Chỉ cần xem qua đoạn video clip ngắn trên, bạn đọc chắc cũng đủ hình dung đại ngàn Đắkrông (Quảng Trị) bị tàn phá công khai như thế nào. Ngoài việc lâm tặc dựng lán, đưa người vào rừng đốn ngã những cây gỗ lớn, thì những con đường còn hằn mới vệt bánh xe, lún sâu vào mặt đường vì tải trọng nặng sau những lần vận chuyển gỗ, với những con đường rộng hơn 3m cho ô tô vào tận gốc cây rừng, chỉa ra nhiều nhánh xương cá đã cho thấy sự ngang nhiên, thách thức pháp luật của lâm tặc nơi đây.

Những khúc gỗ lớn đã cưa xẻ thành phẩm xuất hiện khắp nơi, từ đường tiểu ngạch trong rừng, đến những con đường lớn, nối dài xuống suối, xếp lớp và nối đuôi nhau thành “suối gỗ”. Dấu vết hiện trường khai thác gỗ như “đại công trường” giữa đại ngàn Đắkrông xuất hiện dày đặc. Có cảm giác, rừng phòng hộ ở Đắkrông không có người quản lý. Vậy lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã làm gì với chức trách, nhiệm vụ được giao?

“Đi kiểm tra nhiều nhưng không thể đi hết được”

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Công Tuấn – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắkrông khi cho rằng cán bộ BQL đã đi kiểm tra bảo vệ rừng, nhưng không thể đi hết được?!

Trước đó, ngay sau khi vừa ra khỏi rừng, PV báo Bảo vệ pháp luật đã đến ngay BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắkrông để làm việc. Tại đây, ông Nguyễn Công Tuấn- Giám đốc BQL cùng 1 lãnh đạo Ban sau khi xem những hình ảnh PV cung cấp, đã liên tục gọi điện cho một ai đó để xác minh.


 Lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật

Ông Tuấn cho biết, diện tích quản lý thuộc trách nhiệm của Ban trên toàn địa bàn là 26 ngàn ha. Trong đó, diện tích được giao quản lý tại địa bàn xã Hướng Hiệp là hơn 2,3 ngàn ha.

“Trong số này rừng tự nhiên là hơn 1,4 ngàn ha. Tại thôn Kreng (nơi rừng đang bị phá – PV) chúng tôi chỉ quản lý một phần diện tích, còn lại là địa phương quản lý hết. Hiện tại, chưa khẳng định rừng bị phá nằm trong Ban hay không, nhưng tôi sẽ xác minh lại”- ông Tuấn nói.

Sau khi xem kỹ các hình ảnh rừng bị phá, cũng như một số hình ảnh chỉ dấu cột mốc mà PV ghi lại được, ông Tuấn nhận định: “Nếu đúng hình ảnh rừng bị phá nằm trong diện tích của Ban quản lý thì phải chấp nhận thôi, cái đó thì mình không thể dấu được. Mình cũng đi kiểm tra nhiều nhưng không thể đi hết được…”.


 Ông Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đắkrông: "Mình cũng đi kiểm tra nhiều nhưng không thể đi hết được"

Tại cuộc làm việc, ông Tuấn cùng một lãnh đạo BQL cùng thừa nhận thực trạng lâm tặc phá rừng phòng hộ trên địa bàn là không thể tránh khỏi, đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Lý giải cho điều này, ông Tuấn biện minh do… lực lượng mỏng?!

Theo ông Tuấn, rừng phòng hộ tại Đắkrông rộng và giáp với nước bạn Lào, nhưng cán bộ chuyên trách của BQL chỉ có 13 người, nên không thể quán xuyến được, nên rừng có bị phá cũng phải chấp nhận. “Giờ nói thật với các anh, trước sau nó cũng đã thế rồi, giờ mà có nữa thì cũng lo mà gánh chịu”- ông Tuấn cảm thán.

“Rừng rú thì mênh mông, nhiều khi mình không quản lý hết được”

Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Vĩnh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắkrông, người vừa được điều động lên “giữ rừng” Đắkrông 8 tháng nay.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Hạt kiểm lâm Đắkrông đang xem những hình ảnh rừng Đắkrông bị tàn phá do PV báo Bảo vệ pháp luật cung cấp

Sau khi được PV cung cấp hình ảnh và mô tả địa điểm rừng bị tàn phá, ông Vĩnh khẳng định ngay rừng ở thôn Kreng, khu vực Bãi Tranh được giao cho BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắkrông và chính quyền xã quản lý, có sự phân cấp, quy định rõ ràng.

