Làng giàu... cũng khóc
Cập nhật lúc 15:04, Thứ ba, 04/08/2015 (GMT+7)
Sau nhiều đời sống lênh đênh trên biển, gần 400 hộ dân sống rải rác trên các nhà bè thuộc vịnh Hạ Long đã được đưa lên bờ để tái định cư vào năm 2014. Tuy nhiên, có một nghịch lí là mặc dù họ được sống một cuộc sống an toàn hơn, kiên cố hơn nhưng hiện gần một nửa số dân làng chài tái định cư này lại thường xuyên đóng cửa để trở lại với biển. Nguyên nhân là họ "không biết làm gì" khi ở trên đất liền. (làng chài, Vịnh Hạ Long, đất liền)
Sau nhiều đời sống lênh đênh trên biển, gần 400 hộ dân sống rải rác trên các nhà bè thuộc vịnh Hạ Long đã được đưa lên bờ để tái định cư vào năm 2014. Tuy nhiên, có một nghịch lí là mặc dù họ được sống một cuộc sống an toàn hơn, kiên cố hơn nhưng hiện gần một nửa số dân làng chài tái định cư này lại thường xuyên đóng cửa để trở lại với biển. Nguyên nhân là họ “không biết làm gì” khi ở trên đất liền.
Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp nhằm chuyển đổi nghề của chính quyền TP.Hạ Long chưa thật sự thiết thực với người dân làng chài. Đối với những người dân vốn quen sống trên các nhà bè, trình độ hiểu biết còn hạn chế, những công việc đó rất khó phù hợp. Cụ thể, khi UBND giới thiệu người dân đi làm tại các công ty du lịch, nhà hàng, chỉ có khoảng 10 người tham gia. Công việc lái xe ban đầu tưởng chừng rất hấp dẫn khi có tới 30 người đăng ký nhưng sau đó chỉ có 10 người học và 4 người vào lái xe cho hãng taxi. Còn đến nay, họ đã nghỉ cả. Nguyên nhân là những người này “tay vốn quen chài lưới” khó mà cầm vô lăng đi trong thành phố.
Có một nghề tưởng chừng rất hiển nhiên đối với làng chài là nghề đánh bắt hải sản thì chính quyền TP.Hạ Long lại “suýt quên”. Bà Nguyễn Thị Loan thừa nhận: “Mục tiêu của thành phố là chuyển đổi nghề. Sau này, mới thấy đây (đánh bắt hải sản - PV) cũng là nghề của người ta”. Chính vì “sau này mới thấy” nên chính quyền TP.Hạ Long chưa thật sự quyết liệt trong việc tạo điều kiện cho người dân phát huy nghề đánh bắt hải sản.
Hiện nay, nguyện vọng của người dân làng chài tái định cư là được hỗ trợ phát triển nghề cá bằng việc xây dựng các công trình phục vụ nghề cá, đặc biệt là công trình khơi lạch từ làng chài tái định cư ra đến biển và khu chợ dân sinh. Tuy nhiên, ông Hoàng Vĩnh Hà - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Hạ Long - cho biết, công trình lạch đánh bắt cá không nằm trong quy hoạch tái định cư mà nằm ở một dự án khác còn khu chợ thì chưa được xây dựng và cả 2 công trình này đang nằm chờ nhà đầu tư thứ cấp.
Có thể nói rằng, khu tái định cư làng chài phường Hà Phong được xây dựng là một nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng như TP.Hạ Long. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần phải quan tâm sâu sát hơn nữa tới sinh kế của người dân, nhất là việc khơi thông lạch đánh cá cũng như xây dựng chợ dân sinh. Có như vậy, đời sống của người dân mới thật sự được ổn định.
Theo Lao Động
.