Nhiều người ăn xin, lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ.

 


Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội, Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về tăng cường quản lý, thu gom người ăn xin, ngành bảo trợ xã hội thành phố sẽ tiếp tục duy trì 3 đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng người ăn xin. Những thông tin người dân phản ánh sẽ được xử lý nhanh chóng, kịp thời để tránh tình trạng người ăn xin, ăn xin trá hình di chuyển, gây khó khăn cho việc quản lý.

Ông Lê Chu Giang cũng cho biết, ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truy quét người ăn xin, công tác tuyên truyền người dân không cho tiền người ăn xin sẽ phải được đẩy mạnh tận các khu phố.
 
Ông Lê Chu Giang nói: "Hướng sắp tới chúng tôi đã có văn bản, sẽ triển khai cho các quận huyện để tiếp tục triển khai chủ trương tập trung đối tượng để làm sao đến tận các địa bàn dân cư. Còn đối với các đối tượng mà lười lao động để đi xin ăn, mà thường xuyên tái đi tái lại thì chúng tôi sắp tới phối hợp với các sở ngành nhờ tham mưu ra các giải pháp để xử lý các đối tượng này."

Như chúng tôi vừa đề cập, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP HCM đặt ra yêu cầu này giải quyết tình trạng người ăn xin. Năm 1997, UBND thành phố đã ra chỉ thị 44 nhằm giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. Tháng 5/2009, một kế hoạch với 8 nội dung thực hiện cũng được UBND thành phố ban hành nhằm giải quyết thực trạng trên. Vào tháng 12/2014, TP HCM đã mở đợt ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Mục tiêu đề ra là trước Tết Nguyên đán 2015, thành phố cơ bản không còn người ăn xin.

Tuy nhiên, hơn một năm sau, hằng ngày, người dân Tp.HCM vẫn bắt gặp cảnh người lớn lẫn trẻ em ngồi xin ăn tại nhiều góc đường.

Thực tế thời gian qua, nhiều người ăn xin, lang thang được vào trung tâm bảo trợ xã hội một thời gian thì được bảo lãnh ra ngoài rồi tiếp tục quay lại con đường cũ và họ tiếp tục đi ăn xin. Làm sao có thể dẹp được nạn ăn xin?

TP HCM cũng đề xuất tập trung vào các chính sách hỗ trợ người xin ăn, sinh sống nơi công cộng khi hồi gia để giảm tình trạng tái xin ăn. Thông thường khi được giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng, người xin ăn, lang thang không có nghề nghiệp, không có nơi cư trú nên rất dễ tái xin ăn, sinh sống nơi công cộng. UBND thành phố thực hiện thí điểm hỗ trợ cá nhân phát hiện và thông báo xử lý các trường hợp xin ăn, sinh sống nơi công cộng nhằm khuyến khích thực hiện từ cộng đồng, với 3 số điện thoại đường dây nóng là: (08)38.292491; 0903.959929; (08)35.533258.

Cách làm của TP HCM cũng tương tự như cách làm của Đà Nẵng nhiều năm qua, địa phương đi đầu trong việc mạnh tay xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn. Đà Nẵng đã nâng mức trợ cấp cho người nghèo cô đơn, người tàn tật, chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, giải quyết vốn làm ăn cho người phạm tội sau khi ra tù để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

Chính quyền TP Đà Nẵng cũng rất cương quyết trong việc đưa người ăn xin vào các cơ sở xã hội. Thành phố đã đầu tư xe chuyên dụng, cử lực lượng liên ngành trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện người lang thang, ăn xin. Bên cạnh đó, Đà Nẵng lập đường dây nóng và thưởng tiền cho người phát hiện, gọi báo có đối tượng lang thang, xin ăn.

Khi nhận được tin, đội cơ động sẽ đến ngay hiện trường để xác minh, lập biên bản và đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Đà Nẵng cũng vận động người dân, khách du lịch không cho quà, tiền đối với những người xin ăn; không mua hàng, quà của người bán hàng rong xin ăn biến tướng.

Để có thể giải quyết nạn ăn xin cần sự chung tay từ nhiều phía. Mỗi người dân nên đồng hành với chính quyền trong việc không cho tiền người ăn xin, làm từ thiện đúng nơi, đúng đối tượng. Đặc biệt, vấn đề phối hợp với các tỉnh, thành phố để xử lý hết sức cần thiết vì khoảng 90% người lang thang, ăn xin đến từ địa phương khác.

Vấn đề quan trọng là ở địa phương những người ăn xin, lang thang cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống. Bản thân họ cũng phải có sự nỗ lực, lòng tự trọng để vươn lên. Bên cạnh đó, đối với những kẻ lợi dụng trẻ em, người già để xin ăn, kinh doanh, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, khởi tố đúng người, đúng tội.../.
 

Theo VOV

.