Cho rằng đang bị ma ám, 16 hộ dân người Cơ Tu, với 75 nhân khẩu ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã bỏ làng đi hẳn, chỉ 3 hộ nằm tách biệt với làng hơn 100m còn bình tĩnh ở lại. Mọi nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, huyện đều “thua” phong tục “một đi không trở lại” mà người dân ở đây tuân thủ bao đời.
 
 
Ông Huỳnh Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Sông Kôn - không giấu được vẻ mệt mỏi vì sự việc xảy ra quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền xã. Ông cho biết những ngày qua, hơi ngại tiếp xúc báo chí vì không biết phải nói gì, diễn tả như thế nào cho phải lẽ: “Phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương thì dễ trả lời nhưng liên quan đến phong tục, tập quán thì rất khó nói. Người dân quá hoang mang tư tưởng vì trong làng liên tiếp xảy ra chết chóc đồng kiểu. Và theo suy nghĩ của họ thì đây là điều hết sức xấu. Ở đây mỗi làng mỗi phong tục khác nhau, bản thân tôi cũng không thể hiểu hết, ngay cả việc cúng bái của 16 hộ dân vừa chuyển đi rồi đây cũng phải họp các già làng lại để họ cho ý kiến cách cúng bái sau này...”.
 
Cũng theo ông Thanh, nguồn cơn dẫn đến việc người dân cùng lúc đập nhà bỏ đi vì một vài người trong tổ 2 đã đi xem bói toán và được thầy bà phán nếu còn ở lại làng thì sẽ có 3 người (2 đàn ông, một phụ nữ) tiếp theo sẽ chết. Nghe vậy, ai cũng lo sợ, rồi cùng nhau bỏ làng. Về việc này xã đang điều tra ra xem thầy bà nào đã phán như vậy. Và ông than thở: “Chuyện cũng đã xảy ra, chúng tôi thực sự không muốn, nhưng người dân nhất quyết không về thì đành chịu. Tôi chưa bàn đến phong tục, nhưng thực sự tiếc những ngôi nhà cả trăm triệu đồng bị đập bỏ.
 
Cái chính bây giờ là chúng tôi sẽ tập trung an dân, tiếp tục làm công tác tư tưởng, nhất là hỗ trợ người dân dựng lại nhà mới ở tổ 1 của thôn Bút Tưa, giúp họ sớm ổn định tinh thần quay trở lại làm ăn sinh sống; đồng thời sẽ bố trí lực lượng bảo vệ tài sản người dân chưa chuyển đi kịp”. Rồi ông chuyển sang một thông tin mới, như để tự trấn an: “Trong tương lai, địa phương sẽ phát triển khu du lịch Bhohoong dọc sông Kôn, đời sống người dân sẽ sớm khá lên thôi...”.
 
Theo Lao động