Ban Quản lý (BQL) dự án huyện Đạ Huoai để mua hồ sơ mời thầu công trình Trụ sở làm việc Huyện ủy Đạ Huoai, mục đích điều tra dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu, theo tố cáo của nhà thầu. Sau khi bị chủ đầu tư gây khó dễ, tìm nhiều lý do để “né” việc bán hồ sơ mời thầu, hai PV đã bị những đối tượng lạ hành hung, quăng cả đống dao trước mặt PV để… dằn mặt. 

Gần đây nhất, ngày 3/5/2019, có một phụ nữ và một người đàn ông liên tục gọi điện chửi bới, mạt sát nhà báo Tấn Lộc- PV Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, cho là PV đã viết báo đụng đến quyền lợi của họ trong một vụ kiện dân sự. Hai người này nói sẽ cho người giết chết cả gia đình, “xử” cả 2 con của PV Tấn Lộc, đồng thời liên tục dùng nhiều lời lẽ khủng bố, đe dọa tính mạng, tinh thần PV Tấn Lộc.

Chế tài xử lý chưa quyết liệt?

Trở lại vụ nhà báo Xuân Đương (Báo Khánh Hòa) bị đâm. Sau một thời gian ồn ào trên báo chí, sau những tuyên bố khá quyết liệt của Cơ quan điều tra (CQĐT) cùng những công văn kiến nghị của cơ quan chủ quản, cuối cùng, vụ việc bị chìm vào quên lãng và chưa bị khởi tố. Cơ quan chức năng thì không tìm ra hung thủ!.

Đối với vụ hai PV Báo Khánh Hòa bị hành hung, lột đồ, điều đáng lưu ý trong vụ việc này, các đối tượng có dấu hiệu giữ người trái pháp luật. Và, người “đạo diễn” việc giữ hai PV lại chính là Trưởng Công an xã Khánh Thành, ông Nguyễn Thanh Bình. Tròn một tháng sau đó, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đưa ra lời xin lỗi công khai đối với hai phóng viên. Vụ việc lặng lẽ được khép lại!

Vụ 2 PV tại Lâm Đồng mua hồ sơ mời thầu bị hành hung, dằn mặt, sau quá trình xác minh, từ chỗ 2 PV bị các đối tượng hành hung, dằn mặt; và có dấu hiệu tiêu cực trong đấu thầu, thế nhưng, cơ quan chức năng lại kết luận, PV bị hành hung là do xe của các đối tượng bị xe của PV chèn ép trên đường di chuyển, điều mà hai PV khẳng định không đúng sự thật. Còn đối với vụ nhà báo Tấn Lộc bị dọa giết, sau khi có nhiều văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đến nay, sau hơn một tháng, vẫn chưa có thông tin gì về vụ việc. 

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với báo chí, TS Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), cho rằng, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo được đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo có nhiều thuận lợi, đặc biệt hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, những quy định của Nhà nước về hành nghề của nhà báo, về quá trình tác nghiệp của nhà báo được ban hành kịp thời và sát với đòi hỏi thực tế. Mặt khác, từ đầu năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cũng là một nội dung rất quan trọng để bản thân nhà báo phấn đấu và tự bảo vệ cũng như có được những quan hệ hành nghề tốt nhất. Cùng với đó, trách nhiệm của cơ quan báo chí, ý thức của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền, nhận thức của bản thân người làm báo đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, còn có những mặt không tích cực. Một trong những biểu hiện bức xúc nhất là, đây đó vẫn còn xảy ra tình trạng cản trở, thậm chí là đe dọa đến quá trình tác nghiệp của PV. Sự nguy hiểm trong hoạt động nghề báo chưa bao giờ xuất hiện nhiều như hiện nay. Điều này đặt ra sự cần thiết bổ sung những cơ chế cụ thể để các cấp chính quyền, các cấp Hội Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của người làm báo.  

leftcenterrightdel
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử. 

Luật sư Nguyễn Minh Tâm- Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhìn nhận, vai trò của nhà báo trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được pháp luật xác định rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ nhà báo trong các trường hợp nhà báo khi tác nghiệp bị cản trở, thậm chí bị đe dọa, hành hung hoặc bị trả thù sau khi công bố kết quả phát hiện, xác minh, thu thập thông tin. Một số vụ việc nhà báo chịu hậu quả của hoạt động tác nghiệp vẫn chưa được xử lý triệt để, hoặc nếu có xử lý cũng chỉ theo lối tư duy “dĩ hòa vi quý” hoặc “hòa cả làng” dẫn đến hiện tượng nhiều nhà báo không dám dấn thân, thậm chí có người chán nản mà bỏ nghề… Đây là một hiện tượng đáng báo động trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà báo trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, nhận định, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc nhà báo bị đe dọa, bị cản trở hoạt động, bị thu giữ phương tiện, bị hành hung, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng không chỉ của cá nhân nhà báo mà người thân của họ cũng chịu sự ảnh hưởng, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề bảo vệ các nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà báo là một vấn đề lớn trong hoạt động báo chí. Nhiệm vụ này không phải chỉ riêng của các cơ quan báo chí, không chỉ của HNBVN mà là của cả hệ thống pháp luật và hệ thống chính trị - xã hội. Bởi vì, hoạt động của nhà báo trên phạm vi vừa rộng, vừa sâu và nó có liên quan đến rất nhiều đối tượng ở trong xã hội khi nó góp phần đưa thông tin ra xã hội để làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Hoạt động của nhà báo tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, vì thế quyền hành nghề đó cần được sự bảo vệ thích đáng. “Chúng ta có bảo vệ được nhà báo thì chúng ta mới làm sáng tỏ sự thật, chúng ta mới bảo vệ được công lý, lẽ phải. Nếu người đi làm sáng tỏ sự thật mà bị đe dọa, bị tấn công thì lấy đâu ra lực lượng, lấy đâu ra phương tiện, vũ khí để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. Bảo vệ các nhà báo chính là bảo vệ môi trường dân chủ - một xã hội mà ở đó, cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực và cái thiện phải thắng được cái ác”- Nhà báo Hồ Quang Lợi nói.

Nguyễn Huân