Khi mới mở mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ “miễn phí”, bà chủ phải đi lượm ve chai. Chỉ hơn 10 năm sau, cơ ngơi của bà nhiều người phải mơ ước.
 
Sau nhiều lần di chuyển, đến tháng 8-2010, mái ấm Hoa Mẫu Đơn (HMĐ) được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Phú, TP HCM cấp phép hoạt động tại 25/30 Đoàn Giỏi, phường Sơn Kỳ. Mái ấm này do bà Phạm Thiên Đơn (tức Phạm Thị Tuất) làm chủ.
 
Miễn phí trước, thu tiền sau!
 
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến mái ấm HMĐ là ngổn ngang bụi bẩn, bàn ghế chất đầy lối đi. Thấy khách ái ngại, bác bảo vệ cho biết: “Do cơ sở đang kêu gọi nâng cấp nên vậy, sửa chữa hơn 3 tháng rồi nhưng vẫn chưa đâu vào đâu”.
 
 Do không có 1,2 triệu đồng/tháng đóng cho mái ấm nên người mẹ đành viết giấy cho con - bé Thiên Thanh (trái)
Do không có 1,2 triệu đồng/tháng đóng cho mái ấm nên người mẹ đành viết giấy cho con - bé Thiên Thanh (trái)
 
Ngay cổng ra vào HMĐ, một tấm băng rôn to tướng treo trên tường kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ để nâng cấp mái ấm. Khi biết chúng tôi đến thăm các bé, bà Đơn vồn vã đưa lên lầu và nhiệt tình giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của nhiều cháu bị cha mẹ bỏ rơi.
 
Theo giới thiệu trong tờ rơi thì hiện nay, mái ấm HMĐ đang nuôi dưỡng 70 trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc gia đình khó khăn gửi vào để “mẹ Đơn” cưu mang miễn phí. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp ban đầu cũng miễn phí nhưng về sau, bà Đơn yêu cầu phải đóng tiền hằng tháng để “thể hiện trách nhiệm với con cái”.
 
Mất 2 tháng giằng co, bé Nguyễn Trần Anh Khoa mới được rời khỏi mái ấm.
Mất 2 tháng giằng co, bé Nguyễn Trần Anh Khoa mới được rời khỏi mái ấm.
 
Một lần, chúng tôi gặp Vy (quê Đắk Lắk), mẹ bé Thiên Thanh, khi chị ghé thăm đứa con 4 tháng tuổi ở HMĐ. “Do một mình sinh con, lại bị băng huyết nên tôi không có khả năng nuôi bé, đành phải gửi vào mái ấm, khi nào có điều kiện thì đón về” - Vy phân trần. Thế nhưng, 1 tháng sau, khi quay lại HMĐ, chúng tôi được các bảo mẫu cho biết Vy đã viết giấy cho con vì không kiếm đâu ra khoản tiền 1,2 triệu đồng/tháng đóng cho mái ấm.
 
Đang gặp khó khăn, sẵn có người quen giới thiệu, chị Phan Thị Yến Loan (quê Lâm Đồng) liền dắt 2 con Phạm Trung Kiên (10 tuổi) và Phạm Hoàng Long (3 tuổi) đến gửi HMĐ. Bà Đơn yêu cầu Loan viết giấy cho con nhưng hứa khi nào chị có điều kiện sẽ cho rước 2 bé về. “Tôi đành viết giấy cho con. Lúc đầu, bà Đơn không lấy tiền nhưng một năm nay thì kêu đóng 500.000 đồng/tháng”. Anh Lê Vĩnh (quê Bình Phước) cũng phải đóng 3,5 triệu đồng/năm cho HMĐ để 2 con “đi học”.
 
Rất nhiều người cứ đinh ninh gửi trẻ vào HMĐ được miễn phí nhưng sau đó bị đòi tiền, không có đóng đành phải lần lữa xin khất, như ông Lê Văn Ẩn (tạm trú TP HCM, ông ngoại bé Nguyễn Quang Minh), chị Sùng Thị Ca (quê Đắk Lắk, mẹ bé Sùng Mai Chi)...
 
Đón con ra, phải “đền” tiền
 
Nhiều trường hợp khi gửi các bé vào mái ấm HMĐ, cha mẹ chỉ vì quá khó khăn chứ không hề chối bỏ con cái nhưng bà Đơn vẫn yêu cầu viết giấy cho con. Chính vì đã viết giấy này nên có người muốn rước con về đã gặp không ít khó khăn.
 
