Đến Mèo Vạc trong một ngày giữa thu, trời dịu mát, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến kì diệu của vùng đất cao nguyên đá. Từ trên đỉnh núi Mã Pì Lèng hùng vĩ phóng tầm mắt xuống thung xa, thị trấn Mèo Vạc hiện ra như một bức tranh thuỷ mặc của đại ngàn...
 


Trò chuyện với phóng viên CAND, ông Nguyễn Chí Thường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và sự đầu tư của Nhà nước, đời sống của hơn 6 vạn bà con các dân tộc ở Mèo Vạc đã từng bước được nâng lên.  Dù còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống đường ôtô đã vươn đến 100% số xã, điện lưới quốc gia đã về tận các thôn, bản, trẻ em được cắp sách đến trường, các hủ tục mê tín dị đoan được loại bỏ dần ra khỏi cộng đồng, an ninh quốc phòng được củng cố vững chắc, xứng đáng là phên giậu nơi tiền tiêu Tổ quốc”.

Du lịch Mèo Vạc – tiềm năng chờ được đánh thức

Chúng tôi đến xã Pả Vi - một trong những điểm sáng trong phong trào xoá đói giảm nghèo và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ nhiều năm nay, người dân xã Pả Vi đã thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, vươn lên làm giàu bằng việc trồng cỏ và chăn nuôi bò hàng hóa. Hộ gia đình ông Thào Seo Lử – người dân tộc Mông, ở bản Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng để chăn nuôi bò lai. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Lử trở thành một hộ nông dân giỏi thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Quan trọng hơn, học theo gia đình ông Lử, nhiều người dân bản Pả Vi Thượng làm theo, họ đã và đang thoát nghèo.

Ông Nguyễn Chí Thường cho biết, 3 năm qua, đã có 1.738 hộ được vay vốn phát triển nghề nuôi bò thịt, với tổng số vốn 29,9 tỷ đồng. Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay tín dụng ưu đãi… đàn bò của huyện tăng bình quân 5,3%/năm, từ 16.430 con năm 2000, tăng lên 29.392 con năm 2011 và hiện nay là 31.500 con, với trên 3.500ha cỏ phân tán. Bên cạnh đó, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình như: Mô hình nuôi lợn nái ở xã Tả Lủng, trồng cỏ chăn nuôi ở xã Pả Vi, may mặc trang phục dân tộc ở Sủng Máng, trồng mía đen ở Khâu Vai, nuôi chim bồ câu ở Lũng Pù... Qua đó, số hộ nghèo của huyện giảm nhanh qua từng năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2006, tăng lên 5,5 triệu đồng năm 2012 và hiện nay đang tiếp tục tăng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Mèo Vạc đang từng bước quy hoạch, đầu tư hạ tầng để khơi dậy những lợi thế sẵn có về thiên nhiên, con người, thúc đẩy phát triển du lịch. Đây được coi là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời tạo dựng vị trí quan trọng của huyện trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Với lợi thế về những điểm du lịch hấp dẫn như thắng cảnh Quốc gia Mã Pì Lèng, Làng Văn hóa du lịch (VHDL) người Mông tại Tả Lủng B, Làng VHDL của người Lô Lô tại Sảng Pả A, rừng “Hoa đá” tại Lũng Pù, Khâu Vai... tạo cho Mèo Vạc một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Đặc biệt, ở Mèo Vạc có chợ tình Khâu Vai, mỗi năm 1 lần, đây là điểm hẹn của những đôi tình nhân và du khách. Đến đây, khách du lịch không chỉ bị cuốn hút bởi văn hóa dân tộc mà còn là dịp có thể trải nghiệm và cảm nhận tình người ấm áp giữa đất trời cao nguyên đá. Do vậy, huyện đã định hướng “du lịch trải nghiệm” ngay tại nhà dân là trọng tâm phát triển, du khách có dịp được chứng kiến, tham gia các hoạt động thường ngày của người dân, được thưởng thức những món ăn bản địa và ra về với món đồ kỷ niệm được sản xuất bằng phương pháp truyền thống...

Ông Nguyễn Chí Thường cho biết thêm, hiện nay, huyện có 17 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đảm bảo phục vụ tốt cho khoảng 10.000 lượt du khách/năm.

Dẫu cuộc sống còn khó khăn, khí hậu đầy khắc nghiệt nhưng người dân Mèo Vạc vẫn vững vàng trên bạt ngàn đá núi. Mèo Vạc giờ đây đang khoác lên mình một chiếc áo mới, và trong công tác ANTT trở thành điểm sáng nơi địa đầu Tổ quốc.
 

Theo Công an nhân dân