(BVPL) - Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống dưới 10% (năm 2012), với hơn 30 triệu người thoát nghèo, được thế giới đánh giá là nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo cũng đang là thách thức lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để giảm nghèo một cách bền vững?
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, đến năm 2020, cần thực hiện các mục tiêu: tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, cho các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; Việc xây dựng chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo. Các mức chính sách thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo; Khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo; việc hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng cần xác định xóa đói giảm nghèo là việc của bản thân người dân, phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn để vươn lên thoát nghèo. Do đó, giai đoạn tới, chính sách cho người nghèo cần được gắn với điều kiện, hạn chế việc hỗ trợ cho không, đồng thời quy định hạn tối đa hộ nghèo được hỗ trợ chính sách (từ 3-5 năm) nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại…
Còn theo ông Sơn Phước Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách, nguồn lực đầu tư góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc miền núi. Cụ thể, Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 với nguồn hỗ trợ từ nhà nước, địa phương và các nhà tài trợ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, các hộ dân đã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch… Tuy nhiên, thời gian tới, nhằm cải thiện hơn nữa đời sống của đồng bào dân tộc miền núi, ông cho rằng cần thực hiện các giải pháp như: rà soát, xây dựng và sửa đổi các chính sách cho phù hợp với tình hình mới; Xây dựng các chính sách đặc thù với từng khu vực, địa bàn, tránh đầu tư dàn trải, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Ngoài ra, cần minh bạch, công khai khâu thực hiện…
Với góc nhìn của chuyên gia, bà Pratibha Mehta, điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng bày tỏ, chênh lệch giữa hộ giàu, hộ nghèo ngày càng lớn. Những diện nghèo mới như hộ nghèo thành thị đang phát triển ở cộng đồng người nhập cư và công nhân trong khu vực không chính thức do ảnh hưởng của nền kinh tế đang đi xuống và các cải cách về cấu trúc nền kinh tế. Bà Mehta cho rằng, người dân chỉ thực sự thoát nghèo khi chúng ta nghiên cứu rõ những yếu tố hạn chế tiềm ẩn và thái độ của xã hội về nghèo đói. Những định kiến và kỳ thị hay bất cứ sự phân biệt nào cũng dễ tạo ra những ngăn cách cho người nghèo tự vươn lên và phát triển, tiếp tục đẩy họ xa hơn vào tình trạng tổn thương và đói nghèo. Vì vậy, phải trao cho người nghèo “tiếng nói”, trao quyền để họ tự tìm cách giảm nghèo và lôi cuốn sự tham gia của người nghèo vào quá trình lập kế hoạch và giám sát… là những yếu tố trụ cột để giảm nghèo bền vững...
T. Dịu