leftcenterrightdel
"Suối gỗ"  giữa rừng Đăk Rông.

Dẫu còn đó những mối đe dọa vô hình khi người nhà cho biết, có xe ô tô BKS 74… (BKS Quảng Trị) tìm về tận nhà dò hỏi PV Nguyễn Cường, Bùi Tiến… hay những cuộc điện thoại trống không, dọa dẫm song tất cả đều sẽ ở lại phía sau, bởi trước đó, lúc hóa thân xâm nhập vào đại ngàn Đắk Rông, chúng tôi đã xác định sẽ gặp nguy hiểm.

Hóa thân thành “lâm tặc”

“Các anh vào sớm sớm, rừng gần bị chở về xuôi hết rồi…”. Sau cuộc điện thoại thúc giục từ anh bạn người bản xứ, chúng tôi chỉ kịp báo cáo với cơ quan đại diện là thực hiện tuyến điều tra mật, nóng, rồi vội vã lên đường, bắt xe khách vào Quảng Trị ngay trong đêm. 

Gặp nhau tại TP. Đông Hà, 2 “hoa tiêu” người bản địa nhìn chúng tôi từ đầu tới chân rồi lắc đầu: “Như này vào rừng, chỉ có chết”. Rồi dẫn chúng tôi lấy phòng khách sạn ngủ, bảo “mai tính”. 

Sáng hôm sau, 2 “hoa tiêu” đưa chúng tôi ra chợ Đông Hà, mua quần áo “rằn ri”, cùng với dép rọ, võng và vài vật dụng cá nhân. Đến trưa nắng, “hoa tiêu” đưa chúng tôi xuống bãi tắm Cửa Việt, “đẩy” 2 anh em chúng tôi xuống tắm biển, phơi nắng, mục đích để… đen da, vì chúng tôi quá trắng trẻo, thư sinh. Riêng quần áo mới mua, sau khi nhúng nước biển, được đem lên vườn tẩm ít đất và nhựa cây cho cũ đi và muối mồ hôi. 

Chiều tối, khoác lên người bộ quần áo ngụy trang, 2 “hoa tiêu” nhìn chúng tôi gật gù: “Tạm được”. Trước đó, do đã được dặn trước, chúng tôi xóa sạch dữ liệu trong điện thoại, chỉ chụp vội mấy bức hình phong lan, cầm thêm cặp pin dự phòng, gắn thêm camera “cúc áo”, chúng tôi lên Đắk Rông ngủ lại, chờ trời sáng để vào rừng. Trước khi ngủ, một “hoa tiêu” nói: Các anh ngủ đi cho khỏe chân, lấy sức mà chạy, năm ngoái (2017), một cán bộ bảo vệ rừng đi tuần tra, đã bị “lâm tặc” đánh chết trong rừng Đắk Rông đấy!

Rừng sâu khắc nghiệt

Phải đợi đến đầu giờ chiều, 2 “hoa tiêu” mới dẫn chúng tôi vào rừng. Trời nắng như đổ lửa, qua thôn Kreng vào đến cửa rừng, khó khăn đã bắt đầu xuất hiện khi từng đàn ruồi trâu chuyển mục tiêu từ những chú bò thả rông bao vây lấy chúng tôi. Dẫu đã buộc chặt ống tay, ống quần, chúng tôi vẫn bị nhiều vết cắn xuyên áo, quần. “Loại này lì lắm, chúng sẽ theo ta cả chặng đường…”- “hoa tiêu” tên N nói. Và đúng như vậy, chỉ đến khi vào rừng cả chục km, mưa rừng xuất hiện thì đám ruồi trâu này mới buông tha chúng tôi.

leftcenterrightdel
Xót xa trước những cây gỗ to 2-3 người ôm bị "đốn hạ". 

Mưa rừng - dẫu đã được “hoa tiêu” lường trước, nhưng đến sớm hơn dự kiến. Mưa như trút, sấm chớp rung cả cánh rừng. “Hoa tiêu” bắt chúng tôi phải đi dưới mưa, không chỉ đi trong mưa khỏe chân hơn, mà là sợ nước suối từ thượng nguồn đổ về, khi chúng tôi đang đi men dọc con suối. Con đường xuyên rừng vốn đã bị xe chở gỗ cày nát, nay mưa xuống, ngập lối, bùn lầy trơn trượt, có chỗ bùn nước ngập tới ngang cả đầu gối. Cả 4 chúng tôi cắm cúi đi trong ánh chớp và sấm nổ ầm ầm trên đầu. Thỉnh thoảng trơn té, lồm cồm bò dậy lại đi tiếp.  

