Những mảnh đời đắng cay ở "xóm chạy thận"
Cập nhật lúc 01:08, Thứ bảy, 03/06/2017 (GMT+7)
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một quê hương, nhưng hơn 20 năm nay, họ đã chọn những căn nhà tuềnh toàng, nhếch nhác nằm trong con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm "mái ấm" của đời mình. (mảnh đời, đắng cay , xóm chạy thận)
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một quê hương, nhưng hơn 20 năm nay, họ đã chọn những căn nhà tuềnh toàng, nhếch nhác nằm trong con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm “mái ấm” của đời mình.
Chung một số phận
Đại đa số cư dân của “xóm chạy thận” đều là những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ giống nhau ở chỗ chẳng có bất kỳ khoản thu nhập nào. Cách đây 9 năm, bà Lê Thị Hoài (63 tuổi, quê ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) phát hiện mình bị suy thận. Lúc lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị, chồng bà - ông Dương Xuân Chiên (69 tuổi) vội vã đi theo để phục vụ “công tác hậu cần”. Thế rồi khi biết vợ phải chạy thận hàng tuần, ông bà chẳng còn cách nào khác là bỏ lại toàn bộ nhà cửa ruộng vườn dưới quê để lên Hà Nội thuê trọ.
Suốt 9 năm qua, căn nhà ở quê của 2 ông bà đã thành hoang phế, trong khi nơi ở mới vẫn là tạm bợ và chẳng biết bao giờ mới có thể an cư. Bà Hoài bảo, ngày mới lên Hà Nội, những món tiền mà 2 vợ chồng dành dụm bao năm chỉ tiêu vài tháng là hết sạch. Cũng may sau đó bà được cấp thẻ BHYT hộ nghèo, chi phí chạy thận hàng tuần được nhà nước chi trả toàn bộ nên mới sống được đến bây giờ.
Nhưng đất Hà Nội, không thể hít khí trời mà sống được, vợ chồng già lại chẳng biết nghề gì ngoài làm ruộng. Thế nên, sau khi chạy thận, bà Hoài kiếm một góc đường ngồi bán vài ấm chè chén, dăm bao thuốc, gói kẹo lạc làm kế mưu sinh. Còn ông Chiên thì kiêm thêm nghề đánh giày. Tiền thu nhập từ quán nước chè và hòm đánh giày đủ để ông bà trả tiền phòng trọ và ngày 2 bữa cơm.
Tai ương chưa hết, cuối năm ngoái, ông Chiên phát hiện ra mình đã mắc bệnh ung thư đại tràng. Cứ mỗi lần đi truyền hóa chất về là ông lại nằm bệt không thể nào dậy nổi. Những lúc ấy, bà Hoài chỉ biết đưa cánh tay gày guộc với những đường tĩnh mạch nổi to như sợi chão sờ lên trán chồng rồi thở dài.
Bây giờ thì ngay cả đánh giày hay bán quán nước ông bà cũng không đảm đương được nữa. Bà Hoài bảo: “Thu nhập của chúng tôi chỉ trông vào sự trợ giúp của họ hàng và mấy đứa con. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ biết làm sao. Không chỉ có chúng tôi mà tất cả cư dân của “xóm chạy thận” này đều giống nhau như vậy cả”.
Theo Nguyễn Long/ANTD.VN
.