(BVPL) - Các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang triển khai một “chiến dịch” lớn chưa từng có lập lại trật tự đô thị, giành vỉa hè cho người đi bộ. Liệu “chiến dịch” này có thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay vẫn tái diễn “kịch bản” cũ với sự thiếu ổn định, thiếu tính bền vững. Rõ ràng, cần tìm ra nguyên nhân sâu xa để có bước “đột phá” trong công tác quản lý đô thị ở nước ta.
Thủ đô Hà Nội ngày 10/3/2017 mới khai màn “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Không có “người hùng” như ông Đoàn Ngọc Hải, không tập trung triển khai vào một điểm như TP. Hồ Chí Minh, mà Hà Nội thực hiện gần như đồng loạt trên tất cả các quận, huyện và mức độ “ra tay” cũng không kém Q.1. Lực lượng chức năng đưa máy xúc, mũi khoan phá dỡ bậc tam cấp, phần lấn chiếm vỉa hè ở các phố. Mái vẩy, bảng hiệu quảng cáo, bãi giữ xe lấn chiếm hè phố đều bị dẹp bỏ… Ai chứng kiến cảnh máy xúc mũi khoan phá bỏ bậc tam cấp ở phố Xã Đàn mới thấy hết tính quyết liệt của “chiến dịch”. Thế nhưng sau gần 1 tháng, nhìn chung tình hình có chuyển biến song không đáng kể, không cơ bản. Thậm chí ở hầu hết các phố cổ của Hà Nội tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn “đâu lại vào đấy”, người đi đường vẫn không thể cuốc bộ trên bất cứ hè phố nào ở khu vực này. Trong một hội nghị cán bộ thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân của thực trạng này: Trong 180 quán bia vỉa hè, có tới 150 quán công an “đứng sau”. Được “bảo kê” như thế thì khó dẹp bỏ là phải. Tài sản công vỉa hè bị chiếm dụng hàng chục năm nay nhưng giải quyết vẫn bế tắc với chính quyền?
Cần làm gì bây giờ? Để giải bài toán “hóc búa” không thể cứ theo cách cũ, mòn trước đây? Câu trả lời là: Học tập kinh nghiệm lập lại, duy trì trật tự đô thị, vỉa hè của các nước phát triển trên thế giới. Để được sử dụng vỉa hè, phải được cấp giấy phép, trả lệ phí và tuân thủ những quy định. Vì vỉa hè là tài sản của toàn dân, không phải của bất kỳ một cá nhân nào. Ai chiếm dụng vỉa hè đồng nghĩa vi phạm pháp luật. Điển hình của những kinh nghiệm trong công tác này là ba thành phố lớn trên thế giới: New York (Mỹ), Paris (Pháp), Lon don (Anh).
Để được sử dụng vỉa hè và bán hàng rong tại các thành phố như: New York, London, Paris, người bán hàng phải được cấp giấy phép, trả lệ phí cho chính quyền và tuân thủ nhiều quy định.
Ở TP. New York, tầng lửng của khách sạn Grand Hyatt New York thu hút nhiều ánh nhìn vì nó được xây dựng với cấu trúc độc đáo, nhô ra khỏi vỉa hè. Để được phép kinh doanh như vậy, khách sạn phải trả 300.000 USD/năm cho thành phố. Người ta tính rằng, tổng lệ phí sử dụng vỉa hè thu được ở New York đã tăng khoảng 50% trong thập kỷ qua. Thành phố này có những quy định cụ thể cho những phần vỉa hè, vị trí công cộng khác, mức lệ phí của những vị trí khác nhau cũng khác nhau. Ngoài ra, còn đặt ra các quy định như: quầy hàng phải được đặt ở độ cao nhất định, không bán hàng trong phạm vi 300m của một giao lộ, cũng không được bán trong phạm vi 300m của một bến xe buýt. Thông thường mức phạt đối với người không có giấy phép là 1.000 USD, các hành vi vi phạm khác có thể lên tới 500 USD.
Tại nhiều quốc gia châu Âu, việc mở nhà hàng, quán café trên lề cũng được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Ở Paris, 25% diện tích vỉa hè thành phố được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê. Giá thuê tại các khu phố ít người qua lại là 16 EUR (hơn 17 USD) mỗi năm cho một mét vuông. Tại những địa điểm sầm uất như: đại lộ Champs-Elysée, nơi nổi tiếng với các nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng xa xỉ phẩm, giá thuê có thể lên tới 88 EUR (95 USD). Các quán café bắt buộc phải dành tối thiểu 1,6m cho người đi bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn thẩm mỹ và môi trường. Cửa hàng sẽ bị phạt nếu lắp đặt những biển hiệu được đánh giá là thiếu thẩm mỹ cũng như những thiết bị sưởi ấm trái quy định. Hàng quán nào thiếu gạt tàn sẽ bị phạt.
Tại London, nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, người bán cũng phải xin giấy phép. Một số địa điểm chỉ cho phép mở các gian hàng bán kem. Lệ phí tại khu vực trung tâm có thể lên đến hơn 50 USD một ngày. Nếu muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như: chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy phép khác.
Kinh nghiệm quản lý đô thị văn minh, để hè phố là bộ mặt của thành phố, của các thành phố lớn trên thế giới là những “gợi ý” hay cho các đô thị nước ta, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cần phải nhắc lại nguyên tắc: Muốn được sử dụng vỉa hè và bán rong phải được cấp giấy phép, nộp lệ phí và tuân thủ những quy định. Nếu làm được như vậy, đây sẽ là bước “đột phá”, một sự thay đổi cơ bản, mang lại sự ổn định, bền vững trong công tác quản lý đô thị ở nước ta.
Minh Phan