Mưa càng lớn, nước suối từ đầu nguồn đổ về càng nhanh khiến cho việc băng qua những con suối càng trở nên khó khăn, nguy hiểm. Có tất thảy 25 đoạn như thế, tuy nhiên, chúng tôi buộc phải chống gậy, kết tay nhau băng qua, nếu không muốn ở lại giữa rừng không nơi trú ẩn, vì phải đi thêm quãng đường nữa mới đến lán trại của “lâm tặc” bỏ lại. Lúc này, nước suối bắt đầu dâng cao, nước chảy cuốn theo những cành cây đâm vào chân đau điếng, những hòn đá gập ghềnh trơn trượt…

Một điều làm anh em chúng tôi tiếc nuối, là không có cách gì ghi lại được hình ảnh hàng chục khúc gỗ nằm lộ thiên bên suối, thành một “suối gỗ” giữa đại ngàn Đắk Rông. Bởi lúc này camera cúc áo đã ướt hết, điện thoại chụp cái được cái nhòe, đành phải nhẩm đếm, ghi nhớ để chờ lúc quay ra ghi lại. 

Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi cũng đến được chiếc lán đầu tiên trong chặng đường khám phá đại ngàn Đắk Rông. Gọi là lán, nhưng thực chất chỉ là 1 tấm bạt màu xanh đã cũ được căng 4 góc để che mưa. Bốn người chúng tôi dựa vào nhau, cùng tìm cách nhóm lửa hong khô quần áo, nấu vội niêu cơm ăn với muối trắng. Rất may, trong lán vẫn còn một số thanh củi khô để chụm lên ngọn lửa xuyên đêm. Vậy nhưng, không ai ngủ được khi vắt, muỗi sau cơn mưa tìm đến bu bám lấy chúng tôi ra sức hút máu.

Những pha “rớt tim” giữa lãnh địa “lâm tặc”

8 giờ sáng, trời tạnh ráo, chúng tôi trở lại con đường hằn vệt lốp ô tô và tiếp tục đi sâu vào rừng. Đôi chân rã rời gắng bước trên những lối bùn còn chưa khô hẳn. Đi được chừng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đến điểm tập kết gỗ của “lâm tặc”. Gỗ xẻ thành hộp, nằm la liệt nối đuôi nhau men theo một lối nhỏ xuống tận suối. Thấy gỗ, anh em chúng tôi mừng quá vội rút máy ra chụp mà quên mất mình đang trong lãnh địa của “lâm tặc”. Một tiếng hú vang lên, chúng tôi vội bỏ điện thoại vào bụng quần, ngồi thụp xuống giả vờ đi vệ sinh. Một đoàn người với cưa lốc từ dưới suối đi lên, nhìn chúng tôi chằm chằm. Rất may, 2 “hoa tiêu” người bản địa đã kịp trò chuyện, giải thích bằng âm điệu địa phương, nên đoàn người dữ tợn này đi qua, không quên rà soát chúng tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt sắc lẹm. Trước đó, “hoa tiêu” đã dặn đi dặn lại chúng tôi là nếu đưa máy ra chụp hình, phải 3 người cảnh giới, 1 người chụp. Nếu để “lâm tặc” phát hiện thì chỉ có…bỏ xác.

leftcenterrightdel
Phóng viên Bùi Tiến và Nguyễn Cường hóa trang vào rừng. 

Cuối cùng, chúng tôi cũng có được những hình ảnh và thước phim về “đại công trường” xẻ gỗ và “suối gỗ” giữa rừng phòng hộ Đắk Rông. Dẫu rằng, 3 người làm nhiệm vụ cảnh giới phải liên tục hú, vì giờ đó trên con đường độc đạo vào rừng có nhiều đoàn người đi vào, từ “lâm tặc” cho đến những người đi tìm trầm. Nhưng ngán nhất vẫn là những “lâm tặc” cầm cưa lốc, thấy chúng tôi là dừng lại dò xét. Chưa bao giờ việc quay phim, chụp ảnh lại khó khăn và nguy hiểm đến vậy. Cứ sau mỗi lần chụp, chúng tôi lại kín đáo thay thẻ nhớ cất vào nơi kín nhất trong người, đề phòng bị “lâm tặc” mở máy kiểm tra.

