Theo Luật sư Phan Trung Hoài, Eximbank được coi là một pháp nhân có tổ chức chặt chẽ, nhân sự quản lý bảo đảm chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của một tổ chức tín dụng niêm yết, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ ngân hàng để bảo đảm quyền lợi của Khách hàng. Như vậy, bên cạnh việc Eximbank có thật lòng mong muốn thực thi cam kết và trách nhiệm của mình đối với người gửi tiền, người ta có quyền đặt câu hỏi về vấn đề quản trị, phòng ngừa rủi ro trong nội bộ Eximbank, ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của khách hàng đối với chính Eximbank.

Tại phiên tòa diễn ra trước đó, đại diện VKSND TP. HCM cũng làm rõ những bất cập, yếu kém trong kiểm soát rủi ro và hệ thống quản lý, sự tha hóa biến chất của một bộ phận cán bộ có chức vụ, quyền hạn của Eximbank TP. HCM trong thời gian xảy ra vụ án. Họ đã cố ý bỏ qua quy trình, thủ tục ủy quyền, rút tiền đã được pháp luật và Quy chế của chính Hội đồng quản trị Eximbank quy định. Hơn nữa, thực tế nhân viên Ngân hàng nhận thức được các quy chế của Eximbank, nhưng vì tin tưởng vào Lê Nguyễn Hưng là Phó Giám đốc Eximbank TP. HCM nên đã thiếu trách nhiệm, không tuân thủ các quy định nêu trên. Điều này đã bộc lộ “lỗ hổng” về quản trị, dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát của Eximbank TP. HCM vào thời điểm xảy ra vụ án.

leftcenterrightdel
 

Bà Chu Thị Bình và Luật sư Phan Trung Hoài tại buổi làm việc

Mất mát lớn nhất là Eximbank đã bỏ lỡ cơ hội để bà Chu Thị Bình và Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từ chỗ đổ vỡ lòng tin, đã kết nối tin tưởng Ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm và đưa giao dịch xuất nhập khẩu của Tập đoàn về Eximbank. Nay mọi nỗ lực mà Eximbank và bà Chu Thị Bình cố gắng đạt được đã trở thành con số không. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được thành lập từ năm 1992 bởi vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình, từ mức vốn điều lệ ban đầu là 500 triệu đồng, tới nay (2018) vốn điều lệ của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là 1.400 tỷ đồng. Cổ phiếu của Công ty được niêm yết từ năm 2007 và hiện nay niêm yết trên UPCOM với mã chứng khoán MPC. Từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, Minh Phú đã vươn lên thành doanh nghiệp thủy sản thuộc hàng lớn nhất Việt Nam và lọt vào danh sách 100 công ty thủy sản lớn nhất toàn cầu (theo báo cáo của Undercurrent News 2017, Minh Phú đứng thứ 53), Luật sư Phan Trung Hoài chia sẻ.

Bà Chu Thị Bình thông tin, tổng tài sản Công ty hiện hơn 10.000 tỷ đồng, công suất nhà máy chế biến 80.000 tấn thành phẩm/năm, doanh số hàng năm trên 700 triệu USD, lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng/năm, Minh Phú chuyên về chế biến xuất khẩu tôm, với chuỗi cung ứng khép kín từ con giống, nuôi trồng, tới chế biến, xuất khẩu. Minh Phú hiện có gần 20 công ty thành viên, bao gồm một công ty phân phối ở Mỹ (Mseafood), một công ty phân phối ở Nhật (Ebisumo). Tổng số cán bộ nhân viên của Minh Phú khoảng 15.000 người. Sản phẩm của Công ty đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế như: ASC, BAP (4 star), EU Organic, Natureland, Global G.A.P, US FDA, HALAL, IFS, BRC Global, BSCI, WCA, Seafood Watch, ISO 14000, ISO 22000, GMP,SSOP, HACCP.  Sản phẩm của Minh Phú được xuất đi hầu hết các thị trường lớn trên thế giới như: Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Đến đây thì nhiều người đặt câu hỏi: thật ra Eximbank đang tính toán điều gì trước sự bất nhất trong quá trình thỏa thuận, giải quyết với khách hàng như công ty của bà Chu Thị Bình?

 

Phi Sơn