Gần đây, ở nhiều nơi thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là ở các địa phương ven biển đang rộ lên phong trào rao bán đất ruộng, đất vườn. Không ít người tỏ rõ sự lo lắng, cứ đà này, không bao lâu nữa, nếu muốn thấy lại những cánh đồng lúa bạt ngàn, xanh ngút tầm mắt, chỉ còn có thể lần tìm trong ký ức...
 


Nhìn gương mặt vừa cười vừa nói một cách đầy ngụ ý của anh Q, chúng tôi càng hiểu rõ vì những người nông dân ở một vùng nổi tiếng là “bờ xôi ruộng mật” lại có thể bán ruộng, bán vườn một cách... vô tư đến thế. Ông Út Phương - chủ một quán nhậu kiêm nghề môi giới đất nông nghiệp - bật mí: “Hổm rồi, nhiều người đến nhờ tui bán đất lắm. Mà nhà báo chẳng cần đi đâu xa để tìm hiểu, chỉ cần ngồi đây lai rai vài ly, tui mở mạng internet, tra roẹt một cái là thấy nhan nhản người rao bán ruộng, bán vườn…”.

Nỗi buồn “ruộng cạn, ao sâu”

Quả như lời ông Út Phương nói, khởi động máy tính, mở trang tìm kiếm google, chúng tôi gõ vào hai từ khóa “Mỹ Long Nam” và “bán ruộng”, chỉ sau vài giây, máy tính đã cho hàng chục kết quả. Mở rộng diện tìm kiếm lên địa bàn huyện Cầu Ngang rồi tỉnh Trà Vinh, kết quả cho ra càng nhiều. Lần theo một số điện thoại đăng trên một trang mạng có nội dung rao bán 7.000m2 đất nông nghiệp, đầu dây bên kia trả lời ngay, giọng khá vồ vập: “Mấy chú định xây trang trại hay làm xưởng sản xuất?”. “Để làm ruộng nuôi tôm” - tôi trả lời. Phía bên kia trả lời: “Miếng của tui ngon lắm, đường xe ô tô vô được. Tui đang cần tiền nên bán rẻ, chỉ có 60 triệu/ha”. Nghe thế, Út Phương cười: “Tui nói đâu có sai. Mà không chỉ có Trà Vinh đâu nghe. Ở các vùng nông thôn ĐBSCL bây giờ, đi đâu cũng thấy nông dân cắm bảng bán đất. Người có tiền chỉ cần chi ra trên dưới trăm triệu là có thể “bứng” được cả ngàn mét ruộng hoặc vườn...”.

Ông Út Phương nói quả có lý: Khoảng 2.000m2 ruộng làm lúa, trúng mùa cũng chỉ lãi được vài triệu đồng mà cả gia đình phải làm đầu tắt mặt tối. Còn đi làm phụ hồ, chỉ cần một người làm trong thời gian một vụ lúa cũng kiếm được bằng số tiền đó, lại đỡ lo lúa chết, mất mùa hay giá lúa giảm. “Tin từ bạn bè, bà con chòm xóm và những vụ mua bán tui đoán chừng có đến 70% người bán ruộng để đi làm nghề khác” - Út Phương khẳng định.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, cùng với lúa, nhiều nông dân nuôi cá tra, tôm sú… ở ĐBSCL đang rao bán đất tràn lan do thua lỗ. Tại vùng Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), khoảng 3 năm nay giá cá tra tuột dốc không phanh khiến người nuôi nợ ngập đầu. Hiện tại, xứ này có khoảng 60% - 70% hộ nuôi cá bỏ nghề và muốn bán đất trả nợ. Còn tại An Giang, Đồng Tháp… tình hình cũng không sáng sủa hơn. Đặc biệt, tại các “điểm nóng” là các vùng ven biển Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… hàng loạt hộ nuôi tôm, trồng lúa cũng rao bán đất để xử lý nợ nần.Thực trạng nông dân kêu bán đất tràn lan khiến chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL hết sức lo lắng. Thao đổi với báo giới, một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả đã đẩy nông dân vào thế khó khiến nhiều nông dân “treo” ao hoặc ruộng vườn. Nếu tình hình đình đốn kéo dài, mọi việc sẽ rất xấu…

Đúng là “mọi việc sẽ rất xấu” khi ruộng vườn - một yếu tố tối quan trọng bảo đảm an toàn lương thực quốc gia – ngày càng thu hẹp một cách nhanh chóng như hiện nay. Thiết nghĩ, nếu chính quyền địa phương cùng các ban ngành chức năng không triển khai ngay các biện pháp hiệu quả nhằm giúp người nông dân gìn giữ, “bảo tồn” ruộng vườn thì trong tương lai không xa, không gian hương đồng gió nội của các vùng miệt vườn sẽ chỉ còn là ký ức!
 

Bài và ảnh: Bình Long