Theo phản ánh của người dân, năm 1989, sau khi có quyết định quy hoạch thành lập chợ thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), hơn 100 hộ dân đã nộp tiền mua đất của nhà nước để làm nhà ở và kinh doanh. Sau khi người dân đóng tiền, UBND thị trấn Ea Pốk ban hành quyết định cấp đất cho các hộ dân mua đất tại khu vực này. Tại điều 2 của quyết định cấp đất, UBND thị trấn Ea Pốk buộc các hộ dân phải phải xây dựng trong thời gian 6 tháng, nếu không thì thu hồi.
|
|
Hơn 100 hộ dân sinh sống giữa trung tâm thị trấn chờ đợi “mỏi mòn” 30 năm qua đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. |
Ông Nguyễn Mạnh Phú (SN 1966, ngụ số nhà 439, tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk) cho biết, sau khi mua đất, dù điều kiện còn khó khăn nhưng gia đình phải vay mượn tiền để xây dựng nhà cửa để buôn bán, chấp hành quy định mà chính quyền đưa ra. Từ khi làm nhà và kinh doanh tại khu vực này, gia đình ông đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế như thuế môn bài, thuế kinh doanh hàng tháng và đặc biệt là thuế nhà đất từ khi mua đất cho đến năm 2010. Vậy nhưng, không lý do gì mà suốt bao nhiêu năm qua chính quyền vẫn chưa cấp sổ đỏ cho dân.
Theo ông Lê Toàn Thắng (SN 1960, ngụ số nhà 43 chợ thị trấn Ea Pốk), việc không được cấp sổ đỏ đã khiến gia đình và người dân tại khu vực trung tâm thị trấn Ea Pốk và khu vực chợ thị trấn Ea Pốk gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không có điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn.
“Sau hàng chục năm tích góp, người dân đều đầu tư, xây dựng nhà ở khu vực này với mong muốn an cư lạc nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, bây giờ bán cũng không được, ở cũng không xong, luôn sống trong cảnh bất an vì không có quyền hành gì đối với tài sản của chính mình” – ông Thắng lý giải.
|
|
Các quyết định của UBND cấp đất cho các hộ dân mua đất tại khu vực thị trấn. |
Tương tự, bà Lê Nguyễn Yến Anh cho rằng không được cấp sổ đỏ nhưng mỗi khi xin phép xây dựng thì UBND thị trấn Ea Pốk đều buộc dân phải đóng thuế xây dựng. Thậm chí, nhiều hộ không xin phép nhưng chỉ cần đổ vật liệu thì đều có cán bộ của thị trấn đến yêu cầu phải đóng thuế.
“Ngoài đơn thư, suốt bao nhiêu năm qua, tất cả các cuộc họp có mặt dân, tiếp xúc cử tri, người dân ở đây tha thiết kiến nghị chính quyền sớm cấp sổ đỏ để yên tâm sinh sống cũng như tuân thủ quy định của nhà nước về nhà ở. Đã trãi qua nhiều đời chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk, hàng trăm hộ dân vẫn chưa biết khi nào mới được cấp sổ đỏ”.
Cũng theo phản ánh của người dân, hàng chục năm qua mua đất của nhà nước, các hộ dân ở đây đều có số nhà, số hộ khẩu tại địa phương. Đặc biệt, có khoảng 90% hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố, nhiều căn nhà cao tầng mọc lên san sát.
|
|
Dù chưa được cấp sổ đỏ thế nhưng nhiều căn nhà cao tầng đã được xây dựng kiên cố mọc lên san sát. |
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Thanh Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk thừa nhận chính quyền đã tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân xung quanh vấn đề này qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại, các diễn đàn.
“Bức xúc của người dân là chính đáng, bởi sau một thời gian dài nhưng bà con chưa có sổ đỏ để an tâm sinh sống. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, lãnh đạo huyện hứa năm 2018 sẽ cấp sổ đỏ cho dân nhưng hiện nay vẫn còn vướng mắc một số thủ tục” – ông Thịnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’ga: Năm 2018, sau khi thuê đo đạc xong, huyện chưa chi trả tiền cho đơn vị tư vấn đo đạc nên không được bàn giao hồ sơ. Mới đây, sau khi bố trí trả tiền đo đạc cho đơn vị tư vấn, huyện đã trình hồ sơ này đã cho Sở Tài Nguyên Môi trường. “Việc cấp sổ đỏ cho dân huyện đã đồng ý rồi, không có gì phải bàn cãi nữa. Huyện đã bỏ tiền ra đo đạc cụ thể từng thửa để cấp sổ đỏ cho dân, giờ chỉ chờ Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định, phê duyệt xong là cấp sổ cho dân ngay. |
Còn theo ông Trần Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cư M’gar, hiện địa chính đã kê khai được hơn 170 hộ nhưng cần phải đối soát lại bản đồ địa chính đã đo đạc. Nếu như khớp hoàn toàn thì mới trình bản đồ địa chính cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk nghiệm thu, ký xác nhận.
Tuy nhiên, một vấn đề vướng mắc xảy ra là có một số hộ chưa trả đủ tiền hoặc làm mất các phiếu thu, thậm chí nộp tiền mua đất nhưng phiếu thu lại thể hiện ủng hộ thị trấn. Quan điểm của huyện là đối với những hộ chưa nộp đủ tiền thì tính số phần trăm chưa nộp để nộp theo đơn giá nhà nước hiện hành. Đối với những hộ mất phiếu thu, huyện giao cho thị trấn rà soát lại, nếu đúng đã nộp thì cấp sổ cho dân” – ông Minh khẳng định.