Được cử đi lao động ở nước ngoài về... bị mất việc 

Bà Trương Thị Trại (SN 1950) công tác tại Đoàn khảo sát lòng sông, Vụ Đê điều từ năm 1973. Tháng 10/1981, bà được lãnh đạo Vụ Đê điều chuyển công tác đến Sở Thủy Lợi Hà Nội, sau đó được chuyển về công tác tại Xí nghiệp Xây dựng Thủy Lợi. Năm 1982, bà được điều chuyển về công tác tại Xí nghiệp Quản lý nhà Đống Đa. 

Năm 1988, Xí nghiệp Quản lý nhà Đống Đa và UBND quận Đống Đa cử bà Trại đi lao động tại Liên Xô (cũ), làm công nhân ở nhà máy dệt lanh Ucraina. Đến tháng 12/1994, bà Trại hoàn thành nghĩa vụ về nước. Trên đường đi mua vé máy bay, bà Trại bị mất túi xách, trong đó có giấy tờ hoàn thành nghĩa vụ lao động và hộ chiếu. Sau đó, bà được Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina cấp lại hộ chiếu và giấy thông hành để đảm bảo về nước đúng thời gian của vé máy bay đã đặt, còn giấy tờ sẽ được Đại sứ quán gửi về cơ quan sau. 

Khi bà Trại về nước, cũng là thời điểm Xí nghiệp Quản lý nhà Đống Đa tinh giản biên chế nên không giải quyết việc làm cho bà và những người đi lao động nước ngoài về. Cơ quan cũng hứa hẹn, sẽ giải quyết các chế độ, bảo hiểm cho bà Trại khi nhận được giấy tờ từ Đại sứ quán. Tuy nhiên, sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina xác nhận đã gửi giấy tờ của bà Trại về Việt Nam nhưng cơ quan bà Trại không nhận được, nên từ thời điểm đó đến hiện tại, bà không được giải quyết chế độ.

leftcenterrightdel
Bà Trương Thị Trại (ảnh nhỏ). Ông Nguyễn Ngọc Chấn, chồng bà Trại (ảnh lớn). 

Cả thập kỷ đi một vòng về... điểm xuất phát

Trao đổi với Phóng viên qua điện thoại, bà Trương Thị Trại (hiện đang đi chữa bệnh) cho biết: “Thời gian công tác của tôi liên tục từ năm 1973 đến năm 1994, trong đó có 15 năm 4 tháng công tác trong nước và 6 năm 4 tháng lao động ở Ucraina.

Tháng 3/2011, tôi đến cơ quan đề nghị giải quyết chế độ nhưng không được với lý do Xí nghiệp Quản lý nhà Đống Đa đã được sáp nhập vào Công ty Kinh doanh nhà số 1 Hà Nội (trực thuộc UBND TP Hà Nội) nên không còn trực thuộc quận Đống Đa.

Lãnh đạo Công ty xác nhận và hướng dẫn tôi làm BHXH cho thời gian công tác và đi lao động nước ngoài về cơ quan tinh giản biên chế không có việc làm và chưa được giải quyết chế độ. Đồng thời, Công ty còn hướng dẫn, việc làm BHXH thuộc UBND quận Đống Đa vì khi sáp nhập về Công ty Kinh doanh nhà ở số 1, UBND quận Đống Đa không bàn giao hồ sơ của những người đang nghỉ chờ chế độ. Vì vậy, UBND quận Đống Đa sẽ là nơi lập hồ sơ để hưởng BHXH cho tôi”. 

Tuy nhiên, khi bà Trại mang hồ sơ và các quyết định về thời gian công tác của bản thân đến Phòng Nội vụ quận Đống Đa nộp và xin giải quyết chế độ thì nhận được câu trả lời: Phòng Nội vụ quận Đống Đa không tìm thấy hồ sơ cá nhân của bà Trại. Tiếp theo, bà Trại được BHXH Hà Nội tư vấn các thủ tục để giải quyết chế độ đối với trường hợp bị mất hồ sơ gốc.

Hành trình cả 10 năm nay, bà Trại cùng chồng là ông Nguyễn Văn Chấn đi xin xác nhận của những lãnh đạo cũ tại Đoàn khảo sát lòng sông, Vụ Đê điều, Sở Thủy Lợi và UBND quận Đống Đa về thời gian công tác, diễn biến tiền lương để hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi đã hoàn thiện hồ sơ thì ông bà được hướng dẫn đi theo một vòng từ  Phòng Nội vụ quận Đống Đa, Sở Nội vụ Hà Nội, UBND quận Đống Đa, UBND TP Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi đi hết một vòng để làm theo hướng dẫn của cán bộ chuyên trách thì hồ sơ của ông bà lại trở về... điểm xuất phát. 

Về giấy tờ liên quan đến thời gian lao động của bà Trại tại Ucraina, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) xác nhận về việc Đại sứ quán Ucraina không có phúc đáp về đề nghị tra cứu thông tin liên quan đến thời gian bà công tác tại nơi đây (khi đó Ucraina vẫn thuộc Liên Xô cũ). Vì vậy, bà Trại có nguyện vọng xin không làm chế độ của thời gian đi công tác nước ngoài. 

Ông Nguyễn Ngọc Chấn (chồng bà Trại, nay đã ngoài 70 tuổi), tâm sự: “Cực chẳng đã, tôi có mặt ở các buổi tiếp công dân của UBND TP Hà Nội, UBND quận Đống Đa nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Thôi thì, vợ tôi làm mất hồ sơ thời gian ở nước ngoài, cũng chỉ mong giải quyết chế độ trong thời gian công tác trong nước, vì hồ sơ bị mất ở quận Đống Đa là do UBND quận làm mất, nhưng cũng đã được hoàn thiện theo hướng dẫn của các Sở, ban ngành rồi mà vẫn không được”. 

Liên hệ với các cơ quan chức năng của UBND quận Đống Đa, thông tin mà Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật nhận được, gần đây nhất, lãnh đạo UBND quận Đống Đa đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội yêu cầu xem xét giải quyết chế độ BHXH cho bà Trại, thời gian làm việc trong nước là 15 năm 1 tháng, còn thời gian đi hợp tác quốc tế của bà Trại do thất lạc giấy tờ và chưa có xác nhận của Cục Hợp tác Quốc tế nên chưa xem xét giải quyết. 
Hi vọng lần này, đề nghị của bà Trại về chế độ BHXH sẽ được giải quyết. 

Hà Nhân