Bí thư xã bị “tố” xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý

Bà Thái Thị Bé, nguyên cán bộ Nông nghiệp đã nghỉ hưu, hiện là hội viên Hội người cao tuổi thôn 7, xã Phúc Trạch, tố cáo đến các cơ quan chức năng việc gia đình ông Phạm Quang Ngọ - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch nhiều năm nay sử dụng hàng nghìn m2 đất sai mục đích. 

Theo đơn tố cáo, bà Thái Thị Bé cho biết, ông Phạm Quang Ngọ là một Bí thư Đảng ủy xã đã có những dấu hiệu sai phạm trong việc lấn chiếm, sử dụng đất. Đáng nói hơn, trong khi một số hộ dân gần đó có hành vi lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích tương tự thì bị xử lý, còn hộ ông Ngọ thì không, khiến dư luận bức xúc.

Sự việc bắt đầu từ tháng 3/2001, gia đình ông Phạm Quang Ngọ được UBND xã Phúc Trạch cấp 2500m2 đất ở xứ “Bại Mai Vằm Mồ” để lập vườn trồng bưởi Phúc Trạch.

Trong biên bản cấp đất ngày 20/03/2001 do ông Phạm Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã thời đó ký ghi rõ: “Hộ ông (bà) Phạm Quang Ngọ có quyền sử dụng khu đất trên vào mục đích trồng bưởi Phúc Trạch trong thời gian từ ngày 20/03/2001 đến hết ngày 20/03/2007. Phải trồng xong bưởi trên diện tích được giao. Nếu ông (bà) sử dụng phần đất được giao trên vào mục đích khác thì UBND xã Phúc Trạch sẽ thu hồi và không được đền bù bất cứ một khoản chi phí nào. Và trên diện tích đất được giao này cho phép sử dụng 300m2 để làm nhà bảo vệ. Kể từ ngày cấp đất, ông (bà) Ngọ phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Đất đai và thuế sử dụng đất”.

Quy định là vậy, nhưng từ khi được UBND xã Phúc Trạch giao đất, gia đình ông Ngọ chỉ trồng rất ít cây bưởi cho “có lệ”, còn lại phần lớn diện tích trồng cây gió trầm. Ngoài ra, ông Ngọ còn xây dựng ngôi nhà kiên cố để cả gia đình sinh sống, xây dựng khuôn viên chăn nuôi, làm cửa hàng để kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa suốt nhiều năm nay…

leftcenterrightdel
 Trên phần diện tích đất được giao để trồng bưởi, gia đình ông Ngọ đã xây nhà kiên cố, trồng cây gió trầm, chăn nuôi, làm cửa hàng kinh doanh...
Nghi vấn làm giả hồ sơ để chiếm dụng đất?

Ngoài việc sử dụng đất sai mục đích như trên, người dân còn tố cáo gia đình ông Phạm Quang Ngọ có dấu hiệu làm giả hồ sơ để lấn chiếm đất công và hợp thức hóa phần đất đã được giao để trồng bưởi trước đó thành đất sử dụng riêng.

Vẫn theo phản ánh của bà Thái Thị Bé: “Trước đây vùng đất xứ Dằm Mồ là đất của Hợp tác xã cho hội phụ lão mượn để gây quỹ, thời đó ông Phạm Quang Dung (là bố đẻ của ông Phạm Quang Ngọ) làm tổ trưởng. Sau đó, đến năm 2001, UBND xã giao phần đất cho ông Ngọ để lập vườn trồng bưởi. Nếu ông Ngọ không sử dụng đúng mục đích thì hết thời gian theo biên bản phải trả lại đất cho xã chứ sao lại xây nhà kiên cố, mở cửa hàng kinh doanh trên đất này...?” - bà Bé thắc mắc.

Theo tài liệu mà người dân tố cáo cung cấp thì trong “Giấy chấp nhận chuyển nhượng đất” ông Ngọ trình cho cơ quan chức năng có đoạn như sau: “Chúng tôi gồm các hộ dân sau có sử dụng D.T (diện tích) đất tại xứ đồng “Dằm Mồ” của anh Hồng, Trang thuộc diện đất thầu hội phụ lão xóm 7.

Nay chấp nhận chuyển nhượng lại cho anh Phạm Q. Ngọ chuyển đổi sang làm vườn trồng bưởi Phúc Trạch theo chủ trương của cấp trên. Đề nghị UBND xã chấp nhận giải quyết để hộ anh Ngọ hàng năm giao nạp thuế cho Nhà nước”. 

