Tại khoản đ, Điều 15, Luật Báo chí Việt Nam quy định quyền và nghĩa vụ của nhà báo: Nhà báo được hưởng một chế độ ưu tiên, ưu đãi cần thiết cho hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ.
“Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy phương tiện tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Nhà báo, anh là ai ?
Một nhà báo nước ngoài đã nói trên mạng truyền thông về nghề báo: “Nhà báo là người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”. Người nói câu ấy là nhà báo từng có mặt ở những điểm nóng của chiến tranh thế giới. Ông đã chứng kiến nhiều nỗi đau, sự mất mát và chết chóc của con người. Với sứ mạng cao cả và lòng yêu nghề, nhiều nhà báo vẫn dấn thân dù biết rõ rằng, vì một bài báo dở bạn có thể mất việc, viết một bài báo hay bạn có thể mất mạng. Người làm báo cũng định trước cho mình một hướng đi để trọn vẹn với nghề, dù biết rằng nghề này không giàu, nếu “TÂM” của người làm báo được đặt lên trên.
Ở các nước tư bản báo chí được ví là quyền lực thứ tư trong hệ thống tam quyền phân lập. Ở ta không phải vậy. Trong sự nghiệp đổi mới, vai trò báo chí được nhà nước coi trọng, trong đó có nhiệm vụ chuyển tải thông tin đến bạn đọc, tạo luồng dư luận để phán xét sự việc một cách bình đẳng, đúng pháp luật. Báo chí cũng đưa ra công luận nhiều vụ vi phạm pháp luật được chính quyền các cấp và nhân dân ủng hộ. Nhưng cũng có nhiều vụ việc làm đau lòng, các nhà báo đi tác nghiệp đã gặp không ít khó khăn, thậm chí có khi còn bị hành hung, bị khống chế bởi một thế lực nào đó. Bởi nhiều nhà báo đã quyết liệt soi rọi tận ngóc ngách, phanh phui những việc làm không đúng pháp luật, đi ngược lại lợi ích chung của xã hội, gây ảnh hưởng quyền lợi đời sống của người dân, thậm chí gây thiệt hại lớn về ngân sách và uy tín của nhà nước. Người làm báo sẵn sàng đương đầu và dũng cảm đưa các vụ việc đó ra ánh sáng, giúp các cơ quan có thẩm quyền can thiệp và giải quyết đúng luật và đem lại công bằng cho người dân. Nhiều vụ nhà báo đi tác nghiệp bị đe dọa, hành hung gây nguy hiểm đến tính mạng là vì thế.
|
Ảnh minh họa. |
Ai bảo vệ người cầm bút ?
Phần lớn những vụ nhà báo bị đe dọa hành hung khi tác nghiệp là do các thế lực tiêu cực gây ra, trong đó không loại trừ có chỉ đạo từ xa của những người trong chính quyền cơ sở khi những việc làm tiêu cực của họ có nguy cơ bị phanh phui và những bài điều tra có thể sẽ đụng chạm đến quyền lợi của “ông kẹ” nào đó!
Thực trạng này có khi cũng làm cho những cây bút chống tiêu cực chùn tay. Người làm báo chỉ có cây bút để thực hiện nhiệm vụ, nhưng trước những thế lực hung hăng, có khi còn có vũ khí, chuyện bị xâm phạm cơ thể, thậm chí tính mạng không phải là chuyện khó hiểu. Đáng tiếc nhiều vụ xử lý lại chẳng đến đâu. Có khi xử cho có lệ rồi vụ việc lại chìm xuồng. Điều này làm cho người làm báo bị tổn hại tinh thần, vật chất trầm trọng. Cách đây không lâu, PV Báo Nông Thôn Ngày Nay đi tác nghiệp bị đánh ở phường Cái Khế - Ninh Kiều - Cần Thơ.
Khi PV tới hiện trường để ghi hình ảnh một tai nạn giao thông do chiếc xe mang biển số xanh gây ra, thì bị một số người lạ mặt hung hãn bao vây hành hung đập bể máy ảnh, khiến nhà báo này phải chạy trối chết đến Công an phường Cái Khế xin lánh nạn. Theo bà con tại địa phương, chiếc xe mang biển số xanh là của quan chức trong tỉnh, gây tai nạn xong định bỏ chạy. Còn nhà báo Lý Nam là PV thường trú của Báo Nhân Đạo & Đời Sống ở Bình Thuận, trên đường đi công tác từ La Gi về Phan Thiết, đến xã Tân Thuận - Hàm Tân thì bị một nhóm người cầm dao phay chặn đường gây sự, nhóm người này vừa chửi rủa vừa xô đẩy khống chế tinh thần anh. Anh Nam đưa Thẻ Nhà báo ra thì bị giật mất và đập luôn máy ảnh. Sau sự việc người ta được biết các nhân vật hành hung anh là người nhà của các “quan xã” Tân Thuận - huyện Hàm Tân, trong đó có Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thuận. Người giựt Thẻ Nhà báo của anh Nam là Trưởng thôn Thanh Phong. Nhà báo Lý Nam bị nạn là do trước đó anh có nhiều bài viết về nạn khai thác Titan trái phép của một vài đơn vị trên địa bàn. Mới đây nhất, hai phóng viên của Báo Giao Thông tác nghiệp ở quận 9, TP.HCM cũng đã bị nhóm côn đồ tấn công gây thương tích phải nhập viện... khi được chính quyền địa phương can thiệp thì đã thương tật cùng mình.
Báo chí đã có Luật, nhưng xem ra Luật chưa đủ để bảo vệ nhà báo. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, khi được hỏi về vấn nạn này, Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm VP Quốc hội cho biết : “Chắc chắn trong thời gian tới khi sửa Luật Báo chí, phải quan tâm tới vấn đề này, cần đưa ra biện pháp chế tài, xử lý các hành động đó để bảo vệ phóng viên”. Bà Nguyễn Thị Khá, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có ý kiến: “Các phóng viên, nhà báo đi thu thập thông tin là thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao. Do đó, các hoạt động của nhà báo trong tác nghiệp cũng là hoạt động công vụ. Báo chí làm theo luật, những người chống lại hoạt động thi hành công vụ phải có biện pháp chế tài xử lý”.
Theo Người tiêu dùng