Sau khi báo Bảo vệ pháp luật phản ánh rừng phòng hộ Đắkrông bị tàn phá, liên ngành cấp tỉnh, huyện ở Quảng Trị đã vào cuộc kiểm tra, truy quét. Kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu đã xác định 35 gốc cây bị chặt hạ, với khối lượng gỗ là 32,5m3 gỗ quy tròn. Thu giữ tại hiện trường 20,141m3 gỗ, dư tang số tối thiểu theo quy định của BLHS để khởi tố vụ án.

Rừng bị xâm hại 32,5m3 gỗ

Khi vụ việc được phóng viên phát hiện, phản ánh trên báo Bảo vệ pháp luật (cả báo in và báo điện tử), xác định đây là nguồn tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát, trực tiếp KSV cao cấp Phạm Văn Cần - Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông nắm nội dung vụ việc, báo cáo Viện trưởng VKSND tỉnh để nắm, chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/5, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Quảng Trị đã có công văn chuyển tải nội dung báo Bảo vệ pháp luật phản ánh, cũng như truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị, yêu cầu Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ.


 Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị.

12 ngày sau, Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông đã có báo cáo theo yêu cầu. Tại báo cáo số 94/BC-VKS ngày 29/5 do Viện trưởng Lê Đức Thành ký, đã xác định thực trạng rừng bị xâm hại đúng như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh.

Báo cáo nêu rõ: “Báo Bảo vệ pháp luật trong tháng 5/2018 có đăng phóng sự 5 kỳ phản ánh “Rừng phòng hộ vẫn bị tàn phá ghê gớm bất chấp “công lệnh” của Phó Thủ tướng” của tác giả Nguyễn Cường – Bùi Tiến đã phản ánh về tình trạng xâm hại rừng là đúng”.

Tại báo cáo này của Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông, đã cho biết đợt truy quét từ ngày 10 đến 12/5 đã thu giữ 23 hộp gỗ với khối lượng 5,9m3 tại tiểu khu 659A do UBND xã Hướng Hiệp quản lý và 1 xe ô tô BKS 73L-8897, trên xe có 23 hộp gỗ với khối lượng 6,6m3.

10 ngày sau, Hạt kiểm lâm huyện Đắkrông tiếp tục phối hợp với Cơ quan điều tra, VKSND huyện kiểm tra, khám nghiệm hiện trường khu vực rừng bị xâm hại, đã xác định có 35 gốc cây bị chặt hạ, với khối lượng gỗ là 32,5m3 quy tròn. Ngoài ra, theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 658 (thuộc địa phận xã Hướng Sơn – Hướng Hóa) có 10 gốc cây bị chặt hạ, đường kính 30 – 40cm, thuộc nhóm III – VIII.


 Báo cáo của VKSND huyện Đắkrông cho biết rừng bị xâm hại, có 35 gốc cây bị chặt hạ, với khối lượng gỗ là 32,5m3 

Đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Đắkrông đang tạm giữ tang vật liên quan đến vụ phá rừng này là 46 hộp gỗ, với khối lượng 20,141m3 và 1 xe ô tô BKS 73L- 8897.

Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị, KSV cao cấp Phạm Văn Cần cho biết, đây là vụ việc phá rừng nghiêm trọng, do báo ngành Kiểm sát phát hiện phản ánh, là nguồn tin báo, tố giác tội phạm nên sau khi nhận được báo cáo của VKSND huyện Đắkrông, VKSND tỉnh Quảng Trị đã báo cáo VKSND tối cao để nắm, chỉ đạo. Hiện VKSND tỉnh đã giao cho 1 đồng chí Phó Viện trưởng trực tiếp kiểm tra, giám sát vụ việc.

“Cơ quan điều tra không khởi tố, VKS sẽ yêu cầu khởi tố”.

Đây là quan điểm của Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị khi trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật xung quanh vụ việc rừng phòng hộ ở Đắkrông bị tàn phá.

Theo KSV cao cấp Phạm Văn Cần, trực tiếp ông đã yêu cầu Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông kiểm tra, báo cáo vụ việc. Đồng thời, tại cuộc họp giao ban các cơ quan tiến hành tố tụng thì VKSND tỉnh sẽ đưa vụ việc này vào và yêu cầu cơ quan điều tra thể hiện quan điểm.

“Bởi vì nguồn tin về tin báo tội phạm đã có rồi thì Cơ quan điều tra phải thụ lý, tiến hành xác minh. Nếu có đủ căn cứ khởi tố thì khởi tố. Quan điểm của mình rõ ràng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố thì mình yêu cầu phải khởi tố” – Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị nói.


 KSV cao cấp Phạm Văn Cần - Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị trong một cuộc họp với lên ngành nội chính tỉnh Quảng Trị.

Quan điểm trên cũng được ông Lê Đức Thành - Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông nhấn mạnh khi trao đổi thông tin với PV báo Bảo vệ pháp luật. Theo ông Thành, thì vụ phá rừng Đắkrông “có dấu hiệu tội phạm là chắc chắn rồi” và tang số dư đủ để khởi tố vụ án về tội khai thác lâm sản trái phép.

“Bây giờ phải giám định về khối lượng và trữ lượng cái đã, để theo Bộ luật hình sự, nếu trên 20 khối thì cấu thành tội khai thác lâm sản trái phép. Ở Đắkrông chặt 35 gốc cây. Hiện chưa giám định, nên chưa thể khởi tố vụ án. Nhưng nếu mà giám định khả năng cũng phải hơn 30 khối. Mà tang số tối thiểu của tội khai thác lâm sản là 20 khối, nên dư đủ để khởi tố vụ án”- Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông cho biết.

Xung quanh vấn đề "ranh giới, thẩm quyền" xử lý

Viện trưởng VKSND huyện Đắkrông cho biết, hiện hồ sơ vụ việc Hạt kiểm lâm huyện đang làm. Sự việc ban đầu đã rõ ràng, nhưng còn liên quan đến ranh giới rừng giữa huyện Đắkrông và huyện Hướng Hóa, vì trong quá trình khám nghiệm hiện trường, có 10 cây bị chặt tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 658 thuộc lâm phần của xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.

“Nếu vụ phá rừng xảy ra tại huyện Hướng Hóa nữa thì thuộc thẩm quyền của tỉnh. Hiện cơ quan chức năng đang xem lại ranh giới, vì án xảy ra ở 2 huyện là án cấp tỉnh”- ông Lê Đức Thành cho biết.


 Pháp luật có quy định CQĐT nơi phát hiện vụ việc có thẩm quyền khởi tố vụ án để điều tra.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề "ranh giới, thẩm quyền" xử lý hậu quả của vụ phá rừng, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị - KSV cao cấp Phạm Văn Cần phân tích: Hiện có 3 cái cơ chế rất là mở, một là thẩm quyền nơi phát hiện tội phạm, nếu tội phạm thực hiện ở nhiều nơi thì nơi cơ quan điều tra phát hiện khởi tố.  Nếu báo chí phản ánh như vậy, thì cơ quan điều tra có quyền thẩm tra nội dung và khởi tố. Còn nếu xảy ra trường hợp tranh chấp thẩm quyền giữa 2 huyện Hướng Hóa và Đắkrông thì Công an tỉnh và Viện kiểm sát tỉnh thụ lý giải quyết.

 

Nguyễn Cường – Bùi Tiến