Bến đò ngang thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một trong nhiều bến đò hoạt động không phép, kém an toàn.

 


Trưa 26.11, tổ kiểm tra của Phòng CSGT đường thủy, CA tỉnh, có mặt tại bến đò và ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, chủ đò và người đi đò, đặc biệt là học sinh không tuân thủ các quy định an toàn đường thủy. Toàn bộ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở Cồn Chim đều phải đi đò sang trung tâm xã, huyện học. Hầu như chuyến đò nào chở học sinh cũng quá tải. Bình thường, vào giờ tan trường, có khoảng 30 học sinh chen chúc trên một chuyến đò, hôm đó, phải đến khi tổ kiểm tra yêu cầu hạ tải, lái đò mới chở mỗi chuyến chở khoảng 15 em.

Ngoài việc đò chở quá tải, điều kiện an toàn cho người đi đò lại thiếu trầm trọng. Trên đò đông người nhưng chỉ có 6 chiếc phao cứu sinh. Em Hồ Thị Phước, học sinh lớp 8 Trường THCS Phước Sơn, cho biết: “Mỗi lần qua sông tụi em đều không mặc áo phao, chủ đò không có mà có tụi em cũng không mặc vì vướng lắm”.

Hàng năm, Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT đường thủy, CA tỉnh đều tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và tặng áo phao cho học sinh nhưng chủ đò và người đi đò đều không quan tâm đến áo phao. Khi được hỏi vấn đề này, chủ đò Huỳnh Văn Pha “vô tư”: “Áo phao để ngoài nắng mau hư, mà đây qua đó có chút xíu, tui lái đò ở đây lâu năm rồi, có bị sao đâu”.

Do nhu cầu đi lại của người dân nhiều, trong khi muốn cấp phép, bến đò cần rất nhiều điều kiện về bến bãi, thuyền đò nên trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều bến đò không phép đang hoạt động. Vì vậy, ngoài việc cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, xử lý chủ đò vi phạm, chính quyền và nhà trường ở những địa phương có bến đò không phép nói chung, xã Phước Sơn nói riêng cần nhắc nhở và có biện pháp đối với người dân, học sinh của mình để mọi người ý thức khi qua đò phải mặc áo phao, bảo vệ tính mạng của mình.

 

Theo Báo Bình Định

.