Vùng đất ven sông xã Đăkrông, thuộc huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị là nơi cư ngụ lâu đời của bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Mặc dù sinh sống ven sông nhưng có điều nghịch lý là những hộ dân ở đây quanh năm lại thiếu nước sinh hoạt.
 


Cùng chung cảnh ngộ, thôn Xa Lăng có 87 hộ dân phải đi lấy nước từ khe  Pò Ó cách đó khoảng 1km. Trước đây, người trong thôn sử dụng nguồn nước tự chảy, nhưng qua thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết nên toàn bộ hệ thống đã bị hư hại rất nặng. Hầu hết các hộ dân đều có bể chứa, nhưng không có nước. Chỉ những tháng mùa mưa mới hứng được nước vào bể. Theo giải thích của ông Hồ Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Đăkrông thì địa bàn của thôn Xa Lăng rất đặc biệt, họ ở ngay trên đỉnh đồi nên việc đào giếng là không thể. Chỉ sử dụng được nước tự chảy hay nước ở sông Đăkrông.

Việc thiếu nước của người dân vùng dọc sông Đakrông không chỉ ngày một, ngày hai mà đã kéo dài mấy năm nay. Kể từ năm 2010 khi chính quyền địa phương cho tận thu cát sạn ở địa phương và nạn “vàng tặc” xuất hiện ở các xã A Vao, Tà Rụt, Tà Long đã làm nguồn nước bị vấy đục.

Người dân tại khu vực này rất bức xúc trước tình trạng cát tặc, “vàng tặc” “đầu độc”  nguồn nước của dòng sông Đăkrông. Thời gian qua đã có nhiều đơn từ của người dân phản ánh về tình trạng nước của sông Đăkrông bị ô nhiễm nặng. Rất nhiều trường hợp sử dụng nguồn nước này đã mắc các bệnh ngoài da, lở loét, tiêu chảy… gây hoang mang cho người dân và chính quyền. Hai đứa con của anh Hồ Văn Thọ đi chơi về khát nước, sẵn nước mang từ suối lên chúng thi nhau uống. Một lát sau thì lăn ra sàn nhà mà khóc. Khi đưa lên Trạm Y tế xã mới biết hai đứa trẻ bị tiêu chảy do uống nước sông chưa qua đun nấu.

Nhìn một quãng sông bị móc trơ cả sỏi đá, già làng Hồ Ni (thôn Xa Lăng) ngậm ngùi cho biết, nước sông Đăkrông bao đời vẫn thế, đó là nguồn nước mẹ cho dân làng, nhưng nay nó chết rồi. Cả con cá, con tôm còn không chịu nổi huống chi là con người…

Ông Hồ Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Đăkrông cho biết: “Theo kế hoạch ở trên thì đến năm 2013, dự án công trình nước tự chảy và giếng nước sẽ được đào tại nhiều khu vực trong xã, đến lúc đó việc cung cấp nước cho các hộ dân sẽ ổn định hơn”. Bức xúc khi nạn “cát tặc” hoành hành ngay trước mắt mình, từng ngày từng giờ xé tan lòng sông, người dân đã nhiều lần ngăn không cho xe tải chở cát chạy vào bãi.  Nhiều cuộc họp thôn, họp bản được tổ chức để đề nghị lên chính quyền địa phương về nguồn nước mà họ sử dụng từ bao đời nay bị ô nhiễm nhưng đâu lại vào đó. Đứng ở ban công UBND xã Đăkrông, ông Hồ Nha phân trần: “Xã chúng tôi ở vị trí đặc biệt, nên việc có được nguồn nước từ cách đào giếng hay nước tự chảy phục vụ dân sinh là rất khó khăn. Người dân từ bao đời sử dụng nước sông này để sinh hoạt nhưng giờ thì ô nhiễm rồi. Chúng tôi cũng là nạn nhân của nạn khai thác cát và khoáng sản trái phép từ các xã phía thượng nguồn”.   
 

Bài và ảnh: Trần Phúc