(BVPL) - Xe máy là phương tiện tiện lợi, phù hợp với điều kiện thu nhập của đa số người dân nhưng lại thiếu an toàn cho người sử dụng. Đây là vấn đề không chỉ riêng với Việt Nam mà là của nhiều quốc gia đang phát triển. Vậy làm sao để xe máy trở thành phương tiện an toàn hơn là câu hỏi cần có lời giải đáp?

Thời đại xe máy còn kéo dài tới 40 năm nữa

Tại Hội thảo sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển xe máy do Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định, thời đại xe máy tại Việt Nam còn kéo dài tới 40 năm nữa.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt, đến cuối tháng 10/2014, cả nước có trên 42 triệu xe máy (mô tô – xe gắn máy). Bên cạnh những mặt tiện dụng, chi phí thấp (khoảng 2000đ/1km) và tính cơ động cao, trong khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu thì tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe máy luôn ở mức cao. Theo nghiên cứu của WB, xe máy vẫn là phương tiện sẽ hiện diện với đời sống con người tại Việt Nam 30 - 40 năm nữa.

Là đơn vị trực tiếp tham gia công tác bảo đảm ATGT, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2014, có 70,1% các vụ TNGT đường bộ có liên quan đến xe máy, 68% số vụ vi phạm trật tự ATGT liên quan đến người điều khiển xe máy. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ năng điều khiển, ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện chưa cao.

Qua nghiên cứu độc lập tại Hà Nội, ông David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của WB cho biết, dù có đến 96% số người điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm nhưng chỉ có 26,5% số trẻ em đi cùng người lớn được đội mũ bảo hiểm. Đây là nguy cơ mất ATGT mà ai cũng có thể nhìn thấy.

 

 Xe máy là phương tiện tiện lợi, phù hợp với điều kiện và thu nhập của rất nhiều người dân.
Xe máy là phương tiện tiện lợi, phù hợp với điều kiện và thu nhập của rất nhiều người dân.


Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra, người điều khiển xe máy đang đối diện với hàng loạt các nguy cơ mất an toàn như: lái xe thiếu ý thức, điều kiện thời tiết, yếu kém hạ tầng, ô nhiễm (khí thải, tiếng ồn).

Tiến sỹ Trần Hữu Minh (Đại học Giao thông Vận tải), thành viên nhóm nghiên cứu cũng cho biết, chính sách miễn giảm thuế từ các nước ASEAN thì người dân có cơ hội sở hữu xe ô tô cao hơn hiện nay nhưng không nhiều. Vì thế, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân thời gian tới.

Đề xuất xây dựng đường dành cho xe máy

Hiện nay đã có nhiều hãng sản xuất, lắp ráp xe máy tham gia hỗ trợ đào tạo ATGT, kỹ năng điều khiển cho khách hàng mang lại hiệu quả. Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cho biết, ngoài việc bán các sản phẩm xe máy tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu, Honda Việt Nam còn dành một khoản lợi nhuận để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn lái xe ATGT cho người dân. Đến nay, đã có trên 3 triệu người được trang bị kỹ năng lái xe an toàn và hàng vạn người khác được học pháp luật ATGT, kỹ năng điều khiển xe thông qua các chương trình truyền hình.

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao cách tiếp cận của WB đối với xe máy và xác định nó là phương tiện sẽ hiện diện với đời sống Việt Nam trong 30 - 40 năm nữa. Từ những kết quả nghiên cứu của WB mà Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia đang triển khai các chương trình như kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng để giảm bớt mật độ xe lưu thông. Chúng tôi sẽ nghiên cứu những  giải pháp phù hợp để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng chính sách để phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đặc biệt là xe máy”- ông Hùng cho biết.

Ông Khuất Việt Hùng cũng đề xuất WB, khi tài trợ cho các dự án xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông cần nghiên cứu, xem xét xây dựng đường cho xe máy để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân sinh sống và làm việc hai bên đường.
 

Hữu Bắc

.