Đại diện nhà thầu phụ LITHACO trình bày, trong khi dự toán của hợp đồng ký giữa hai bên từ năm 2017 là dự toán tạm tính, đến cuối năm 2019 thì khối lượng công việc đã thay đổi trên 70% so với hợp đồng ban đầu. Trong đó, có thay đổi chủng loại vật tư hoặc giống chủng loại của hợp đồng gốc nhưng khối lượng thay đổi (có tăng, có giảm). Các thay đổi này xuất phát từ thay đổi thiết kế, bởi vì, dự toán của hợp đồng gốc là dự toán tạm tính mà nhà thầu Hàn Quốc tự tính toán, bóc tách và gửi các nhà thầu phụ Việt Nam chào giá cạnh tranh, bảng dự toán (dự tính) khối lượng này dựa trên thiết kế ban đầu có trước năm 2017 là thời điểm LITHACO ký hợp đồng.
Thực tế thời gian qua, dự án Metro đã đội vốn hơn gấp đôi so với phê duyệt ban đầu do thay đổi phương án và thay đổi thiết kế. Do vậy, các phạm vi công việc khác từ cơ điện và xây dựng, phòng cháy chữa cháy...đều thay đổi theo.
Điều đáng nói là nhà thầu Hàn Quốc khi ký hợp đồng thầu phụ đều ràng buộc các nhà thầu phụ Việt Nam không được điều chỉnh giá (!?).
Và các nhà thầu phụ Việt Nam thường ở thế rất yếu so với nhà thầu Hàn Quốc ở khả năng áp đặt, kỹ năng tiếng Anh ...cho nên trong các cuộc họp công trường thường phản đối rất yếu ớt hoặc bị họ ghi biên bản nội dung họp rất bất lợi.
Dẫn chứng trường hợp ở dự án Metro gói thầu điện mà nhà thầu phụ Việt Nam LITHACO đã ký với nhà thầu GS E&C của Hàn Quốc. Trong khi phần thiết kế kỹ thuật do GS E&C phụ trách, bản vẽ thiết kế thi công họ yêu cầu các kỹ sư Việt Nam của nhà thầu phụ vẽ, thiết kể kỹ thuật vẫn chưa được duyệt thì mặc nhiên thiết kế thi công là thiết kế bước sau cũng chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, họ liên tục ép thúc các nhà thầu phụ nhập vật tư và triển khai thi công theo một thiết kế chưa được phê duyệt, thường họ chỉ nói miệng ra lệnh các nhà thầu phụ thực hiện với lời hứa 'làm đi sẽ được thanh toán'
Và như đã nêu ở phần trên, do tất cả các bản vẽ đều chưa được phê duyệt đồng nghĩa là còn thay đổi thì mặc nhiên các công việc mà các nhà thầu phụ phải tháo lắp lại nhiều lần là tất yếu. Thiệt hại nhân công này thường các nhà thầu phụ Việt Nam ít khi đấu tranh bảo vệ thành công. Ông Trần Quốc Tâm, giám đốc LITHACO trần tình (!).
Thư từ liên tục và sức ép công trường
Thi công theo bảng khối lượng tạm tính đồng nghĩa với các nhà thầu phụ Việt Nam đối diện với nguy cơ rủi ro rất cao và luôn luôn ở thế bị động. Bởi lẻ quy luật trong xây dựng cơ bản thì bảng khối lượng công việc phải được bóc tách (liệt kê) từ bản vẽ thiết kế kỹ thuật, sau đó được chuẩn xác bổ sung dựa vào bản vẽ thi công. Tuy nhiên trong khi cả hai bộ bản vẽ trên chưa được phê duyệt và ban hành thì nhà thầu Hàn Quốc thường thôi thúc tiến độ các nhà thầu phụ Việt Nam kiểu thi công vừa làm vừa chỉnh sửa điều này gây thiệt hại nhân công rất lớn vì một việc phải làm nhiều lần. Khác với phong cách thi công của các nhà thầu Nhật Bản, thường khối lượng đã tính toán khá chính xác từ một bản vẽ kỹ thuật rất chi tiết rồi mới triển khai, các nhà thầu Hàn Quốc thi công theo kiểu làm tới đâu chỉnh sửa tới đó.
Và nếu các nhà thầu Việt Nam không thực hiện hoặc chần chừ thực hiện thì công cụ của họ là họp rất căng thẳng trên công trường, gởi thư đến nhà thầu phụ để thúc hối với nội dung phần lỗi họ đều đổ hoàn toàn cho các nhà thầu Việt Nam. Ông Trần Quốc Tâm bức xúc.
|
|
Ảnh minh họa: Một phần dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên |
Nhà thầu Hàn Quốc được điều chỉnh giá còn nhà thầu Việt Nam thì không?
