(BVPL) - Sống quy tụ lại với nhau, già có, trẻ có và dưới trướng một “trùm”cai quản, các đối tượng được tổ chức thành một số nhóm bán kẹo cao su ở Hồ Tây hàng ngày vẫn rong ruổi "kinh doanh" lòng thương hại của nhiều người.

 
 
Buổi đêm, sau khi đi kiếm ăn về, nhóm người này vẫn thường oang oang nói chuyện kinh tế khốn khó, thu về chưa được tiền... triệu mỗi ngày.
 
Nói về những kẻ bán kẹo cao su giả danh những người tàn tật hàng ngày vẫn xuất hiện ven Hồ Tây, nhiều người dân sống trong khu vực bức xúc cho biết, trong nhóm bán kẹo cao su ấy có một gã thanh niên khỏe mạnh đã có vợ và con nhỏ sống trong cùng ngôi nhà với các "đồng nghiệp". Gã này đóng vai “cai đầu dài”, đứng ra bảo kê cho mọi hoạt động của nhóm.
 
Đặc biệt, theo quan sát của phóng viên, nhóm người già ngồi xe lăn thường xuyên được gã “cai đầu dài” thay đổi theo quy luật “đào thải” để tránh những gương mặt quen thuộc bị nhận ra. Thông thường, gã “cai đầu dài” rất ít xuất hiện và chỉ nằm trong nhà chờ nhóm bán kẹo mang tiền về nhà vào tầm đêm.
 
“Toàn thanh niên trai tráng cả nhưng ban ngày chỉ ở trong nhà chơi, chiều tối lại kéo mấy ông bà già đi bán kẹo cao su giá cắt cổ kiếm tiền của những người hảo tâm. Chúng tôi ở đây ai cũng biết cả nhưng không làm gì được vì bọn chúng thuê nhà ở, không giao du, gây chuyện với hàng xóm láng giềng nên cũng khó xử lý lắm”, người bán tạp hóa ở đầu hẻm gần nhà nhóm bán kẹo cao su cho biết.
 
Những kẻ vốn được sinh ra khỏe mạnh, còn sức trẻ nhưng lại giả tàn tật, giả khổ, lợi dụng những người già để đi kiếm chác tình thương của xã hội, đang khiến những người có tấm lòng hảo tâm cảm thấy "bất an", băn khoăn không biết liệu lòng tốt của mình có đang bị lợi dụng? Để dẹp được những băn khoăn này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nơi các đối tượng trên cư trú và hoạt động.
 
Theo Dân trí
.