Năm 2018, UBND tỉnh Bắc Giang công bố huyện Việt Yên đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và là huyện thứ 56 đạt danh hiệu này trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, sau thành tích này, đã xảy ra những lùm xùm xung quanh việc xây dựng NTM tại địa phương khi người dân thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn có đơn thư phản ánh, cán bộ xã này đã lợi dụng chính sách xây dựng NTM để nâng khống giá trị của tuyến đường cần xây dựng.
Cụ thể, năm 2016, UBND xã Trung Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Đường trục chính thôn Tân Sơn từ Cầu 3 đến Nghĩa trang thôn với mục tiêu cải thiện điều kiện đi lại của người dân trong thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
|
|
Tuyến đường mà người dân cho rằng đã bị nâng khống chi phí lên hàng trăm triệu đồng. |
Theo Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu xây lắp công trình này của UBND xã Trung Sơn, tổng dự toán được duyệt là 401,6 triệu đồng, trong đó 301,6 triệu đồng là từ ngân sách Nhà nước và 100 triệu đồng huy động người dân đóng góp. Chi phí xây dựng tuyến đường được duyệt là 336 triệu đồng và Công ty TNHH MTV xây dựng Hải Thọ được chỉ định thi công công trình.
Tuyến đường có tổng chiều dài 255,44m được phê duyệt có kết cấu mác 250# dày 20cm, đệm cát tạo phẳng, chiều rộng mặt đường Bm =3m, chiều rộng lề đường B1 = 0,5m, cứ 5m bố trí 1 khe co, 1 khe giãn, được thực hiện xong và đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán trong năm 2017. Tuy nhiên, do có tiền nhân dân đóng góp để xây dựng công trình nên khi kiểm tra và so sánh với các tuyến đường bê tông cùng loại được xây dựng cùng thời điểm trong xã, người dân tính toán thấy giá thành đoạn đường 255,44 m đã đội giá lên tới 2,6 triệu đồng/m3 bê tông, cao gấp 3 lần so với bình thường.
Bằng chứng là người dân so sánh với công trình mà chính họ đứng ra làm ở xóm Giữa, thôn Tân Sơn, có chiều dài 343m, rộng 3,5m, dày 0,20m=240,1m3 bê tông. Tổng chi phí đoạn đường này là gần 141 triệu đồng và bằng tiền đóng góp của người dân. Hay đoạn đường bê tông trên đê từ Trạm bơm đến Nghĩa trang dài 387m, có khối lượng bê tông 156,7m3 thì giá thành cũng chỉ trên 900.000 đồng/m3 bê tông.
Từ việc so sánh với một số công trình khác cho thấy có sự chênh lệch quá lớn về chi phí, người dân đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, phản ánh có sự gian lận trong dự toán đầu tư cho đoạn đường 255,44 m ở thôn Tân Sơn. Họ cho rằng, nhóm lãnh đạo thôn, xã đã dự toán cao lên 401,6 triệu đồng, trong khi kinh phí cho tuyến đường có giá thành chỉ trên, dưới 200 triệu đồng (?!). Sau khi đưa vào sử dụng, phát hiện bất thường trong việc xây dựng tuyến đường này, người dân đã phản ánh lên Đảng ủy, UBND xã cũng như Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên đề nghị làm rõ.
Đến tháng 11/2018, sau những phát hiện của người dân, UBND xã Trung Sơn cam kết sẽ rút 100 triệu đồng tiền người dân đã đóng góp để trả lại cho thôn làm thêm tuyến đường từ Trạm bơm đi Nghĩa trang thôn, đổi lại người dân sẽ rút đơn tố cáo. Tuy nhiên, theo người dân, việc trả lại số tiền 100 triệu đồng từ dự án làm đường này là kết quả của 2 năm đi tố cáo, khiếu kiện của một số người dân thôn Tân Sơn. Người dân yêu cầu có sự minh bạch trong vụ việc làm đường NTM này và phải xử lý nghiêm cá nhân sai phạm. Thế nhưng, khi nói đến trách nhiệm trong sự việc này của cán bộ thôn, xã nơi đây thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật về việc dự án làm đường bị người dân khiếu nại và việc trả lại 100 triệu đồng cho dân, ông Nguyễn Viết Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho rằng, dự án làm đường nông thôn mới đã có các quyết định cụ thể và không đưa ra bình luận, còn số tiền thì không phải là trả lại cho dân mà hỗ trợ lại cho dân. Tuy nhiên, khi PV hỏi về nguồn tiền này lấy từ đâu để hỗ trợ dân thì ông Phó Chủ tịch nói, vấn đề tài chính ông không nắm được mà đồng chí Chủ tịch sẽ nắm rõ hơn (?).
Đem những thắc mắc của người dân thôn Tân Sơn, xã Trung Sơn lên hỏi UBND huyện Việt Yên, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Công trình xây dựng đường nông thôn mới thì có giá làm đường khác nhau. Nếu công trình thi công đặc thù, tức là người dân đóng góp tiền để làm đường và tự giám sát quá trình thi công thì giá thành sẽ ít hơn so với cách làm thông thường khi không phải mất chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí dự phòng...Tuy nhiên, theo cách làm thông thường thì giá thành cũng chỉ đắt hơn khoảng 3% chứ không thể gấp 3 lần. “Thông tin dự toán dự án đường nông thôn mới đội cao lên gấp 3 lần, tôi sẽ chỉ đạo Thanh tra huyện vào cuộc làm rõ. Còn những khiếu nại của người dân, huyện sẽ mời người đứng đơn lên chốt các nội dung tố cáo.Nội dung tố cáo lãnh đạo xã thì cấp huyện giải quyết còn trưởng thôn thì để cấp xã giải quyết” - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên khẳng định.
Câu chuyện làm đường NTM hay việc lấy đất canh tác để mở rộng khu dân cư phục vụ NTM ở xã Trung Sơn, huyện Việt Yên có nhiều kẽ hở như thế nào, Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới Quý độc giả.