Cứ thế, 3 ngày, 2 đêm “ăn rừng, ngủ lán”, với nước suối, cơm trắng và lương khô cầm hơi, chúng tôi cũng hoàn thành chuyến xâm nhập và trở ra với đầy đủ tư liệu trong tay.

Thở phào nhẹ nhõm

Ngay buổi chiều ra khỏi rừng, chỉ kịp thay bộ quần áo cho tươm tất, chúng tôi đến ngay Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắk Rông và Hạt kiểm lâm Đắk Rông để cung cấp tư liệu, hình ảnh và yêu cầu cử ngay lực lượng vào rừng kiểm tra và phong tỏa cửa rừng, đề phòng “lâm tặc” tẩu tán hết gỗ tang vật. 

Lúc đó là 18 giờ ngày 8/5. Đến 11 giờ ngày hôm sau, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi Trưởng BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắk Rông gọi điện thông báo, lực lượng của Ban đã vào rừng kiểm tra, ghi nhận thực tế đúng như PV báo Bảo vệ pháp luật thông tin và kiểm đếm sơ qua tại hiện trường còn 35 hộp gỗ. Trước đó, chúng tôi đã có một đêm mất ngủ khi đặt ra những tình huống: Có sự thông đồng, tiếp tay, lâm tặc tẩu tán gỗ ra khỏi rừng trong đêm...

Chiều ngày 9/5, để “chắc ăn”, chúng tôi liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính để phản ánh sự việc. Đúng như dự tính, khi nắm được thông tin người đứng đầu chính quyền đã rất khẩn trương gọi điện chỉ đạo Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm vào cuộc ngay trong đêm, với mệnh lệnh “phải bắt bằng được đầu nậu gỗ”. Cuộc “đổ quân” vào đại ngàn Đắk Rông để truy quét “lâm tặc” ngay đêm hôm đó đã thu được kết quả, sau 3 ngày truy quét đã phát hiện, thu giữ tại hiện trường 1 xe tải dùng để chở gỗ và hơn 12m3 gỗ thành phẩm.

Loạt bài điều tra: “Rừng phòng hộ ở Quảng Trị bị tàn phá ghê gớm, bất chấp công lệnh của Phó Thủ tướng” lên trang, đã nhận được sự phản hồi tích cực của đông đảo bạn đọc. Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phải khẩn cấp thành lập điểm chốt chặn bảo vệ rừng Đắk Rông. Riêng lực lượng Kiểm lâm – Công an, đã lập hồ sơ để khởi tố vụ án, nhằm làm rõ ai là kẻ chủ mưu phá rừng phòng hộ Đắk Rông. Riêng nhóm PV chúng tôi, dẫu thở phào nhẹ nhõm khi chính quyền và lực lượng chức năng địa phương vào cuộc quyết liệt, nhưng sau khi bài đầu tiên lên trang, đã phải trấn an gia đình khi nhận được những cuộc điện thoại lạ mang tính đe dọa, cũng như người nhà phản ánh có xe ô tô BKS 74 (Quảng Trị) tìm về làng hỏi nhà từng PV. Trước đó, chúng tôi định để bút danh là “Nhóm PV điều tra” nhằm tránh sự truy lùng trả thù của “lâm tặc”, nhất là khi nghe dư luận cho rằng đứng sau vụ phá rừng này là một “đầu nậu” gỗ khét tiếng đất Quảng Trị. 

Tuy nhiên, chúng tôi đã để tên thật: Nguyễn Cường – Bùi Tiến dưới loạt bài điều tra. Bởi chúng tôi nghĩ, đã dám hóa thân, xâm nhập vào chốn “thâm sơn cùng cốc” để ghi nhận thực tế phá rừng, đưa ra ánh sáng việc rừng phòng hộ bị tàn phá, thì cũng cần phải lộ mặt để đối diện với “lâm tặc” và dư luận. Nhất là khi, dư luận luôn ủng hộ, đồng hành và bảo vệ sự dấn thân điều tra của PV báo chí. Có như thế, những sự thật về vi phạm pháp luật mới được phơi bày.

Bùi Tiến - Nguyễn Cường