Phải mất gần 2 tháng giằng co với bà Đơn, đồng thời nhờ sự can thiệp của UBND phường Sơn Kỳ, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Đạt (quê Kiên Giang) mới mang con ra được. Chỉ cho chúng tôi xem những vết thẹo sau đầu và chi chít dưới chân bé Nguyễn Trần Anh Khoa (8 tháng tuổi), anh Đạt buồn bã: “Khi chúng tôi đón Khoa từ mái ấm về thì người bé đầy ghẻ ngứa, liên tục chảy nước vàng. Nếu biết họ bỏ bê trẻ thế này, có khó khăn đến mấy thì tôi cũng không gửi con vô đó làm gì”.
 
Khoa là con thứ 3 của vợ chồng anh Đạt. “Vợ mới sinh con, tôi lại không có việc làm ổn định. Nghe hàng xóm giới thiệu HMĐ nhận cưu mang trẻ miễn phí, chúng tôi định mang Khoa gửi tạm mái ấm vài tháng, khi vợ chồng đi làm ổn định sẽ đón về. Khi yêu cầu viết giấy cho con, bà Đơn hứa khi nào bé lớn, gia đình có điều kiện thì cứ rước về. Thế nhưng, mỗi lần chúng tôi lên thăm Khoa, bà Đơn đều tỏ vẻ không thích. Thấy người con đầy ghẻ ngứa, xót ruột quá, chúng tôi xin đón bé về nhưng bà Đơn không đồng ý, cho rằng vợ chồng tôi không đủ điều kiện nuôi” - anh Đạt kể.
 
Theo Đạt, bà Đơn ra điều kiện vợ chồng anh muốn đón con về phải trả cho bà 4 triệu đồng và khoản tiền nuôi dưỡng bé 2,5 triệu đồng/tháng, tổng cộng 15,5 triệu đồng. “Do khó khăn, chúng tôi xin đón bé về trước rồi trả tiền dần nhưng bà Đơn không đồng ý. Phải 2 lần ra UBND phường hòa giải, cuối cùng bà Đơn mới đồng ý lấy tiền công nuôi dưỡng bé 1,2 triệu đồng/tháng và cho chúng tôi trả góp” - anh Đạt cho biết.
 
Sở hữu nhiều nhà
 
Trên tờ rơi gửi cho mạnh thường quân và khách ghé thăm, bà Đơn kể lể: Vì cám cảnh các cháu nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, vô gia cư, bà tiếp cận và giúp đỡ, đưa về dạy dỗ. Năm 1998, mái ấm HMĐ ra đời, ban đầu nuôi dưỡng hơn 10 trẻ. Để có tiền lo cho mình và các bé, bà Đơn phải đi lượm ve chai khắp các nẻo đường...
 
Thế nhưng, sau hơn 10 năm, mái ấm HMĐ đã phát triển thành 2 cơ sở. Cơ sở trên đường Đoàn Giỏi là căn nhà 5 tầng lầu, diện tích 168 m2. Cơ sở 2 vừa xây dựng hoàn tất tại số 1014/62/18 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình với 4 tầng lầu khang trang, dự kiến sẽ là Nhà Mầm non HMĐ. Bà Đơn vẫn đang kêu gọi mạnh thường quân tiếp tục đóng góp cho cơ sở này. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết nó đang được bà Đơn rao bán (thông qua người cháu tên Lại) với giá 7 tỉ đồng.
 
Bà chủ mái ấm HMĐ lượm ve chai ngày nào còn sở hữu 2 căn nhà liền kề (141/97A và 171/97/2 đường số 13, phường 4, quận 8), cũng đang rao bán thông qua Lại. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Lại cho biết 2 nhà này đang làm sổ hồng, bán với giá 2,5 tỉ đồng. Ngỡ chúng tôi là khách hỏi mua, anh ta còn giới thiệu nhà có 15 phòng cho thuê, nếu kín chỗ thì mỗi tháng kiếm 17-18 triệu đồng như chơi.
 
Ngoài ra, bà Đơn còn sở hữu một căn nhà khá rộng ở khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 nhưng người em dâu T.T.K.A đứng tên. Khi chúng tôi đến đây hỏi thăm thì chị Y., người thuê nhà, khẳng định: “Nhà này của bà Đơn. Hằng tháng, tui đều đóng tiền thuê nhà cho bà ấy”...
 
Không được mở cơ sở 2
 
Bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND phường 5, quận Tân Bình - cho biết việc chủ cơ sở bảo trợ xã hội HMĐ xin mở cơ sở 2 tại số 1014/62/18 Cách Mạng Tháng Tám để nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật không được UBND quận và phường chấp nhận.
 
Theo bà Liễu, nguyên nhân là do cơ sở này chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện để chăm sóc trẻ.
 
Theo NLĐ