“May nhờ, rủi chịu. Gặp được chủ tốt thì đỡ, hoặc gặp chỗ được khách “boa” nhiều thì thu nhập cũng được, nếu chỗ con làm mà khó khăn quá thì con quay về xin trung tâm giới thiệu việc khác, mà chú nói thật, việc sau thường không tốt hơn việc trước đâu” - đó là lời cảnh báo của người xe ôm khi đưa tôi đến nơi nhận việc.
Thực tế, những trung tâm giới thiệu việc làm, những cò lao động chỉ chăm chăm giới thiệu được người đến chỗ tuyển dụng để thu phí, chỉ nghe công việc qua lời mô tả của bên tuyển dụng mà không kiểm tra thực tế, nên người lao động tìm được một việc làm tốt rất hên xui. Thế nên mới có chuyện có những nhà tuyển dụng “rởm” thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, tuyển người lao động rồi bán sang Trung Quốc làm khổ sai!
Vỡ mộng lương cao!
Sau khi nhận 800 ngàn “phí cung ứng lao động”, 100 ngàn xe ôm mà chủ quán hủ tiếu Nam Vang T.D, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM trả cho Cty Hương Sông Quê, tôi được đưa lên chỗ ở của 6 nhân viên cất balô. Chỗ ngủ, sinh hoạt của 6 người làm chừng 10m2. Tôi mặc vội cái áo đồng phục, tạp dề rồi bắt tay ngay vào lau chùi, bưng bê. Bé Nh phục vụ quán, hướng dẫn tôi công việc, không quên dặn dò: “Cấm kỵ dùng điện thoại nha chị! Cậu mợ (ông bà chủ quán – PV) mà thấy là bị la hoặc trừ tiền lương, ngay cả khi không có khách cũng không được dùng”.
“Bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng nên hơn 3 giờ là mình phải lo dậy rồi, mấy đêm nay trời lạnh, dậy sớm run lập cập. Em buồn nhất là mình làm cái gì cũng bị la, chủ hay chửi nữa” - bé Nh thở dài. “Chắc chị thử việc rồi xin nghỉ, chị thấy vất vả quá” - tôi nói sau khi lau chùi toàn bộ bàn ghế, giặt sạch tất cả các khăn ăn, khăn lạnh, đệm chùi chân, nhà vệ sinh của quán trước giờ nghỉ chiều. “Quán này là đỡ lắm rồi đó chị, có lần trung tâm kia giới thiệu em vào quán nhậu làm từ 9 giờ sáng đến 1 giờ khuya, khách khứa thì bét nhè, sàm sỡ mình là chuyện thường, hoặc những xưởng may “chui” bắt mình làm việc suốt ngày đêm, không cho ra ngoài, em đã phải bỏ trốn lên trung tâm kêu khóc, nhờ người đến doạ báo công an, sau đó nộp tiền chuộc mới lấy lại được CMND” – Nh kể.
“Ở quê mới lên mà gặp trung tâm dịch vụ việc làm, xe ôm móc nối với các quán càphê đèn mờ, karaoke ôm để đưa mình vào bẫy thì xem như mất một đời” - Nh tỏ vẻ kinh nghiệm. Nh kể, lên Sài Gòn cùng lúc với Nh có một cô bạn chừng 15 tuổi, bố đang bệnh nặng nên chấp nhận làm mọi việc miễn lương cao. “Khi được một trung tâm giới thiệu làm tiếp viên karaoke, chị ấy nhận đi làm ngay. Ban đầu chỉ là uống ly bia, vuốt ve, xoa bóp, lương tiếp viên karaoke không có mà chỉ trông chờ vào tiền “boa” của khách nên chị ấy “đi khách” khi nào không biết nữa. 19 tuổi, chị ấy đã 3 năm làm cái nghề ấy rồi. Mỗi lần gặp lại, chị ấy đều khóc và hận cái ngày bước chân vào cái trung tâm đó” - Nh trầm ngâm. Câu chuyện của Nh làm cho buổi chiều ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng buồn thê lương.
Một ngày đứng, chạy, làm việc liên tục, toàn thân tôi mỏi nhừ, tôi xin phép bà chủ cho nghỉ vì lý do không hợp việc. Sau khi nói chuyện với Cty Hương Sông Quê, bà chủ quán đồng ý cho tôi chuộc CMND ngay tại quán với 300 ngàn tiền phí, và 100 ngàn tiền xe ôm mà không cần phải quay lại trụ sở Cty Hương Sông Quê. Bé Nh đưa tôi balô, giọng nghẹn lại: “Thấy chị về mà em buồn quá. Hết tháng này em cũng về thôi, không ở đâu sướng như ở với ba má!”.
Nhờ trung tâm tìm người để bán sang Trung Quốc!
Theo tìm hiểu, những trung tâm môi giới nhận cung ứng lao động cho bên tuyển dụng nhưng không tìm hiểu về tình hình hoạt động của bên tuyển dụng, chính sự tắc trách này đã tạo cơ hội cho những nhà tuyển dụng “rởm” lừa người để bán sang Trung Quốc làm lao động khổ sai!
