“Ông lão vẽ giống lắm” luôn là câu nhận xét của những khách hàng nhờ đến cọ vẽ của họa sĩ Từ Hoa Lợi để tái hiện một bức chân dung của người thân đã quá cố.
Phải tận mắt chứng kiến tìm đến giá vẽ của họa sĩ Từ Hoa Lợi trên đường Điên Biên phủ, quận 10 TP.HCM, mới thấy hết được ngọn lửa nhiệt huyết của một người họa sĩ 77 tuổi, vẫn miệt mài lao động, cháy hết mình qua những bức tranh truyền thần.
Quê gốc ở Quảng Ninh, một vùng quê quanh năm với nắng và gió biển, năm 1955, anh thanh niên Từ Hoa Lợi thi vào trường Y Hà Nội. Sau một năm, anh thi vào trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội. Ra trường, Từ Hoa Lợi về làm họa sĩ cho Đoàn xiếc Trung ương đến ngày thống nhất đất nước. Sau đó, ông sống bằng tiệm vẽ truyền thần ở phố Hàng Đào - Hà Nội. Tình cờ năm 1991, trong chuyến đi thăm người bạn ở TP.HCM, ông đã cảm nhận được những tình ngưới nồng hậu và phóng khoáng của những con người Nam bộ. Ông đã quyết định cùng vợ là nghệ sĩ xiếc Tạ Thị Kim Dung vào Nam lập nghiệp. Hơn 20 năm ở đất Sài Gòn, cứ đúng 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, và từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, trừ ngày chủ nhật ông vẫn đều đặn ngồi ở góc đường Điện Biên Phủ vẽ truyền thần cho khách hàng qua những bức tranh chân dung.
Họa sĩ Từ Hoa Lợi tâm sự: nghề vẽ truyền thần ngoài bàn tay tỷ mỷ và chăm chút từng đường cọ trên giấy thì đôi mắt người họa sĩ phải tinh tường để căn từng đường nét trên bức họa. Mỗi bức chân dung khổ A3 ông vẽ trong khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ với giá 300 ngàn đến 400 ngàn đồng.
Khách hàng của ông hầu hết ở các tỉnh như Cần Thơ, Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương qua những người thân quen. Họ ngưỡng mộ tài năng của ông vì dù các tấm chân dung đã bị ố vàng, rách nát, ông vẫn có thể phác thảo lại qua ký ức miêu tả của khách. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là có một gia đình ở huyện Củ Chi nghe tin đã đón ông về vẽ lại chân dung ông cố trong gia đình. Qua những mô tả của những người thân trong nhà, ông phác họa một bức chân dung giống y như cụ cố của họ. Ông kể: “người chủ nhà hơn 80 tuổi đã ôm lấy tôi mà nghẹn ngào. Tôi làm nghề này vốn sống tình cảm, nên cũng không cầm được nước mắt”.
Không những vẽ tranh thờ tự, ông Lợi còn vẽ hình ảnh của Bác Hồ. Ông bảo, “với chân dung Bác Hồ, tôi đã vẽ rất nhiều. Người là nguồn cảm hứng cho tôi mỗi khi sáng tác”. Ông hồi tưởng: một buổi trưa năm 1960, Bác Hồ đến thăm đoàn xiếc Trung ương nhưng không báo trước. Khi ấy ông đang vẽ pano, áp phích cho đoàn. Bác Hồ đến gần vỗ vai ông và bảo: ”cháu làm việc có vất vả lắm không?”. Ông thưa với Bác là “được lao động và làm việc đúng với nghề chính là hạnh phúc của đời cháu”. Khi ra về Bác Hồ căn dặn rằng: “làm được điều gì tốt cho mình, cho cơ quan, cho nhân dân thì việc gì cũng là vinh quang!”. Và giờ đây, những ngày kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, các đoàn thể hay đến đặt hàng ông vẽ chân dung Bác Hồ và những lãnh tụ của dân tộc. Những lúc đó, ông đem hết tâm lực để truyền cái thần thái của những vị lãnh tụ kính yêu đến với nhân dân, với công chúng thành phố.
Khi hỏi về “truyền nhân”, Lão họa sĩ cười và bảo: “trước đây tôi cũng đã từng đào tạo cho các cháu đến với nghề truyền thần, nhưng các cháu không trụ được”. Ông giải thích: “Nghề này đòi hỏi phải tỷ mỷ, chịu khó và có tâm, mà các cháu thì còn trẻ, đâu có chịu khó được, nên học một thời gian thì chuyển sang nghề khác”.
Theo Người tiêu dùng