Tôi nhận được quà tặng từ người bạn nước ngoài gửi về 2 cái Ipad, cho 2 đứa trẻ. Vui mừng xen lẫn chút lo, bởi tôi biết, nếu gửi theo dạng bưu phẩm, tôi sẽ bị đánh thuế 1 chiếc, mất cả chục triệu đồng. Tôi nhờ mấy người em giới thiệu đến vài công ty chuyển hàng dạng xách tay từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam. Công việc được giải quyết khá nhanh với chi phí 70 USD…
Nhận chuyển hàng trên mạng
Chị Thu – chủ một salon thẩm mỹ trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 hơn chục năm nay thường du lịch sang Mỹ, Đức, Pháp vào mùa… đại hạ giá để gom nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, mặt nạ dưỡng da collagen… chủ yếu phục vụ cho salon của mình. Do chất lượng sản phẩm tốt, giá rẻ nên các khách hàng giới thiệu nhau mua hàng của chị rất nhiều. Thu đứng ra ôm hàng, phân loại sản phẩm rồi nhờ người thân ở nước ngoài thu mua.
Chị Thu kể, có nhiều cách để chuyển hàng về Việt Nam. Qua một tiếp viên hàng không, chị nhờ vận chuyển các kiện hàng nhỏ gọn, dễ mang xếp trong valy, 1 tuần/lần, giá thuê thỏa thuận và từ đó, đường dây này do vài tiếp viên “nhận mang hộ” bao khá nhiều tuyến từ Mỹ, Pháp, Đức, Austrailia… Vài năm gần đây, nhu cầu chuyển hàng tăng, chị Thu mở hẳn trang web nhận đặt hàng xách tay với các khung giá khá hợp lý: gói hàng dưới 100 USD, phí 9%, dưới 200 USD, phí 8%, từ 2.000 USD trở lên, chỉ 6%… Khi khách có nhu cầu đồ điện tử: máy tính bảng, máy ảnh, điện thoại, loa, amplifier... cho đến những món đồ cổ, đồ sưu tầm, thuốc chỉ định, các loại sách chỉ có ở Mỹ, Pháp... chỉ cần gửi email hoặc điện thoại tư vấn trực tiếp, hàng sẽ có trong vòng 2 tuần, đảm bảo giá rẻ. Với những khách hàng thích mua trên mạng Amazon, eBay, Costo, Levi’s... chị Thu cũng đáp ứng, cốt bởi chi phí vận chuyển thấp, trốn được thuế.
Tôi thắc mắc: Làm sao chuyển một lượng hàng trị giá hàng nghìn USD/tuần mà qua được hải quan? Chị Thu cho biết, đó là bí quyết của dân buôn hàng xách tay. Hầu như tuần nào, tháng nào quanh khu vực người Việt cũng có người về Việt Nam thăm người thân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất “thính”, ai sắp về là họ biết và lên lịch chuyển hàng. Lợi dụng chính sách ưu đãi cho Việt kiều về thăm quê hương, các thủ tục hải quan cũng đơn giản. Những hàng hóa quần áo, mỹ phẩm có thể nhiều hơn; các mặt hàng xa xỉ đắt tiền thường chia nhỏ ra, mỗi người xách 2-3 máy tính, vài chiếc đồng hồ, nếu lỡ hải quan hỏi, năn nỉ mãi họ cũng cho qua.
Anh Hùng – một người chuyên nhận mua hàng quần áo, phụ kiện thời trang từ Mỹ, có cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 cho biết: Nhiều người đi về thường xuyên, hải quan nhẵn mặt, có khi lại thân quen và sự nhờ vả 2 bên cùng có lợi cũng giúp hàng xách tay giảm được giá bán. Tuy nhiên dân buôn biết ý, vài ba tháng phải tặng chiếc tai nghe Bluetooth đời mới nhất, chiếc Ipad, hay sang hơn là chiếc Vertu tầm vài nghìn USD… nếu không sẽ khó “lọt ải”. Cũng nhằm ngăn chặn tiêu cực, Hải quan TP.HCM đã đưa ra chính sách “xoay tua” các nhân viên, 1 năm phải thuyên chuyển công tác đến địa điểm mới. Tuy nhiên dù con người có mới, các đường dây chuyển hàng vẫn thế, nhanh chóng bắt mối. Anh Hùng bảo, có trường hợp gặp phải nhân viên Cảng vụ Sài Gòn “rắn” quá, các chủ buôn hàng xách tay còn nghĩ chiêu “độc”.
Họ vào các trường đại học, thuê nguyên nửa lớp cho mượn CMND, địa chỉ rồi gửi danh sách ra nước ngoài… hàng chục ĐTDĐ, đồng hồ, thực phẩm chức năng, sữa Meji, Mead Johnson, Abbott… đến cả đống bỉm trẻ em từ Nhật Bản, Mỹ… được chia nhỏ và hàng chục sinh viên bỗng trở thành người nhà của thân nhân Việt kiều. Chị Dung – chủ một trang web thế giới hàng hiệu chia sẻ, trong nghề chuyển hàng trên mạng cũng nhiều rủi ro.