Theo ông Trần Quốc Tâm, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên tăng tổng mức đầu tư hơn 30 ngàn tỷ nhưng các hợp đồng thầu phụ Việt Nam thường không được điều chỉnh giá. Vì, các hợp đồng khi nhà thầu Hàn Quốc ký với nhà thầu phụ Việt Nam bị họ ép ngay từ ban đầu là hợp đồng không điều chỉnh giá.
Không phải các nhà thầu phụ Việt Nam không biết mà khi đàm phán hợp đồng các nhà thầu Hàn Quốc rất lập trường kiểu cửa trên, trong khi các nhà thầu Việt Nam phần vì kỹ năng đàm phán yếu, phần vì ham việc khi trúng thầu cho nên nhân nhượng một điều khoản cực kỳ nguy hiểm.
Có lẽ từ hai lý do chính là trình độ ngoại ngữ yếu thường không đọc hết hoặc đọc không hiểu các điều kiện chung kèm theo hợp đồng rất dài, thế yếu của thân phận nhà thầu phụ lo sợ nếu phản ứng sẽ bị gây khó dễ trong thanh quyết toán.
Nhật ký công trường là cơ sở quan trọng?
Về nguyên tắc quyển nhật ký công trường là một cơ sở quan trọng để làm cơ sở tham chiếu khi có tranh chấp, tuy nhiên điều đáng tiếc đối với các nhà thầu Viêt Nam là nó không được ghi đúng cách, và hầu như không thể ghi đúng cách, vì sao như vậy (?).
Thông thường nội dung trong nhật ký được ghi theo nguyên tắc làm cái gì?, ở đâu?, bao nhiêu người?, làm được khối lượng bao nhiêu?, vì vậy các nhà thầu hay ghi ngày, tháng, nội dung công việc, khu vực thi công, nhân lực....và lặp đi lặp lại. Ít khi ghi những cơ sở liên quan đến những việc như làm theo bản vẽ nào?, ai ban hành?, ngày ban hành?, những văn bản sửa đổi bổ sung liên quan, những vướng mắc khó khăn nếu gây bất lợi với nhà thầu Hàn Quốc thường các nhà thầu Việt Nam không dám ghi vì ngại đụng chạm như nói ở trên. Hoặc có ghi thì thông thường Nhà thầu Hàn Quốc luôn xem mình ở thế trên ít khi ký xác nhận. Ông Trần Quốc Tâm, trần tình.
Thư bảo lãnh luôn luôn có lợi cho nhà thầu Hàn Quốc (?)
Trong một hợp đồng xây dựng thường có 2 thư bảo lãnh mà ngân hàng của nhà thầu Việt Nam phải phát hành, một là bảo lãnh tiền tạm ứng, hai là bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Theo lẽ thông thường các ngân hàng tham mưu cho các nhà thầu về mẫu của các chứng thư sao cho vừa chặt chẽ vừa khách quan.
Tuy nhiên hầu hết các nhà thầu Hàn Quốc đều ban hành mẫu bảo lãnh theo điều khoản có lợi cho họ như không hủy ngang, vô điều kiện. Mặc nhiên họ (và cả ngân hàng) đang hiểu rằng khi có tranh chấp thì chỉ cần họ gửi văn bản yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì ngân hàng mặc nhiên phải thực hiện.
Sau đó nhà thầu Việt Nam có thể khởi kiện, hoặc chưng ra những bằng chứng ...nhưng khi ngân hàng đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì hầu hết các nhà thầu phụ lâm vào thế suy kiệt thậm chí phá sản trước khi khởi kiện (!). Ông Tâm phân tích.
Tóm lại, bên cạnh các chi phí không chính thức mà các nhà thầu phụ phải gánh chịu thì việc thi công luôn ở thế yếu luôn bị thiệt thòi như nêu trên, không hiểu pháp lý, dễ dãi khi thương thảo hợp đồng, chấp nhận các điều kiện bất lợi là con đường dẫn nhà thầu phụ luôn thua thiệt thậm chí phá sản. Vậy đâu là lối thoát cho các nhà thầu phụ (?), đó là nhà thầu Hàn Quốc cần giải quyết thấu tình đạt lý trong việc do mình thay đổi khối lượng rất lớn theo thiết kế ban đầu đã ký với các nhà thầu phụ, đơn giá phát sinh phải dựa theo đơn giá thị trường hiện nay. Có được như vậy, thì các nhà thầu phụ mới có đủ tiền chi trả lương cho các công nhân, kỹ sư, những người bỏ ra sức người, chất xám để mong hoàn thành sớm công trình trọng điểm của quốc gia mới có đủ thu nhập để hoàn thành sứ mệnh của mình.