Ở Sài Gòn có rất nhiều “địa danh” Gò Mả Lạng để chỉ một khu đất trống mà ngày xưa đã từng là… nghĩa địa tập trung những “gò mả lạng” và thường thì những gò mả ấy được xem như “vô thừa nhận”.

 

Nhưng ở P.15, Q.8 có một xóm dân cư “Gò Mả Lạng” và ở đây có một bãi đất trống gọi là “bãi cây Keo” mà một số cư dân xóm Gò Mả Lạng dùng làm nơi “giũ bụi… trần gian”, một nghề khá cơ cực, suốt ngày sống trong bụi bẩn, sức khỏe bị bào mòn nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.

“Giũ bụi… trần gian” thật ra là đập những cái bao cho bay hết bụi để cung cấp cho những cơ sở tái chế bao cũ thành bao đựng hàng. Bao bẩn là bao xi măng, bao bột đá hoặc “sạch” hơn một chút là bao bột mì, bao sữa. Những người thợ đập bao dùng một dụng cụ rất đơn giản là cây sào tre dài đập “bộp bộp” liên tục vào cái bao cho bay hết bụi là đạt yêu cầu. Công việc đập bao tưởng đâu nhẹ nhàng nhưng hóa ra hết sức nặng nhọc vì một “cục” bao khoảng 100 cái, đập hết một “cục” bao như thế được chủ trả công có… 5.000 đồng. Một người thợ muốn có thu nhập khá phải có sức khỏe, dẻo dai để đập trong 3-4 giờ khoảng 8-10 “cục” bao tức từ 800-1.000 cái bao.

Bà Nguyễn Thị Tư làm nghề tái chế bao cũ ở xóm Gò Mả Lạng này đã trên 40 năm nên rất gắn bó với nghề “giũ bụi… trần gian”. Bà cho biết hơn 50 năm trước đã hình thành ra nghề đập bao và giai đoạn thịnh hành của nghề này là từ năm 1980 đến 2000. Vào thời điểm đó ở “bãi cây Keo” thường xuyên có 40-50 thợ đập bao làm việc suốt ngày. Không ai đo được lượng bụi từ những cái bao sau khi được thợ “giũ” bay túa ra chung quanh và bay lên không trung, nhưng với lượng bao đến vài chục nghìn, cả trăm nghìn cái thì mức độ ô nhiễm phải nói là khủng khiếp. Do đó cả xóm Gò Mả Lạng suốt ngày bị che phủ trong một lớp bụi mù mịt, trắng xóa còn người thợ trực tiếp cầm cây đập bao thì quần áo, tóc tai, mặt mũi dính đầy bụi. Điều rất lạ lùng là không người thợ nào chịu đeo khẩu trang để hạn chế ô nhiễm, họ cứ để mặt trần như thế và sau một ngày đứng trong vùng bụi phủ mặt người nào người nấy trắng toát, đôi mắt hấp hem, hai vành môi cũng khô khốc vì bụi.

Từ năm 2000 đến nay có lẽ nghề tái chế bao cũ không còn thịnh hành nữa nên phần lớn thợ đập bao đã bỏ nghề hoặc chuyển nghề. Cơ sở tái chế bao cũ cũng thu hẹp dần, ngay như cơ sở của ông Xây cũng chỉ còn khoảng 20 thợ bám nghề. Đồng thời “bãi cây Keo” cũng không còn là “lãnh địa” của dân đập bao vì những khu vực dân cư chung quanh không chịu nổi sự ô nhiễm nên đã nhờ chính quyền can thiệp và những người thợ đập bao phải chuyển địa bàn. Bám trụ ở “bãi cây Keo” giờ chỉ còn mình anh Lộc, một người có thâm niên với nghề đập bao. Anh Lộc tay cầm khúc tre tròn dài hơn 1m đứng chơ vơ giữa đống bao cao nghệu, quần áo, mặt mũi trắng xóa vì bụi cho biết: sở dĩ anh chưa chuyển địa bàn vì chờ làm xong đống hàng này và cố gắng bám “bãi cây Keo” được ngày nào hay ngày nấy cho gần nhà. Khi bị đuổi quá thì chắc anh cũng phải đi qua bên kia rạch Lào như những người thợ đập bao khác.

Rạch Lào là một khu dân cư đối diện với “bãi cây Keo”, nơi đây còn đất trống và không gian cho những người thợ đập bao hành nghề và có lẽ vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được đặt ra. Tuy nhiên những người thợ làm nghề “giũ bụi… trần gian” cũng không còn đông đảo như xưa và phần lớn đều làm công cho chủ để ăn lương ngày, một ngày chủ cơ sở tái chế bao cũ hay “lái bao” trả cho thợ 75.000 đồng/người, tất nhiên với điều kiện chủ giao chỉ tiêu phải đập từ 900-1.000 bao xi măng hoặc bao bột đá và không bao ăn cơm. Một chỉ tiêu không hề đơn giản đối với người sức khỏe yếu. Anh Đức, một thợ đập bao có trên 20 năm theo nghề cho biết như vậy và vẫn không muốn bỏ nghề dù thu nhập quá thấp, đơn giản chỉ vì anh không biết làm nghề gì khác ngoài chuyện… đập bao.

Còn anh Trung, một thợ đập bao “tự do”, không bị lệ thuộc vào chủ vì anh có kinh nghiệm tới… 3 đời của gia đình làm nghề đập bao. Còn bản thân anh thì vào nghề từ năm 9 tuổi, khi mới học hết lớp 3. Anh Trung cho biết: làm cho một cơ sở tái chế bao cũ được ăn lương ngày, khá hơn ăn công, nhưng lại phải chịu sự quản lý, kiểm soát chỉ tiêu của chủ. Anh làm thợ đập bao ăn công, lãnh hàng về làm, cứ một “cục” bao 100 cái anh ăn công 5.000 đồng, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, mệt thì nghỉ. Với thâm niên trong nghề, và có sức khỏe trong 3 giờ anh Trung có thể đập 1.400 bao hơn rất nhiều thợ khác. Anh Trung cũng không chịu đeo khẩu trang chống bụi và anh hồn nhiên cho biết kinh nghiệm gia truyền là mỗi ngày xong việc cứ mua huyết heo ăn thoải mái. Huyết heo vào cơ thể sẽ… hút hết bụi xi măng, nhờ vậy mà anh chẳng bệnh tật gì và cũng chưa có thợ đập bao nào chết vì… lao phổi dù mỗi ngày hít bụi xi măng vào phổi không ít.

Sài Gòn có những ngõ ngách của cuộc sống lạ lùng mà nghề đập bao hay “giũ bụi… trần gian” tồn tại ở xóm Gò Mả Lạng, P.15, Q.8 là một minh chứng. Một nghề nói ra khó tin nhưng lại là sự thật.


Theo Đời sống & Tiêu dùng

.