Đó là cảnh mà PV báo Bảo vệ pháp luật “tay sờ, mắt thấy, tai nghe” sau 3 ngày 2 đêm “ăn rừng, ngủ lán” giữa đại ngàn Đắkrông (Quảng Trị), để “mục sở thị” rừng phòng hộ nơi đây bị tàn phá đầu tháng 5 vừa qua.

Dẫu rằng trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đại ngàn Đắkrông (Quảng Trị) vẫn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc.


 Ngày 02/5, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, rừng ở Quảng Trị vẫn bị tàn phá nghiêm trọng...

Kỳ 1: Tận mắt thấy “suối gỗ” giữa đại ngàn Đắkrông

Nai nịt, hóa trang như một “lâm tặc” thứ thiệt, chúng tôi theo chân 2 người dân bản địa vào rừng phòng hộ thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị.

Từ đập tràn thuộc thôn Kreng, chúng tôi lần theo 1 con đường lớn đi vào rừng. Sau khi vượt qua những con dốc khúc khuỷu, chừng 30 phút cuốc bộ thì hiện trường lâm tặc phá rừng hiện ra trước mặt với quy mô lớn.

 
 Những hộp gỗ quý vuông vức hiện ra trước mặt PV khi vừa bước chân vào rừng Đắkrông

Những gốc cây to, nhỏ bị cưa hạ nằm ngổn ngang trơ gốc ứa nhựa, có những cây phải 2, 3 người ôm mới xuể. Nhiều lóng gỗ bị hạ chưa kịp cưa xẻ nằm lăn lóc khắp nơi. Bìa, gốc, cành ngọn, mùn cưa vương vãi thành từng bãi lớn. Nhiều cây gỗ lớn đã được xẻ thành từng phách gỗ vuông vức, dài đẹp chỉ chờ đưa ra bãi tập kết. Cạnh đó, nhiều thân cây gỗ lớn mấy người ôm vừa bị cắt gốc nhưng chưa kịp cưa xẻ...

 
 Những gốc gây gỗ lớn vừa bị đốn hạ vẫn còn đang ứa nhựa

Xa xa, tiếng cưa máy vang vọng cả cánh rừng. Chúng tôi quyết định lần theo tiếng cưa, đi sâu vào rừng.

Đi chừng khoảng 10 km đường rừng, một bãi tập kết gỗ với số lượng cực lớn hiện ra trước mắt. Đếm sơ sơ, có 14 hộp gỗ đã xẻ theo quy cách vuông vắn, với kích thước mỗi mặt từ 35- 40 cm, dài hơn 3m nằm ngổn ngang chờ vận chuyển.

 
 Gỗ được tập kết ngay cạnh đường lớn chờ xe vào vận chuyển

Từ bãi tập kết này, đi xuống con suối gần đó, chúng tôi như không tin vào mắt mình khi trước mặt là một “suối gỗ”, với hàng chục hộp gỗ lớn nằm chồng lên nhau, nối đuôi nhau thành một dãy dài ven suối.

Ghi nhận hình ảnh quanh bãi tập kết gỗ này, chúng tôi thấy đây chính là “công trường” khai thác gỗ của lâm tặc giữa đại ngàn Đắkrông. Bởi di chuyển hướng nào, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều lán trại của lâm tặc dựng lên để ăn, ở nhiều ngày xung quanh đó. Cạnh đó, là nhiều can nhựa đựng xăng, dầu, nhiều vật dụng như chăn màn, nồi chảo... vương vãi trong và quanh lán.

 
 Lán trại của lâm tặc vẫn còn vương vãi can đựng xăng dầu, nồi niêu nấu ăn phục vụ việc ăn nghỉ, cưa xẻ gỗ nhiều ngày trong rừng sâu

Đi tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những thân cây gỗ bị đốn hạ tới đó. Những gốc cây gỗ lớn mới bị cưa còn ứa nhựa, những cành ngọn, bìa cây vương vãi khắp nơi. Thậm chí có những gốc cây to bị lâm tặc cưa hạ ngay trên đường đi.

Đi sâu vào rừng thêm 20km, người dẫn đường đưa chúng tôi tới Bãi Tranh. Theo lời người dẫn đường, từ lâu Bãi Tranh là điểm tập kết gỗ chính của lâm tặc. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy đây là 1 bãi đất rộng, tương đối bằng phẳng. Hiện trường khu vực Bãi Tranh còn vương vãi nhiều đoạn gỗ ngắn và nhiều hộp gỗ xấu bị lâm tặc bỏ lại.


 
 

“Chúng ta vào muộn rồi, dấu vết để lại cho thấy họ mới chở mấy xe gỗ ra cách đây mấy ngày...”- người dẫn đường tiếc rẻ nói.

Theo lời anh bạn dẫn đường người bản địa, thì đã có một lượng gỗ rất lớn mới được lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng, không chỉ gỗ ở khu vực Bãi Tranh, mà còn cả gỗ ở khu vực bìa rừng thôn Kreng mà chúng tôi vừa đi qua.


 

 

 

 Những gốc cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ



 

  Gỗ đã được cưa xẻ theo quy cách, tập kết dưới suối và ven đường trong rừng thành một "suối gỗ"chờ xe vào vận chuyển về xuôi

Kỳ 2: Lâm tặc mở đường cho xe tải vào đại ngàn chở gỗ

Nguyễn Cường – Bùi Tiến