(BVPL) - “Làm cả năm thì được mỗi 2-3 ngày gần tết này là đông khách nhất, cho nên chúng em sẽ về tết muộn hơn mọi người, tranh thủ kiếm thêm tí chút về quê cho các cháu ăn tết” – Anh Nam nói với tôi trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt quệt xi và đánh bóng cho đôi giày của khách.
 
Hôm nay là mộg ngày cuối cùng của năm Quý Tỵ, chỉ còn vài ngày nữa là đến tết. Một số cơ quan công sở đã đóng cửa cho nhân viên nghỉ tết. Nhiều quán ăn, quán cà phê cũng đã đóng cửa vắng lặng. Đường phố Hà Nội trở nên đông đúc hơn, người dân tấp nập đi sắm tết, những người ở tỉnh xa hối hả ra bến xe để về quê sum họp gia đình.
 
Anh Nam cho rằng, nghề đánh giầy cần tỉ mỉ, cẩn thận
Anh Nam cho rằng, nghề đánh giầy cần tỉ mỉ, cẩn thận - Ảnh: ĐS
 
Đối với anh Nam thì mấy hôm này mới là những ngày “gặt hái” của nghề đánh giày. Bởi tâm lý ai cũng muốn ngoại hình của mình tươm tất hơn trong những ngày tết nên khách đánh giày của anh Nam đông hơn. Những ngày thường, trung bình một ngày anh Nam có khoảng 20-30 khách. Nhưng mấy ngày cuối năm này thì đông hơn nhiều, có thể lên tới 80-100 khách, làm liền tay không dứt.
 
Ngồi xổm, đôi mắt chăm chú vào đôi giày, tay trái cầm chiếc giày, tay phải cầm bàn chải lia đi lia lại một cách thuần thục và điệu nghệ, anh Nam nói với tôi: “Giày da đen là dễ đánh và đánh nhanh nhất. Nếu anh ăn xong một bát phở, thì em đánh xong 3 đôi, nói chung một tiếng em đánh được khoảng 10 đôi giày”. Anh cho rằng những đôi giày nỉ, giày vải thì đánh lâu hơn giày da.  
 
Anh Nam cho biết quê anh ở tận xã Nam Hải, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm nay anh 42 tuổi, có 4 đứa con. Thằng lớn nhà anh đang học trường cao đẳng ở Hà Nội. HIện anh Nam thuê trọ với mấy đồng nghiệp ở khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), anh hành nghề đánh giày ở Hà Nội đã được 7 năm. Đồ nghề của anh Nam khá gọn nhẹ: mấy hộp xi với đầy đủ các màu đen, trắng, nâu; một bàn chải đánh giày và đánh bóng, vải da và miếng đánh bóng, một lọ cồn nhỏ, một lọ dấm nhỏ, vài đôi dép và khoảng chục đôi lót giày mới phòng khi khách cần mua… Tất cả chỉ gói gọn trong một cái làn nhựa, cộng thêm cái tính cần cù và đôi bàn tay khéo léo là anh Nam đã có thể “tung hoành” khắp các ngóc ngách, quán trà đá, cà phê của khu tập thể Thành Công này. 
 
Các quán ăn, cà phê, trà đá là nơi anh Nam thường tới kiếm khách - Ảnh: ĐS
Các quán ăn, cà phê, trà đá là nơi anh Nam thường tới kiếm khách - Ảnh: ĐS
 
Anh Nam cho rằng, nghề đánh giày không khó. Nhưng điều quan trọng là phải tỉ mỉ, cẩn thận thì mới có thể đánh được một đôi giày thật bóng, đẹp làm vừa lòng khách. Trước khi đánh xi, phải lau chùi làm sạch các bụi bẩn bám trên giày bằng miếng vải cotton hay miếng da mềm, cẩn thận để không làm xước giày. Sau khi giày đã sạch và khô, lấy một lượng xi thích hợp và dùng bàn chải đánh đều lên bề mặt giày, ở những nơi khó đánh thì dùng bông tăm hay bàn chải đánh răng thay thế.
 
Để khoảng 15-20’ để giày khô. Khi giày đã hoàn toàn khô, sẽ dùng bàn chải đánh bóng tiếp lượt nữa, những nơi bàn chải không đánh tới  thì anh Nam sử dụng bông tăm hoặc giẻ cotton thay thế. Khi hoàn thành xong các “công đoạn” trên, khách sẽ có một đôi giày sáng bóng như mới không cần phải quá cầu kì hay phức tạp.
 
Anh Nam còn “bật mí” với tôi thêm một số mẹo như: khi đánh xi giày, nên cho vào xi vài giọt giấm ăn sẽ làm cho giày bóng thêm và lại khó bám bụi. Muốn đánh giày thật bóng, có thể cho vào xi vài giọt nước sạch. Nếu là giày cũ, sau khi đánh xi xong nên thoa lên giày một lớp sáp rồi dùng vải mềm đánh bóng. Dùng bít tất sợi ni lông cũ bọc bàn chải đánh giày, sau đó quệt xi đánh giày, giày sẽ càng bóng. Những loại giày màu nhạt rất hay bị bẩn, trước khi hi đánh xi cần dùng một lát chanh chùi sạch rồi mới đánh.
 
Cũng như những nghề khác, nghề đánh giày của anh Nam cũng có nhiều “đối thủ” cạnh tranh. Tuy nhiên với kinh nghiệm 7 năm trong nghề, anh Nam có những cách giữ khách riêng của mình. “Em làm thật cẩn thận và tốt hơn người khác để lần sau khách vẫn nhớ đến mình. Những ngày cuối năm thứ gì cũng tăng giá. Một số thợ đánh giày cũng nâng giá tiền đánh giầy lên. Nhưng em vẫn chỉ lấy giá tiền 10 ngàn đồng một đôi như những ngày thường”. – Anh Nam chia sẻ.

 

Anh Nam cần mẫn đánh giày cho khách
Anh Nam cần mẫn đánh giày cho khách - Ảnh: ĐS
 
Nhờ tính cẩn thận mà khách của anh Nam khá đông. Ngoài khách quen ở các quán ăn, cà phê, trà đá, anh còn thường đến đánh giày tận nhà riêng khi khách ruột gọi điện.
 
Khi tôi ngỏ ý sẽ viết bài về anh đăng báo, anh Nam ngại ngùng bảo đừng chụp ảnh rõ mặt nhé, anh không muốn mặt anh lên báo đâu. Trán rịn mồ hôi, đôi tay vẫn nhịp nhàng thoăn thoắt, chăm sóc tỉ mẩn từng đôi giày của khách, cạnh chỗ anh ngồi là cốc trà xanh nóng giờ đã nguội ngắt. Dường như anh Nam đang rất vui, vì anh đang cố gắng để tranh thủ có thêm một khoản kha khá về ăn tết với gia đình.
 
Đặng Sinh