Đúng thời điểm thanh tra, kiểm tra, hàng đã nhận nhưng không làm sao ra khỏi sân bay, như Tết Nguyên đán 2014, chị Dung trót nhận “giải cứu” số hàng vừa “độc”, vừa nặng là 60kg thịt bò Kobe Nhật Bản trị giá hàng chục nghìn USD. Người khách Nhật Bản cứ quanh quẩn trong khu vực cảng quốc tế gần 2 ngày. Mãi mới lợi dụng giữa phút thay ca, Dung nhờ được một người đồng ý giúp. 1 cái tin nhắn rất nhanh: Đưa hình ảnh người cần làm thủ tục vào facebook… tên tuổi… Sau tin nhắn trả lời OK là giá báo “thông quan”, thông báo cột số X tại sân bay để hướng dẫn người khách qua cửa đó… Người khách Nhật nhận vận chuyển lô hàng với giá 5.000 USD đã ngay lập tức rút 1.000 USD… “lại quả”, bước ra ngoài chuyển cho người nhận là 1 người Nhật kinh doanh nhà hàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1…
Và những mánh khóe “làm giá”
Khi đã mua hàng quen rồi, thường dân sành điệu ở TP.HCM sẽ khá tin tưởng vài điểm chuyên nhận hàng xách tay. Tuy nhiên dân buôn cũng nhiều chiêu để lừa và dụ dỗ khách. Thắng – chủ cửa hàng chuyên đồ xách tay thực phẩm chức năng, sâm nhung, các loại sữa, rượu ngoại… trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1 cho biết: Giá cả sản phẩm bây giờ gần như không chênh lệch nhiều dù ở Mỹ hay châu Âu. Vì thế, để giá bán hợp lý, thường hàng sẽ được gom vào mùa hạ giá có khi rẻ 1/3 giá bán, hạn sử dụng vẫn trên 1 năm, khi chuyển về Việt Nam, chỉ cần bán chênh lệch vài trăm nghìn đồng so với giá chung, là quá lãi. Với hàng công nghệ, ông Hữu, chủ cửa hàng trên đường Cánh mạng Tháng Tám, quận 1 bảo, ĐTDĐ, máy tính bảng thường đi từ Hồng Kông, Singapore, Mỹ về. Nhóm chuyên săn hàng mua điện thoại, máy tính giá rẻ, sau đó móc nối, chi tiền cho nhà mạng để… thanh lý hợp đồng, lấy mã (code) chuyển từ bản lock sang bản quốc tế, cộng cả chi phí vận chuyển, giá bán rẻ hơn chính hãng 1-2 triệu đồng mà vẫn lãi nhiều.
Hiệp chuyên đánh hàng từ Quảng Châu, có cửa hàng quần áo trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp thủ thỉ về hàng xách tay: Không ít sản phẩm được gắn mác “xịn” lại là hàng nhái, hàng giả vì khá đông Người Việt ưa chuộng và sính dùng hàng ngoại nhập. Thời gian đầu, khi sang các chợ đầu mối bên Trung Quốc, những quần áo giống hệt từ mẫu mã, chất lượng các hãng thời trang cao cấp, giá rẻ chỉ 1/10 đến 1/3, Hiệp thử gom vài thứ đồng hồ, kính, giày dép, túi xách về bán, món hàng giá
2-3 triệu đồng nên khách hàng đặt mua rất đông. Gần đây khách hàng còn đặt hàng Hiệp làm những sản phẩm y chang catologe đến từng chi tiết bao bì các thương hiệu quốc tế: đồng hồ vàng làm thủ công bằng tay, điện thoại Vertu chất lượng đến 99% hàng thật, túi xách LV da thật, giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên những mối làm ăn trung thực như Hiệp không nhiều. Đa số các hàng nhái thương hiệu cao cấp đều đánh hàng Hồng Kông, Quảng Châu rồi lừa bán cho khách hàng với giá cắt cổ.
Theo Hiệp, kể cả khi gặp khách hàng khó tính đòi kiểm tra từng chi tiết lót, tem chống hàng giả, cả code trên mạng cũng “chấp” luôn vì hàng nhái chất lượng đảm bảo như hàng thật. Đây là lý do hàng nhái, hàng lậu đã và vẫn đang xuất hiện ở Việt Nam, trà trộn với hàng chính hãng lừa dối khá nhiều người tiêu dùng. Một trong những vụ như vậy là vụ bắt giữ 4 xe ôtô hàng lậu trị giá hơn 30 tỷ đồng của Lê Hồng Đức (SN 1978, trú ở quận 1) nhân viên cửa hàng Gucci, Milano khách sạn Sheraton, quận 1. Tuấn đã qua đường Hồng Kông, Quảng Châu gom hàng từ châu Âu các loại hàng hiệu đắt tiền: Gucci, Docle & Gabbana, Cavalli, thông qua Nguyễn Văn Sáng (SN 1967, trú quận 11) và Nguyễn Bửu Quí (SN 1972, trú quận Gò Vấp), là công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, thuộc Cục Hải quan TP.HCM hình thành đường dây vận chuyển hàng lậu.
Ngày 26-7 vừa qua, Cơ quan CSĐT CATP.HCM đã ra quyết định truy nã quốc tế kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu rất lớn này, ra quyết định khởi tố 2 cán bộ hải quan với tội danh “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”… Trước đó, cũng 2 cán bộ hải quan TP.HCM bị bắt tạm giam vì thông quan cho gần 40 conteiner hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam tại cảng Cát Lái, trong đó khá nhiều hàng nhái… Tuy nhiên những mối lợi quá lớn từ các dạng hàng xách tay, hay lớn hơn là đường dây buôn lậu có sự tiếp tay của cán bộ công quyền… có lẽ sẽ vẫn tồn tại, như một thứ mụn nhọt chưa thể chữa khỏi. Và đó cũng là những ngóc ngách khó đoán biết trong thế giới hàng xách tay ở TP.HCM.
Theo Báo ANTĐ