Ngày 15.3.2013 vừa qua, TAND TP.Hà Nội mở phiên toà xét xử công khai đối với Phan Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1980, trú tại phường 4, quận 10, TPHCM, với tội danh buôn bán người qua biên giới. Năm 1997, để trốn lệnh truy nã của cơ quan công an, Thuỷ đã trốn sang Triều Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), sinh sống và quen một phụ nữ người Việt Nam tên là Yến (quê Phú Thọ). Từ quen biết đến chỗ thân tình, Thuỷ biết Yến có nhu cầu mua người lao động để bán cho các cơ sở sản xuất hoặc nhà hàng để làm lao động khổ sai nên đặt vấn đề “hợp tác” làm ăn. Hai bên thoả thuận, nếu Thuỷ đưa mỗi người lao động sang Trung Quốc, Yến sẽ trả 2.000 nhân dân tệ và toàn bộ chi phí khác. “Ký” được hợp đồng béo bở, ngày 8.4.2012, Thuỷ nhận 15 triệu đồng của Yến để trở về Việt Nam, bắt đầu cuộc săn tìm.
Sau vài ngày tìm hiểu, Thuỷ mò đến Cty tuyển dụng lao động Hương Sông Quê (quận Bình Tân, TPHCM) và Cty TNHH MTV thương mại dịch vụ vận tải Uy Tín (ở huyện Hóc Môn, TPHCM) tìm lao động. Tại hai công ty này, kẻ môi giới tự xưng tên là Linh, đang có nhu cầu tìm người đóng gói đồ chơi để gửi đi các tỉnh và đề nghị phía công ty lập thoả thuận cung ứng lao động với mức lương 2,8 triệu đồng/người/tháng, kèm theo đãi ngộ về chỗ ăn ở. Không chút nghi ngờ và tìm hiểu về công ty của Thuỷ, hai đơn vị này đã cung ứng cho Thuỷ 9 lao động, gồm 1 lao động nam và 8 lao động nữ, trong đó có bé gái Hà Thị Thu Hoài mới được 15 tuổi 6 tháng 18 ngày. Có “hàng”, Thuỷ lập tức điện báo cho Yến. Đến ngày 16.4.2012, Thuỷ mua vé xe cho cả 9 lao động ra Hà Nội để chuẩn bị đi Móng Cái. Cũng tại đây Thuỷ nói với lao động rằng sáng mai sẽ đi Yên Bái sớm. Thấy “bà chủ” nói địa điểm làm việc khác với công ty tuyển dụng, một trong số lao động nghi ngờ và gọi điện báo cho gia đình để báo với cơ quan công an. Ngay sau đó, chiều 18.4.2012, Công an quận Hoàng Mai đã kịp thời phát hiện và bắt giữ được Thuỷ cùng 9 lao động sắp bị đưa đi làm lao động khổ sai. Hành vi sai trái của Thuỷ đã được pháp luật xử lý, nhưng điều đáng nói là những trung tâm giới thiệu việc làm đã tắc trách, không kiểm tra nơi tuyển dụng suýt nữa đã đẩy những lao động vào chốn lưu đày ở xứ người.
Xử lý nhưng không hết!
Những trò môi giới, có dấu hiệu lừa phỉnh người lao động diễn ra từ lâu, tuy nhiên khi tôi mang những bức xúc của người lao động đi hỏi cơ quan chức năng thì đều nhận được câu trả lời có vẻ... bất lực: “Xử lý nhưng không hết!”.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Văn Phương - Phó giám đốc Bến xe Miền Tây - thừa nhận, thời gian qua có ghi nhận việc thành viên của đội xe ôm tự quản có tham gia móc nối, làm cò lao động để lấy tiền môi giới. Ông Phương cho biết, vụ việc này đã có xử lý, và bến xe cũng tuyên truyền, cấm đội xe ôm không được tham gia làm “cò” lao động, ai vi phạm sẽ cắt hợp đồng không cho chạy nữa. Nhưng ông Phương thanh minh rằng: “Thiệt tình là xử lý hoài mà vẫn không hết!”. Đội xe ôm tự quản được thành lập theo quyết định của UBND phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) và chia làm 2 nhóm. Nhóm hoạt động trong bến xe thuộc quyền quản lý của Bến xe Miền Tây, nhóm hoạt động ngoài bến xe là do UBND phường An Lạc quản lý. Ghi nhận sự việc này, Ban quản lý Bến xe Miền Tây sẽ kết hợp với Công an phường An Lạc để kiểm tra, xử lý những thành viên nào vi phạm và nghiêm cấm việc các xe ôm chèo kéo khách.
Về vụ việc này, ông Phạm Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TPHCM) - cho biết, sẽ chỉ đạo Phòng LĐTBXH quận Bình Tân nắm lại tình hình và sẽ sớm trả lời với báo chí về hoạt động của trung tâm giới thiệu việc làm mà báo chí phản ánh. Đại diện Phòng LĐTBXH quận Bình Tân cũng cho rằng, việc các trung tâm quảng cáo là giới thiệu việc làm miễn phí nhưng lại bắt người lao động nộp CMND, rồi sau đó nộp tiền chuộc là không đúng, hơn nữa pháp luật nghiêm cấm việc người tuyển dụng thu giấy tờ gốc của người lao động, nên việc trung tâm thu giấy CMND gốc là trái pháp luật. Sắp tới, Phòng LĐTBXH quận Bình Tân sẽ đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra những trung tâm giới thiệu việc làm trên toàn quận, nếu phát hiện sai phạm sẽ có biện pháp xử lý.
Theo Lao động