“Ở đây có sự phân cấp, quy định rõ ràng là rừng mà giao cho chủ rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm bảo vệ (ý nói BQL rừng phòng hộ- PV). Rừng mà chưa giao cho ai hết thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm”- ông Vĩnh cho biết và khẳng định có trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trong đó: “Tất nhiên trong đó còn có Kiểm lâm địa bàn, có công an, có dân quân, có các lực lượng khác cùng trợ giúp để chủ rừng và chính quyền quản lý, bảo vệ rừng”.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắkrông cũng cho biết diện tích rừng ở Kreng rất rộng và dài, nằm giáp với xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa): “Nói thật với các anh, rừng tự nhiên thì chỉ có ở chỗ giáp giữa các xã này thôi, còn ở giữa này mà nói có gỗ mà gỗ to như thế này là hầu như không có. Phần lớn là rừng phục hồi nhỏ thôi, còn rừng có khả năng khái thác được là vùng giáp ranh giữa 2 huyện ấy”.


 Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắkrông nhận định rừng ở Hướng Hiệp cây gỗ to hầu như không có, nhưng hình ảnh PV báo Bảo vệ pháp luật ghi nhận được lại rất nhiều cây gỗ to mới bị đốn hạ, còn trơ gốc ứa nhựa

Tuy nhiên, trong nhiều ngày xâm nhập ghi lại hình ảnh rừng bị tàn phá, người dẫn đường bản địa khẳng định với PV là diện tích rừng phòng hộ này nằm hoàn toàn trong địa bàn xã Hướng Hiệp, huyện Đắkrông.

Giải thích về trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm Đắkrông tại đây, ông Vĩnh cho biết Hạt kiểm lâm Đắkrông chỉ bố trí 1 Kiểm lâm địa bàn, chứ không có trạm kiểm soát hay điểm chốt chặn.

“Ở đây chúng tôi không có trạm, không có chốt chặn. Bởi vì các vị trí Trạm là tỉnh họ đặt ở các vị trí quy định rồi, còn ở các xã thì chỉ bố trí Kiểm lâm địa bàn phụ trách tham mưu giúp chủ tịch Uỷ ban xã”- ông Vĩnh cho biết.

Ông Vĩnh cũng phân trần thêm, do lực lượng Kiểm lâm mỏng, mỗi Kiểm lâm địa bàn phụ trách, xử lý ở 2, 3 xã nên khó quán xuyến hết được, nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu, giúp chính quyền xã.

“Ở Đăk Krông hiện nay có 80 ngàn ha mà chúng tôi hiện nay chỉ có 11, 12 người Kiểm lâm địa bàn thôi, như vậy là có những anh phải xử lý 2, 3 xã. Lực lượng rất là mỏng. Nên chủ yếu là giúp cho chính quyền xã về mặt quản lý Nhà nước, tức là ban hành các văn bản tuyên truyền vận động...” – ông Vĩnh giải thích.

Khi PV đưa video, hình ảnh những con đường in sâu vết bánh xe ô tô chở gỗ, cùng những con đường rộng mới mở, ông Vĩnh cho biết trước đó 1 tháng đã biết về con đường này, tuy nhiên khi giao cho Kiểm lâm địa bàn và BQL rừng phòng hộ đi kiểm tra, thì Kiểm lâm địa bàn về báo cáo là… “chưa có dấu vết chi vào rừng hết, mà họ chỉ mở đường dân sinh để chở nguyên liệu vật liệu...”?!


 Đường chở gỗ được mở lớn, in sâu vệt bánh xe chở gỗ, gỗ nằm la liệt bên đường, nhưng Kiểm lâm chỉ cho rằng là đường dân sinh, chở nguyên liệu vật liệu?

 

Sau cuộc làm việc với BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đắkrông, Hạt kiểm lâm Đắkrông, PV báo Bảo vệ pháp luật đã gặp và cung cấp thông tin cho ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Chính điện thoại chỉ đạo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì phối hợp cùng các lực lượng liên quan, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra vấn đề báo Bảo vệ pháp luật phản ánh.
Sáng 15/5, ông Võ Văn Hưng- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra, xác nhận thực trạng rừng Đắkrông bị tàn phá đúng như báo Bảo vệ pháp luật phản ánh và đã tiến hành truy quét, bắt giữ tại hiện trường 1 xe ô tô lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ, thu giữ 9 – 10m3 gỗ tại hiện trường.

 

Nguyễn Cường - Bùi Tiến