Sau đó, ông Phạm Quang Ngọ đã hợp thức hóa được thêm 1.200m2 đất trồng lúa thành đất vườn trồng bưởi, nâng tổng số diện tích đất gia đình ông sử dụng từ 2500m2 lên 3700m2...

Nay người dân đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ những nghi vấn trên, để trả lại số diện tích đất lấn chiếm này cho Nhà nước (nếu tố cáo là đúng), nếu không cũng phải làm rõ để công khai cho người dân biết, tránh việc khiếu kiện kéo dài.

Người ta làm nhà gỗ, còn ông Ngọ xây nhà kiên cố

Thông tin về vụ việc trên, ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, việc bà Thái Thị Bé tố cáo đồng chí Phạm Quang Ngọ là từ năm 2004 trở lại đây. Có 4 nội dung tố cáo, trong đó nội dung chính là thuê đất hội phụ lão sử dụng sai mục đích và xây dựng nhà trái phép; bớt xén tiền công trình thủy lợi.

Theo ông Khánh, năm 2006, UBND huyện Hương Khê đã có Kết luận thanh tra số 146 ngày 25/9/2006 về những nội dung bà Bé tố cáo, sau đó, Thường vụ Huyện ủy đã có quyết định kỷ luật ông Phạm Quang Ngọ với hình thức cảnh cáo (thời điểm đó, ông Ngọ là Đảng ủy viên, Chủ nhiệm HTX Phúc Trạch). Gần đây nhất thì có Kết luận 113 ngày 31/10/2017 của Thanh tra huyện,  có nêu đất của ông Ngọ nằm ngoài diện tích vùng quy hoạch trồng bưởi và có danh sách đủ điều kiện để cấp giấy CNQSDĐ. 

“ Trong tổng diện tích đất khi được giao là 2500m2 để trồng bưởi nhưng giờ đo lại là trên 3700m2, trong đó có một phần diện tích là đất hai lúa, một phần đất màu của Hợp tác xã cho Hội người cao tuổi mượn gây quỹ và một số diện tích đất hồ, ao, bụi..., trong đó có 300m2 để làm nhà tạm bảo vệ, tuy nhiên “người ta thì làm nhà gỗ còn ông Ngọ thì làm nhà xây kiên cố”, ông Khánh khẳng định.

Về góc độ của một người lãnh đạo địa phương thì đối với việc bà Bé phản ánh các tiêu cực đưa lên công chúng những việc làm sai trái, về quan điểm chúng tôi hoàn toàn đồng tình. Bởi nó giúp cho những người quản lý nhà nước đỡ làm sai, nếu có sai thì cũng có xử lý kịp thời. Việc bà Bé tố cáo là hoàn toàn không vì mục đích cá nhân, mà chỉ muốn tốt cho xã hội. Nhiều trường hợp kiện cáo dù ít dù nhiều cũng có một tí cá nhân nhưng đối với bà Bé thì không - ông Khánh nói.

Trong Kết luận thanh tra của UBND huyện Hương Khê năm 2017 có kết luận: công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch  của UBND xã Phúc Trạch còn buông lỏng, trong quá trình sử dụng đất trồng bưởi còn để tình trạng tự ý chuyển đổi cây trồng không đúng mục đích, dựng nhà ở trái phép trên đất quy hoạch trồng bưởi (171 hộ đã làm nhà ở kiên cố trên đất giao trồng bưởi); để một số hộ tự ý tách thửa không đúng quy hoạch, nhưng UBND xã Phúc Trạch không có biện pháp xử lý…Kết luận thanh tra này yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm đã được UBND huyện nêu rõ tại Kết luận thanh tra số 146 ngày 25/9/2006.

Như vậy, có thể thấy, sự việc bà Thái Thị Bé tố cáo ông Phạm Quang Ngọ sử dụng đất sai mục đích, nhận chuyển nhượng đất trái phép đã được đề cập đến trong Kết luận thanh tra năm 2006 và đã có những hình thức xử lý sai phạm. Tuy nhiên, đến nay người tố cáo, phản ánh vẫn không đồng tình, bức xúc cho rằng việc xử lý của chính quyền địa phương chỉ mang tính chiếu lệ, “giơ cao đánh khẽ”, không công bằng. Vì vậy, thiết nghĩ, tố cáo của người dân cần phải được xem xét, giải quyết dứt điểm  để có kết luận chính xác, có hình thức xử lý triệt để hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Đặng Thùy - Bá Thanh